Trường học gặp khó khi tư vấn nghề nghiệp cho học sinh dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Học sinh dân tộc thiểu số thường ngại chia sẻ mong muốn, nguyện vọng nên gây khó khăn cho thầy, cô khi tư vấn và định hướng nghề nghiệp.

Học sinh Trường PTDTBT THCS Đăk Rơ Nga chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên ngại giao tiếp, chia sẻ với thầy cô.
Học sinh Trường PTDTBT THCS Đăk Rơ Nga chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên ngại giao tiếp, chia sẻ với thầy cô.

Học sinh ngại bày tỏ sở thích, đam mê

Năm học 2022-2023, Trường PTDTBT THCS Đăk Rơ Nga (huyện Đăk Tô, Kon Tum) có tổng số 311 học sinh, đa số các em là người dân tộc thiểu số. Cuộc sống khó khăn, túng thiếu nên ngoài giờ học trên lớp nhiều em phải đi mót mủ cao su, cà phê hay hái đót… để phụ giúp gia đình. Chính vì vậy ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc học và duy trì sĩ số học sinh, đặc biệt vào dịp Noel, lễ Tết.

Cô Lê Thị Mai Hoa, giáo viên Lịch sử cho hay, nhằm giúp các em vượt khó, vươn lên trong học tập thầy, cô thường xuyên quan tâm đến đời sống, tâm tư của học trò.

Theo cô Hoa, vấn đề hướng nghề, hướng nghiệp được giáo viên đặc biệt quan tâm. Sau khi kết thúc học kì I nhà trường và giáo viên chú trọng nắm bắt nguyện vọng, hướng nghiệp cho học sinh lớp 8 và 9. Với những em có học lực Khá, Giỏi giáo viên khuyến khích học sinh tiếp tục học lên cấp 3. Còn những em học lực Trung bình hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn được tư vấn để chọn ngành nghề phù hợp, tránh làm gánh nặng cho gia đình. Không những thế, nhà trường còn phối hợp với Trường Cao đẳng cộng đồng Kon Tum tư vấn để học sinh lớp 8 và lớp 9 lựa chọn được ngành nghề phù hợp.

“Ở xã khó khăn như Đăk Rơ Nga nếu các em không học tập thì chủ yếu đi cạo mủ cao su, làm cà phê. Tuy nhiên, những nghề này chỉ là thời vụ và rất vất vả. Do đó, trong các tiết dạy chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh để các em chọn lựa được hướng đi phù hợp và đúng đắn. Tuy nhiên, cái khó là học sinh ngại chia sẻ, tâm sự và không bày tỏ sở thích hay đam mê của bản thân. Do đó, giáo viên và nhà trường rất khó khăn trong việc tư vấn hướng nghề, hướng nghiệp”, cô Mai Hoa chia sẻ.

Cô Mai Hoa cho hay, trong những năm qua ngành nghề được học sinh quan tâm và lựa chọn nhiều nhất là sửa xe máy và may mặc… Đây cũng là ngành nghề phù hợp và được ưa chuộng tại địa phương.

A Chiêng luôn cố gắng học tập để sau này không phải vất vả như cha mẹ.

A Chiêng luôn cố gắng học tập để sau này không phải vất vả như cha mẹ.

Những buổi không đến trường, A Chiêng - học sinh lớp 7C lại phụ cha mẹ cạo mủ cao su hoặc mót cà phê. Công việc tay chân vất vả nên A Chiêng luôn cố gắng học tập để sau này bớt vất vả.

“Em sẽ cố gắng học tập để thi vào trường Đại học, Cao đẳng. Bởi em thấy rằng việc học rất quan trọng. Học tập sẽ giúp em có công việc phù hợp, không phải vất vả làm thuê, cuốc mướn và có thể phát triển kinh tế gia đình”, em A Chiêng chia sẻ.

Xu hướng học nghề sửa xe và may mặc

Đều đặn hàng năm, Trường Tiểu học - THCS Ia Chim (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) phối hợp với Trường Cao đẳng cộng đồng Kon Tum tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 9.

Theo thầy Nguyễn Hữu Hoàng, Hiệu trưởng nhà trường trong quá trình tư vấn hướng nghiệp, thầy cô luôn nhiệt tình giải đáp thắc mắc và chỉ dẫn một cách chi tiết theo nhu cầu của học sinh. Từ đó giúp các em hiểu rõ hơn về ngành nghề mà bản thân hướng đến.

“Bên cạnh việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp trường Cao đẳng cộng đồng Kon Tum còn có các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu của địa phương. Do đó nếu các em có nguyện vọng, sau khi học xong bậc THCS có thể đăng kí để học tập”, thầy Hoàng nói.

Thầy Hoàng cho hay, năm học này trường có 140 học sinh lớp 9. Các em chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện sống khó khăn, thiếu thốn nên vấn đề hướng nghề, hướng nghiệp được nhà trường đặc biệt quan tâm. Nhằm giúp các em lựa chọn được hướng đi đúng đắn, phù hợp với năng lực và điều kiện gia đình hàng tuần thầy cô đều triển khai tiết học liên quan đến định hướng nghề nghiệp.

“Ở địa phương người dân chủ yếu trồng trọt và chăn nuôi nên đời sống còn nhiều khó khăn. Hiện nay nếu không tiếp tục học lên THPT thì các em nam có xu hướng học nghề sửa chữa ô tô, xe máy. Còn học sinh nữ thường chọn may mặc và dệt vải…“, thầy Hoàng chia sẻ.

Em Lê Nguyễn Kiều Trang, học sinh lớp 9B cho biết, bên cạnh kiến thức được học tập trên trường, thầy cô còn nhiệt tình hướng dẫn, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh. Qua đó, các em có cơ hội tìm hiểu thêm về nhu cầu nghề nghiệp của xã hội, từ đó chọn lựa được hướng đi phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ