Phụ huynh ít hưởng ứng
Với định hướng không dùng tiền mặt trong trường học, ngành Giáo dục vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang nỗ lực số hóa thu học phí và các khoản thu dịch vụ.
Ông Ngô Thanh Sang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, cơ sở giáo dục trên địa bàn đang tích cực thực hiện không sử dụng tiền mặt khi thanh toán. Dự kiến đến năm 2025, có 100% trường học triển khai.
Tại huyện Tháp Mười, 100% cơ sở giáo dục chi trả chế độ chính sách, tiền lương và chế độ khác của cán bộ, giáo viên, người lao động theo hình thức không dùng tiền mặt. Phòng yêu cầu các trường tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường tuyên truyền đến cha mẹ học sinh, cộng đồng xã hội, đồng thời chủ động liên kết với ngân hàng, đơn vị trung gian hỗ trợ mở tài khoản miễn phí, giúp đỡ phụ huynh khi phát sinh vấn đề trong quá trình thanh toán. Do đó, thu học phí và các khoản khác không dùng tiền mặt dễ dàng hơn bởi phần lớn cha mẹ có điện thoại thông minh và tài khoản ngân hàng. Nhà trường cũng linh hoạt sử dụng hình thức thanh toán khác để thuận tiện cho phụ huynh.
Tuy nhiên không phải trường học nào cũng đạt kết quả tốt như ở Tháp Mười. Trong quá trình triển khai còn nhiều nơi đối mặt với khó khăn, đặc biệt các trường vùng nông thôn. Trường Tiểu học Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành (Vĩnh Long) có tỷ lệ phụ huynh thực hiện thanh toán không sử dụng tiền mặt khiêm tốn, khoảng 30%. Thầy Nguyễn Văn Xuân - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Nguyên nhân chủ yếu do phụ huynh chưa có tài khoản ngân hàng, việc triển khai tại trường còn mới nên chưa quen.
Thực tế, người dân khu vực nông thôn có thói quen sử dụng tiền mặt, chưa tiếp cận hình thức thanh toán qua app hoặc đơn vị thu trung gian. Phụ huynh hạn chế về điều kiện kinh tế, thiếu kiến thức ứng dụng thanh toán trực tuyến, trong khi ngân hàng lại xa.
Chia sẻ về thách thức khi thực hiện thu phí không dùng tiền mặt ở vùng nông thôn, thầy Vũ Quang Trung - Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) nhìn nhận: Đa phần phụ huynh làm nghề nông, người trẻ đi làm xa chỉ còn ông bà đưa đón học sinh nên không biết cách, thậm chí chưa từng sử dụng tài khoản ngân hàng. Đối với phụ huynh làm công chức Nhà nước dễ triển khai nhưng số lượng không nhiều (hơn 10%).
“Sau 1 năm triển khai, người dân chưa quen, vẫn sử dụng tiền mặt nhưng được linh hoạt theo hình thức thu hộ, sau đó chuyển khoản về trường”, thầy Trung cho hay.
Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), thông tin tài khoản cũng như mã quét tạo thuận lợi cho phụ huynh thanh toán trực tuyến. Ảnh: TG |
Gỡ khó cho phụ huynh
Trường THCS Tích Thiện, huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) có 530 học sinh. Theo thầy Hiệu trưởng Bạch Thái An, năm đầu tiên thực hiện thu không dùng tiền mặt, nhiều phụ huynh phản ứng. Nguyên nhân do trường nằm ở vị trí đặc thù, đa số dân sinh sống bằng nghề nông, hơn 70% phụ huynh chưa có tài khoản ngân hàng. Nhiều ngân hàng không có cơ sở tại địa phương hoặc chi nhánh cách trường gần 10km nên người dân chủ yếu vẫn sử dụng tiền mặt.
Trước khó khăn của phụ huynh, nhà trường đã phối hợp cùng giáo viên, ban đại diện cha mẹ học sinh tích cực vận động, nhất quán quan điểm, thực hiện chủ trương của ngành, từ đó tạo sự đồng thuận trong phụ huynh. Sau 2 năm thực hiện, nhà trường đảm bảo 100% thu phí không dùng tiền mặt.
Còn thầy Nguyễn Văn Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành (tỉnh Vĩnh Long) cho hay, nhà trường chủ động thu chi khoản phí đối với trường hợp chưa thực hiện không dùng tiền mặt, hướng dẫn các biện pháp để phụ huynh có thể thực hiện, đảm bảo thu chi tại trường diễn ra thuận lợi. Thời gian tới trường cố gắng rà soát vướng mắc, hỗ trợ kịp thời người dân vì việc thực hiện chuyển đổi số mang lại nhiều tiện ích cho cả gia đình và nhà trường.
Nhờ tích cực tuyên truyền, hỗ trợ từ phía nhà trường và ngân hàng, nhiều phụ huynh đã có thể thực hiện. Con đi làm ăn xa, bà Nguyễn Thị Kiều Thu ngụ tại xã Vị Bình, huyện Vị Thuỷ (tỉnh Hậu Giang) ở nhà chăm 2 cháu học lớp 3 và 6. Hơn 50 năm tuổi, bà chưa biết tài khoản ngân hàng là gì.
“Làm nghề mua bán rau, thả lưới dưới sông kiếm vài chục nghìn đồng nên không dùng tài khoản. Con làm ăn xa gửi tiền nuôi cháu qua bưu điện, tôi ra đó nhận tiền mặt. Thời gian qua, nhà trường hướng dẫn thu hộ tại trường nên việc đóng tiền ăn, bảo hiểm… cho các cháu cũng thuận tiện hơn”, bà Thu chia sẻ.
Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: Để triển khai thu phí không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục phải đa dạng hóa phương thức và kênh thanh toán giúp phụ huynh có nhiều lựa chọn, thuận tiện trong việc đóng các khoản thu. Nhà trường cần đặc biệt quan tâm đến người yếu thế, tạo điều kiện tốt nhất cho người học, phụ huynh, khuyến khích và hỗ trợ nếu cần.