Lên kịch bản ứng phó tình huống xấu
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp ở Campuchia khiến các tỉnh biên giới Việt Nam tăng cường công tác chống dịch. Trong đó, các trường học vùng giáp biên cũng “nóng” lên từng ngày khi vừa giảng dạy cho kịp kế hoạch học kỳ 2, vừa bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh.
Hiện tại, hệ thống phòng chống dịch Covid-19 trong trường học khu vực biên giới Tây Nam đã được kích hoạt ở chế độ cao nhất và sẵn sàng ứng phó nếu có diễn biến xấu. Công tác phòng dịch không chỉ diễn ra trong nhà trường mà còn được tuyên truyền đến phụ huynh và người dân địa phương.
Một trong những “điểm nóng” tại biên giới Tây Nam là TP Hà Tiên (Kiên Giang). Theo thống kê của UBND tỉnh Kiên Giang, số lượng người dân Việt Nam sang Campuchia làm ăn, sinh sống ước gần 12.000 người, đa số là lao động tự do, xuất cảnh trái phép làm việc tại các tụ điểm vui chơi, giải trí, nhà hàng, casino... Từ ngày 20/2 đến nay đã có trên 1.300 người nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện 31 vụ nhập cảnh trái phép vào địa bàn tỉnh với 142 đối tượng. Dịch bệnh tại Campuchia bùng phát, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép liên tục diễn ra khiến công tác phòng dịch rất khó khăn.
Theo ông Trần Dũng Trí Nhân, Trưởng phòng GD&ĐT TP Hà Tiên, trên địa bàn có 6 trường học giáp biên giới, trong đó có 5 trường vùng đất liền và 1 trường TH&THCS Tiên Hải, thuộc xã đảo Tiên Hải. Trước tình hình dịch bệnh bên kia biên giới phức tạp, đặc biệt là kỳ nghỉ lễ dài ngày sắp tới, phòng chỉ đạo các trường tăng cường tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch; lưu ý phụ huynh quan tâm cho con em ôn tập chuẩn bị tốt cho kiểm tra học kỳ II; Chung tay phòng chống dịch, hạn chế tụ tập đông người trong các ngày nghỉ lễ.
Các trường học ở TP Hà Tiên khẩn trương lên kế hoạch ứng phó và sẵn sàng triển khai khi có tình huống xấu. Theo ông Nhân, trong xây dựng kịch bản ứng phó dịch Covid-19, mỗi tình huống xảy ra đều có giải pháp để ứng phó, bảo đảm an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh. “Ngành Giáo dục khẩn trương thực hiện các giải pháp để phòng chống dịch, tạo tâm lý an tâm cho giáo viên, học sinh khi kỳ thi học kỳ 2 sắp đến.
Mỗi trường tăng cường khâu phòng dịch, giám sát, đặc biệt là với các học sinh có phụ huynh làm nghề chạy xe chở khách, tài xế khu vực biên giới... Bên cạnh đó ngành còn tuyên truyền trong cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh các giải pháp phòng dịch và nâng cao cảnh giác trước tình trạng dịch bệnh xâm nhập vào biên giới”, ông Nhân cho biết.
Lo nhất là HS Việt kiều
Một “điểm nóng” khác là huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), nơi có địa hình phức tạp, có cửa khẩu quốc tế Thường Phước - khu vực thông thương với cửa khẩu Kaoh Roka, xã Kaoh Roka, huyện Peam Chor, tỉnh Prey Veng, Campuchia. Tình trạng nhập cảnh trái phép vào địa bàn xảy ra liên tục. Lực lượng bộ đội biên phòng cắm chốt đã phát hiện trên 40 vụ với khoảng 60 người nhập cảnh trái phép và tổ chức nhập cảnh trái phép. Tất cả các trường hợp đều lợi dụng đêm tối đi đường sông hoặc đường mòn.
Huyện Hồng Ngự hiện có 14 trường học thuộc khu vực vành đai biên giới tại 3 xã. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, công tác phòng chống dịch chưa bao giờ ngưng nghỉ. Thầy trò các trường vừa dạy học, vừa chống dịch, vừa tuyên truyền trong cộng đồng… Theo ông Đoàn Văn Trí, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự: “Tình hình dịch tại Campuchia càng phức tạp thì nhà trường càng áp lực. Mọi khâu phòng dịch phải được triển khai nghiêm ngặt, hệ thống phòng chống dịch ở các trường cũng được kích hoạt ở mức khẩn trương nhất”.
Trước kỳ nghỉ lễ 30/4, tất cả các trường ở huyện Hồng Ngự thực hiện nghiêm việc quản lý học sinh Việt kiều Campuchia. Theo ông Trí, việc quan trọng nhất là không để các em về nước hoặc đón người thân từ Campuchia về. Vận động cán bộ quản lý, giáo viên hạn chế tụ tập đông người, hạn chế du lịch hoặc tham gia các hoạt động đông người. Vận động học sinh ở nhà, không di chuyển khi cần thiết. Cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh cùng phối hợp địa phương kiểm soát, báo cơ quan chức năng khi có người nhập cư trái phép hoặc có người lạ mặt xuất hiện ở địa phương…
Theo các thầy cô giáo, học sinh Việt kiều Campuchia luôn có nguy cơ cao vì các em có cha mẹ, người thân sinh sống ở Campuchia. Nếu không có ý thức, việc xuất, nhập cảnh trái phép có thể diễn ra, kèm theo nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn. Đối với 140 học sinh Việt kiều Campuchia đang theo học tại huyện Hồng Ngự, Phòng GD&ĐT cùng nhà trường, mạnh thường quân thường xuyên hỗ trợ để các em yên tâm đi học. Đặc biệt là làm công tác tâm lý, vận động các em và gia đình tuân thủ các biện pháp phòng dịch, không xuất nhập cảnh trái phép.
Không chỉ vùng biên giới, hiện các trường học tỉnh Đồng Tháp kích hoạt công tác phòng, chống dịch trong toàn hệ thống. Ngoài thông tin, thông báo trực tiếp, trường còn sử dụng mạng Zalo, Facebook để thông tin rộng rãi đến phụ huynh, kịp thời gửi các thông tin về diễn biến, khuyến cáo liên quan đến phòng, chống dịch để phụ huynh hợp tác phòng ngừa.