Hướng nghiệp từ công tác tư vấn tuyển sinh của trường nghề

GD&TĐ - Với mục tiêu 100% sinh viên ra trường có việc làm, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh đã chú trọng công tác tư vấn, hướng nghiệp.

Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh thi thực hành tốt nghiệp ngành kỹ thuật ô tô.
Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh thi thực hành tốt nghiệp ngành kỹ thuật ô tô.

Không học nghề theo phong trào

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh đang đào tạo nghề từ trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học với 32 ngành nghề đào tạo thuộc các lĩnh vực: cơ khí, điện - điện tử, công nghệ ô tô, công nghệ thông tin, kinh tế, chăm sóc sắc đẹp...

Quy mô trường đào tạo gần 4.000 học sinh, sinh viên hệ chính quy và khoảng 5.000 học viên ngắn hạn. Năm học 2022 - 2023, nhà trường tuyển sinh hệ chính quy gần 2.000 học sinh, sinh viên. Theo cam kết của nhà trường, tất cả học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đều có việc làm và thu nhập từ 5 - 15 triệu đồng/tháng. Nếu không có việc làm nhà trường sẽ hoàn trả lại học phí.

Để đảm bảo thực hiện theo cam kết, nhà trường đã triển khai nhiều phương pháp tư vấn, hướng nghiệp trong quá trình tuyển sinh. Qua đó, nhằm phân luồng cho người học, đảm bảo các chỉ tiêu ngành nghề phù hợp với đầu ra, nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng lao động.

Công tác nâng cao chất lượng đào tạo luôn được Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh quan tâm với mục tiêu người học đều có việc làm sau tốt nghiệp.

Công tác nâng cao chất lượng đào tạo luôn được Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh quan tâm với mục tiêu người học đều có việc làm sau tốt nghiệp.

Ông Nguyễn Hải Diên – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh cho biết, hàng năm, nhà trường đến trực tiếp tại các trường THCS, THPT và các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tổ chức các buổi tư vấn trực tiếp cho học sinh, người có nhu cầu học nghề.

Bên cạnh đó, trước thời điểm tuyển sinh, nhà trường cũng tổ chức hàng chục cuộc tư vấn trực tuyến. Ngoài ra, còn thông báo tuyển sinh chi tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

“Mỗi năm nhà trường tuyển sinh hơn 1.300 học sinh, sinh viên. Xu hướng trong những năm gần đây ngành kỹ thuật ô tô được nhiều học sinh lựa chọn. Tuy nhiên, mỗi năm nhà trường chỉ tuyển sinh 500 chỉ tiêu.

Do ngành ô tô được học sinh lựa chọn học nhiều thì trường nào cũng đào tạo nhiều, có rất nhiều trường trên cả nước tuyển sinh ngành này. Nếu tư vấn, định hướng không khéo, trong 3-5 năm nữa sẽ thừa học viên và khó xin việc. Do đó, trong tư vấn tuyển sinh phải định hướng các ngành công nghiệp ở Việt Nam đều cần cả.

Cách đây 5-7 năm nhiều học sinh lựa chọn nghề hàn, sau khi học viên ra trường nguồn cung về nghề này rất nhiều nhưng nhu cầu ở mức nhất định dẫn đến nhiều người không có việc làm. Đến lúc không có ai học nữa, bây giờ thì lại thiếu”, thầy Diên nêu ví dụ cụ thể.

Theo thầy Diên, việc định hướng phân luồng rất quan trọng, quá trình tư vấn, hướng nghiệp phải phân tích cho học sinh những cái lợi chứ không thể để học sinh lựa chọn theo phong trào.

Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh học thực hành nghề kỹ thuật ô tô.

Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh học thực hành nghề kỹ thuật ô tô.

Anh Nguyễn Trung Kiên (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) đang làm việc tại Công ty Formosa Hà Tĩnh cho biết, năm 2012, sau khi được tư vấn, định hướng học nghề, anh đã lựa chọn học ngành điện tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh. Năm 2021, ra trường trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhiều học viên vất vả tìm việc làm nhưng anh may mắn vì đơn vị tuyển dụng đang có nhu cầu về ngành điện nên anh không khó để xin việc.

“Hiện tôi làm việc ổn định tại Công ty Formosa Hà Tĩnh với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng. Tôi không nghĩ rằng sau khi ra trường mình sẽ có việc làm ngay với mức lương như thế”, anh Kiên cho biết thêm.

Liên kết đào tạo với doanh nghiệp

Nhiều năm qua, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh đã thực hiện liên kết, tạo thuận lợi cho học sinh sinh viên (HSSV) thực hành tại các doanh nghiệp, tiếp cận với máy móc dây chuyền sản xuất hiện đại trong quá trình đào tạo.

Đồng thời, giúp cho các em nâng cao trình độ tay nghề và tác phong công nghiệp, đảm bảo được chuẩn đầu ra cho HSSV cũng như doanh nghiệp không phải mất thời gian đào tạo lại khi tuyển dụng lao động.

“Hiện nhà trường hợp tác với 50 doanh nghiệp trên địa bàn, cả trong và ngoài nước. Cho nên vấn đề để sinh viên, học viên có nơi thực tập theo nhu cầu ngành nghề của mình rất thoải mái”, thầy Diên cho biết thêm.

Chuyên gia Đức thảo luận, rút kinh nghiệm sau mỗi ngày thi của phần thi thực hành đối với sinh viên tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh.
Chuyên gia Đức thảo luận, rút kinh nghiệm sau mỗi ngày thi của phần thi thực hành đối với sinh viên tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh.

Thuận lợi đối với HSSV theo học các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn Hà Tĩnh là địa phương này có khu công nghiệp với nhiều doanh nghiệp lớn như Formosa, VinEs, Nhiệt điện Vũng Áng… Sau khi học tập, hầu như các đơn vị đều ưu tiên tuyển dụng các lao động địa phương.

“Hiện có rất nhiều lao động làm việc tại các công ty như Formosa, Nhiệt điện Vũng Áng… từng là học sinh của nhà trường. Việc các công ty họ muốn tuyển dụng lao động địa phương do chi phí đi lại thấp, gắn bó lâu dài và tay nghề cao”, thầy Diên chia sẻ thêm.

Anh Nguyễn Thành Luân (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đang lao động tại Khu kinh tế Vũng Áng cho biết, có công việc gần nhà giúp anh tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong các dịp lễ, Tết. Ngoài ra, những ngày nghỉ anh thường xuyên được về nhà thăm bố mẹ, con cái… tạo thêm động lực cho anh gắn bó với công việc.

Ông Nguyễn Xuân Ninh – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh cho biết, vấn đề chất lượng và nâng cao chất lượng luôn được nhà trường quan tâm. Trong những năm qua, nhà trường luôn chú trọng công tác đào tạo, tư vấn, hướng nghiệp và công tác tuyển sinh.

“Việc nâng cao chất lượng và các vấn đề khác đều hướng tới mục tiêu việc làm sau đào tạo cho sinh viên. Hằng năm, tỷ lệ HSSV có việc làm sau tốt nghiệp luôn đạt trên 95% (các ngành kỹ thuật đạt 100%) với thu nhập bình quân từ 5-15 triệu đồng/tháng”, ông Ninh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

Hiểu rõ deadline và tầm quan trọngNhân viên văn phòng là gì