Những vụ mùa từ vườn trường
Năm học 2021 – 2022, Trường THPT Bình Sơn (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cải tạo lại khu đất trống đối diện trước cổng trường để làm Khu hoạt động trải nghiệm. Khu đất được chia thành từng ô nhỏ để học sinh thực hiện các dự án học tập liên môn.
Mỗi nhóm có khoảng 6-8 học sinh cùng thực hiện một dự án trồng một số loại rau, củ quả… Mỗi nhóm tự lựa chọn giống cây, cách gieo trồng, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm phải lưu lại nhật ký. Ngoài thành phẩm cuối cùng là số lượng rau, củ, quả thu hoạch được và doanh số bán hàng, các dự án còn phải xây dựng video thuyết minh bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh để chia sẻ kinh nghiệm.
Nhóm của Nhật Khuyên, lớp 10 A2 (năm học 2021 – 2022) thực hiện dự án trồng dâu tây chịu nhiệt. Ngoài cải tạo đất đủ độ tơi xốp và dinh dưỡng để trồng cây giống, nhóm phải thường xuyên nhổ cỏ. Cỏ dại mọc nhiều và phát triển nhanh, tốt hơn cả cây dâu tây. Các bạn tự lên mạng tìm hiểu cách làm chế phẩm sinh học từ tỏi, sả, ớt, gừng và rượu để xử lý các loại sâu bệnh khi cây bắt đầu kết trái.
Cải tạo đất bằng các loại phân bón hữu cơ tự ủ là cách làm được các nhóm học sinh tham gia dự án học tập của Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) chú trọng. |
Trước khi triển khai dự án trồng cây húng quế và bầu hồ lô, nhóm của em Đào Lệ Tuyền học cách làm phân hữu cơ để cải tạo đất. Nhóm cũng phải xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình chăm sóc cây như quả con bị ong chích, cây chậm phát triển. Tuyền cho biết, cả nhóm phải tự chế bẫy côn trùng để bảo vệ quả trong quá trình phát triển.
Sau khi thu hoạch, nhóm học sinh thực hiện các dự án phải nghĩ cách bán những sản phẩm mình làm ra. Như nhóm của Nguyễn Mỹ Ngọc, HS lớp 11B1 đã sử dụng mạng xã hội để bán bầu hồ lô và vào chợ chào hàng với các tiểu thương. Nhờ vậy, nhóm đã bán hết 20 trái bầu hồ lô qua 3 đợt thu hoạch.
Thầy Phạm Thạch Sinh – Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn cho biết: “Với mô hình dự án học tập tại Khu hoạt động trải nghiệm, nhà trường muốn học sinh vận dụng kiến thức của nhiều môn học vào thực tế. Với các dự án này, buộc học sinh phải biết áp dụng kiến thức các môn Công nghệ nông nghiệp, Sinh học, Tin học và ngoại ngữ để có thể chăm sóc cây trồng, giới thiệu quy trình thực hiện dự án bằng clip…”.
Trải nghiệm để hướng nghiệp
Từ dự án học tập trồng rau hữu cơ, nhiều học sinh Trường THPT Bình Sơn hiểu thêm được công việc thực tế trên đồng ruộng của người nông dân. “Có rất nhiều gia đình, dù cha mẹ làm nghề nông nhưng hầu như các em không phải tham gia phụ giúp việc đồng áng. Phụ huynh thường có tâm lý ưu tiên thời gian để con tập trung vào việc học. Thế nên đây cũng là cơ hội để các em hiểu thêm những vất vả của cha mẹ” – thầy Sinh kể.
Ngoài trồng các loại rau, củ hữu cơ, một số nhóm học sinh chọn trồng các loại hoa như cúc, thược dược, hướng dương... để thực hiện dự án học tập. |
Thùy Châu, học sinh lớp 10A6 cho biết, với dự án trồng mướp hương, chúng em biết thế nào là nông nghiệp sạch. Từ thông tin khảo sát khách hàng để tiêu thụ sản phẩm, em thấy rằng nhu cầu về các sản phẩm rau sạch là rất lớn”.
Em Nguyễn Ngọc Hân thì chia sẻ rằng, từ dự án học tập, nhóm của Hân đã định hướng rõ hơn về nghề nghiệp, hiểu hơn về thế mạnh của bản thân, lĩnh vực mà mình thấy phù hợp.
Thông qua các hoạt động trải nghiệm - sáng tạo của một số môn học như Địa lý, Lịch sử, Công nghệ nông nghiệp, Sinh học, Tin học và Ngoại ngữ…, trường THPT Bình Sơn đã kết hợp luôn cả công tác hướng nghiệp sớm.
Theo thầy Phạm Thạch Sinh, hướng nghiệp muốn hiệu quả thực sự phải bắt nguồn từ cuộc sống. Trong đó, lý tưởng nhất là học sinh phải có sự trải nghiệm nhất định với một số ngành nghề cơ bản thì mới biết mình phù hợp nhất với nghề gì.
“Trong khả năng có thể của nhà trường, chúng tôi muốn giúp cho học sinh biết được một số ngành nghề là thế mạnh của địa phương, hoặc những ngành nghề mà địa phương có nhu cầu cao để các em có thể có những lựa chọn phù hợp với sở thích, năng lực của mình” – thầy Sinh chia sẻ.