Khắc phục khó khăn khi hướng nghiệp cho học sinh

GD&TĐ - Nhằm giúp học sinh lựa chọn đúng nghề nghiệp, các trường học chú trọng tổ chức hoạt động trải nghiệm, tham quan mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi.

Học sinh Trường THCS Quang Trung trải nghiệm thực tế về làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Học sinh Trường THCS Quang Trung trải nghiệm thực tế về làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Tư vấn, định hướng cho trò học nghề

Theo Kế hoạch thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông trên địa bàn giai đoạn 2018-2025”, tỉnh Gia Lai phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Riêng với những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Ngoài ra, học sinh tốt nghiệp THPT ít nhất đạt tỷ lệ 45% tiếp tục học tập tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng. Những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%. Thế nhưng trong quá trình thực hiện Đề án bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Gia Lai cũng gặp không ít những khó khăn.

Gần gũi, nắm bắt được tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của học sinh nên các trường cũng chủ động triển khai các phương án để gỡ khó trong quá trình hướng nghiệp.

Thầy Nguyễn Mộng Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (thị trấn Kông Chro, Gia Lai) cho biết, trong năm học 2022-2023 toàn trường có 150 học sinh lớp 9. Vào đầu năm học mới, để đảm bảo tỷ lệ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS nhà trường thường xuyên tuyên truyền, vận động các em tìm hiểu để lựa chọn hướng đi đúng đắn. Bên cạnh đó, chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm, cho học sinh tham quan một số mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Ngoài ra, tham gia các chương trình ngày hội việc làm nhằm giúp các em có cái nhìn toàn diện, đúng đắn hơn trong lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

Tương tự, Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã Ayun Pa, Gia Lai) có hơn 80% là học sinh dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, chất lượng tuyển sinh đầu vào rất thấp, gia đình các em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Đặc biệt tỷ lệ các em đậu Đại học không cao do đó, nhà trường chú trọng tư vấn hướng nghề, hướng nghiệp.

Cụ thể, nhà trường định hướng cho các em vào học tại các cơ sở dạy nghề trong tỉnh với ngành nghề như: kỹ thuật nông nghiệp, điện công nghiệp, bảo vệ thực vật, chăn nuôi… Riêng những em ở lại địa phương để gần với gia đình thì nhà trường tư vấn cho các em theo học nghề tại cơ sở tư nhân hoặc tự trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế.

Giáo dục nghề nghiệp bằng hình thức phong phú

Các Sở, ban ngành tỉnh Gia Lai chú trọng phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra về công tác phân luồng học sinh phổ thông.
Các Sở, ban ngành tỉnh Gia Lai chú trọng phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra về công tác phân luồng học sinh phổ thông.

Để khắc phục vướng mắc, các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan của tỉnh Gia Lai đã đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ nhằm chung tay thực hiện hiệu quả Đề án 522 trong giai đoạn 2022-2025. Đặc biệt, chú trọng phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra về công tác phân luồng học sinh phổ thông.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết, ngành Giáo dục sẽ chú trọng xây dựng đội ngũ làm nòng cốt trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phụ trách công tác giáo dục hướng nghiệp tại các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, lồng ghép nội dung các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp, tìm hiểu thế giới nghề nghiệp… đến học sinh phổ thông. Từ đó, giúp các em có định hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp. Đồng thời, những cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp sẽ tăng cường hơn nữa công tác tư vấn, hướng nghiệp đến học sinh dưới hình thức tổ chức phong phú.

Còn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội những năm qua đã phối hợp triển khai các quy định, chính sách khuyến khích đối với học sinh tham gia học nghề. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và giải quyết việc làm. Tuy nhiên, các trường THCS cần quan tâm định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ năm lớp 8 để tăng hiệu quả phân luồng sau tốt nghiệp THCS.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn và các tổ chức cơ sở Đoàn cần quyết tâm chung tay phối hợp. Sở mong rằng các đơn vị sẽ phối hợp nhịp nhàng để giáo dục hướng nghiệp và thu hút học sinh trung học sau khi tốt nghiệp vào học tại các cơ sở nghề nghiệp. Bên cạnh đó, tổ chức các diễn đàn, đối thoại, cuộc thi… về tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh có sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp uy tín. Ngoài ra, tích cực kết nối, vận động nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia vào hoạt động hướng nghiệp này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.