Minh bạch thu chi khi trường học không dùng tiền mặt

GD&TĐ - Hiện nhiều trường học tổ chức thu các khoản đóng góp theo hình thức không dùng tiền mặt.

Học sinh Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8, TPHCM) mua nước giải khát bằng thẻ. Ảnh: INT
Học sinh Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8, TPHCM) mua nước giải khát bằng thẻ. Ảnh: INT

Phương thức này không chỉ tạo thuận lợi cho phụ huynh khi đóng góp mà còn góp phần minh bạch thu, chi tài chính nhà trường.

Nhà trường, phụ huynh được lợi

Tháng 4/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ký ban hành Kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Theo đó, năm 2023 mục tiêu cụ thể của UBND tỉnh Vĩnh Long: 100% trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng số để chuyển đổi số; 100% trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh được triển khai sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí và các giao dịch khác; Số lượng các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đạt từ 60% trở lên.

Còn với TPHCM, thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục diễn ra nhiều năm nay. Hình thức này tạo thuận tiện cho phụ huynh khi nộp các khoản chi phí học tập cho con.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, đây là một trong những nội dung của mô hình trường học thông minh, nằm trong tổng thể phát triển thành phố thông minh mà địa phương đang xây dựng. Tương tự, hình thức này cũng được các trường học ở nhiều địa phương như: Hà Nội, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bắc Giang… triển khai.

Tiết học kỹ năng sống của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (Đồng Nai).

Tiết học kỹ năng sống của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (Đồng Nai).

Tại Đồng Nai, thực hiện đề án chuyển đổi số của tỉnh và thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh tổ chức thu các khoản phí bằng hình thức không dùng tiền mặt thông qua phần mềm do đơn vị ngoài cung cấp. Theo đó, mỗi phụ huynh tải một App về điện thoại để thanh toán các khoản phí theo quy định hằng tháng, mà trước đó giáo viên từng lớp thông báo.

Cô Hoàng Thị Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là bước đi quan trọng trong tiến trình xây dựng trường học thông minh. Với quy mô hơn 1 nghìn học sinh/năm học, quá trình thu các khoản tiền ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian làm công tác chuyên môn của thầy cô. Thu học phí không dùng tiền mặt sẽ thuận lợi bởi đa số phụ huynh đều có điện thoại thông minh và tài khoản ngân hàng.

Anh Trịnh Đăng Hải có con học lớp 5 một trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết: “Trước đây, tôi phải đến cây ATM rút tiền và trực tiếp gặp bộ phận kế toán nhà trường để nộp, nhiều lúc chờ đợi rất mất thời gian. Do đó, khi nhà trường thực hiện thu các khoản qua tài khoản ngân hàng, tôi thấy thuận lợi và nhanh chóng. Với hình thức này, phụ huynh có thể nộp tiền bất kỳ lúc nào và không phải lo lắng khi con cầm tiền đến trường”.

Nộp hồ sơ vào lớp 10 tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM).

Nộp hồ sơ vào lớp 10 tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM).

Tăng công khai, minh bạch

Đầu tháng 9/2023, để ngăn chặn tình trạng lạm thu, thu sai quy định của các trường và đơn vị liên quan, Ban đại diện cha mẹ học sinh, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, sở đã phối hợp với sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức để dự thảo Công văn hướng dẫn triển khai chặt chẽ Nghị quyết số 04 năm 2023 của HĐND TPHCM về quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TPHCM năm học 2023 - 2024.

Như vậy, các mức thu của khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục (không bao gồm học phí) phải đảm bảo không vượt mức thu tối đa quy định từng nhóm theo phân loại địa bàn.

“Các khoản thu phải được đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh, sinh viên. Bộ phận tài vụ của nhà trường thu tiền, phát hành biên lai, hóa đơn cho từng học sinh, sinh viên, không giao cho giáo viên và thực hiện đầy đủ chế độ quản lý tài chính theo quy định. Yêu cầu mọi khoản thu không dùng tiền mặt”, ông Minh cho biết.

Tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp, TPHCM), hình thức thanh toán các khoản phí không dùng tiền mặt thực hiện nhiều năm nay. Trước đây, mỗi lần đến kỳ thu học phí và các khoản thu khác nhân viên phụ trách rất vất vả vì phải trực tiếp viết phiếu thu, đối soát, thu tiền và ký nhận.

Cô Hiệu trưởng Phan Thị Châu chia sẻ: “Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt giúp cán bộ, giáo viên tiết kiệm thời gian, giảm rủi ro phát sinh trong các giao dịch tiền mặt như thừa, thiếu, nhầm lẫn, tiền giả. Đặc biệt, hình thức này sẽ giúp minh bạch hóa các khoản thu, thúc đẩy chuyển đổi số trong trường học”.

Còn theo chia sẻ của cô Hoàng Thị Ngọc, phụ huynh muốn nộp tiền thông qua App bởi không chỉ tiết kiệm thời gian mà mọi khoản thu đều công khai. Thông qua App, phụ huynh có thể theo dõi các khoản đóng hằng tháng. Việc thu tiền theo hình thức này cũng giúp nhà trường thuận lợi theo dõi thu chi và tiết kiệm thời gian so với hình thức thu trực tiếp.

“Thu tiền không dùng tiền mặt giúp người đứng đầu nhà trường dễ dàng quản lý việc thu chi. Trước đây công tác này khó khăn bởi phải thông qua sổ sách ghi chép. Giờ đây chỉ cần máy tính hoặc điện thoại là có thể kiểm tra được toàn bộ thu chi. Cũng nhờ hình thức này, mọi khoản thu vào hay chi trả đều được công khai, minh bạch, đảm bảo chính xác và an toàn cho cả phụ huynh và nhà trường”, cô Ngọc chia sẻ.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 9/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: “Để tránh lạm thu đầu năm học, đối với khối giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã ban hành đầy đủ văn bản, thông tư hướng dẫn. Điều quan trọng là các địa phương, trường phổ thông phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng lạm thu dưới mọi hình thức. Cùng đó, cố gắng xây dựng lộ trình, tiến tới mọi khoản thu ở trường đều không dùng tiền mặt, qua đó góp phần khắc phục tình trạng lạm thu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ