Cách dạy và học hiệu quả này không những góp phần đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường mà còn thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học kĩ thuật của HS, nâng cao chất lượng giáo dục.
Tích hợp lý thuyết thực tiễn
Cô Nguyễn Thị Hòa – Hiệu trưởng Trường THCS Lùng Vai – huyện Mường Khương (Lào Cai) chia sẻ: Để tiến hành áp dụng mô hình trường học thực tiễn, ban giám hiệu (BGH) và giáo viên (GV) đã tiến hành rà soát nội dung trong chương trình giáo dục có liên quan đến hoạt động thực tiễn. Sau đó lựa chọn phù hợp với đối tượng HS, điều kiện nhà trường và điều kiện địa phương để đề xuất phương án điều chỉnh nội dung và thời lượng dạy học.
Nhà trường cũng dành thời gian cho GV tìm hiểu, tiếp cận, dạy học gắn với thực tiễn các môn học Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, Giáo dục công dân, Công nghệ, Hoạt động ngoài giờ lên lớp…
Đến nay, GV có thể thực hiện dạy tích hợp nhuần nhuyễn một số chủ đề, với một số môn học. Ví như ở môn Ngữ văn lớp 9 với chủ đề: Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em thì GV có thể tích hợp dạy với luyện tập viết bài văn thuyết minh về một loài cây ở trường. Hướng dẫn HS quan sát mô hình sinh thái ở trường sau đó yêu cầu HS viết bài…
Ở môn KHXH (Địa lý) với các chủ đề: Địa lý nông nghiệp (lớp 9), Đất và sinh vật trên Trái đất (lớp 6). Nội dung tích hợp gồm các chất thải trong nông nghiệp đối với môi trường, liên hệ thực tế tại địa phương, vận dụng để đưa ra các biện pháp xử lý về môi trường. Sử dụng, khai thác và cải tạo đất, bảo vệ các loài sinh vật tại địa phương, quan sát các loài hoa trong trong khu vực khuôn viên nhà trường…
Với môn Toán 6 thực hiện các tiết dạy: Trồng cây thẳng hàng. Đo độ dài trên mặt đất; Nội dung tích hợp thực tiễn HS có thể làm thực hành thay vì học lý thuyết trên lớp (Trồng cây tại vườn trường, Đo góc tại vườn trường).
Với môn KHTN (Sinh học), thực hiện với các chủ đề: Cơ quan sinh dưỡng của cây xanh; Quang hợp ở cây xanh; Cơ quan sinh sản của cây xanh; Sự sinh sản ở cây xanh; Vai trò của cây xanh... HS vận dụng kiến thức trên được quan sát cây tại vườn trường, thực hành quan sát cây, hoa, quả tại vườn trường, quan sát, nhận biết cách chăm sóc bảo vệ cây trồng, vai trò của cây xanh với khí hậu và môi trường…
Với môn học GDCD, các tiết dạy thực tiễn, hoạt động trải nghiệm về bảo vệ môi trường sinh thái, vẽ tranh cổ động, tuyên truyền, giáo dục kỹ năng giao tiếp....
Mũi tên hướng tới nhiều đích
Trường học gắn với thực tiễn còn góp phần thay đổi cách thức học tập của HS |
Cô Nguyễn Thị Hòa đã khẳng định, mô hình trường học gắn với thực tiễn được áp dụng tại trường đã mang lại hiệu quả giáo dục toàn diện.
Có thể nhìn thấy sự tích cực trong đổi mới PPDH của đội ngũ GV đã giúp HS học tập chủ động, tích cực hơn, các tiết học thực sự sôi nổi. HS phát huy được năng lực, phẩm chất học tập về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Hình thành nên những năng lực phẩm chất đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục như: Tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội...
Đồng thời, trường học gắn với thực tiễn còn góp phần thay đổi cách thức học tập của HS. Thay vì thụ động tiếp thu kiến thức, HS biết cách thông qua nhiều kênh thông tin, qua các hoạt động thực tiễn, hoạt động trải nghiệm để thu thập, xử lí thông tin về các loài động thực vật, từ đó làm cho giờ học phong phú hơn.
Đối với đội ngũ GV, thay vì trang bị kiến thức cho HS, người dạy chú trọng đến việc gắn lí luận với thực tiễn đời sống. Sau mỗi tiết học lí thuyết, GV tổ chức cho HS học thực hành ngay trong khuôn viên nhà trường.
Hiệu quả từ mô hình trường học gắn với thực tiễn đã được khẳng định. Tuy nhiên, kinh nghiệm được cô Nguyễn Thị Hòa rút ra để triển khai thành công đó là: Cần thực hiện tốt công tác tham mưu, tuyên truyền để CB, GV, nhân viên, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương ủng hộ tích cực đối với hoạt động giáo dục của nhà trường.
Mặt khác phải xây dựng kế hoạch giáo dục có nội dung dạy học gắn với thực tiễn, để HS có cơ hội khám phá, liên hệ kiến thức từ lý thuyết đến thực hành phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị và địa phương.
Tổ chức sinh hoạt chuyên đề cấp tổ, cấp trường về dạy học gắn với thực tiễn, tạo các điều kiện thuận lợi để HS, GV cùng tham gia và triển khai áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.