Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, Nhà giáo Ưu tú Đinh Thị Lụa - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam đã nêu bật những thành quả đã đạt được, tạo bước tiến vững chắc để ngành Giáo dục Hà Nam nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo cú hích thúc đẩy công cuộc đổi mới.
- Thưa bà, năm học vừa qua ngành Giáo dục Hà Nam đạt được những thành quả như thế nào?
- Có thể khẳng định rằng: Tính đến năm học vừa qua, quy mô giáo dục tỉnh Hà Nam từng bước phát triển, tiếp tục ổn định và giữ vững với 388 trường học các cấp, các trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề cùng với hàng chục trường ĐH, CĐ, trung cấp và dạy nghề của T.Ư và địa phương đóng trên địa bàn đã đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Công tác giáo dục đạo đức có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức của HSSV về lý tưởng, lẽ sống và trách nhiệm công dân, chấp hành pháp luật được nâng lên. Công tác giáo dục thể chất, thẩm mỹ, hướng nghiệp, dạy nghề, giáo dục kĩ năng sống cho HSSV được quan tâm góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.
Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các cấp đủ về số lượng, đảm bảo về chuyên môn nghiệp vụ theo cơ cấu vị trí việc làm. Chất lượng đội ngũ nhà giáo của tỉnh ngày càng được nâng cao, có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn cao, có phẩm chất đạo đức tốt, có lòng yêu nghề và năng lực sư phạm đáp ứng yêu cầu giảng dạy tại các nhà trường và yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (CT, SGK GDPT).
|
- Đâu là những điểm sáng, là điểm nhấn trong năm học của ngành Giáo dục Hà Nam, thưa bà?
- Tiếp nối những thành quả của các năm trước, ngành Giáo dục Hà Nam đã đạt được những thành tựu, là điểm sáng trong năm học vừa qua; Đó là: Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục giữ vững và có những bước khởi sắc, bứt phá. Giáo dục đại trà đã chuyển dần theo hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực người học, từng bước tiếp cận mục tiêu đổi mới của CT, SGK GDPT. Kết quả Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 của thí sinh tỉnh Hà Nam đạt trung bình 5,89 điểm (xếp thứ hai toàn quốc); Chất lượng giáo dục mũi nhọn của Hà Nam luôn nằm trong top 10 tỉnh của cả nước. Đặc biệt trong năm học 2018 - 2019, tỉnh Hà Nam có 2 học sinh dự thi và đoạt Huy chương Đồng, Bằng khen trong Kỳ thi Olympic Vật lí châu Á, 1 học sinh đoạt Huy chương Bạc trong Kỳ thi Olympic Vật lí quốc tế.
Tỉnh Hà Nam đã thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ (PCGD - XMC); Tại thời điểm tháng 10/2018, tỉnh Hà Nam được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3, đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3 và đạt chuẩn XMC mức độ 2.
- Đâu là nền tảng để ngành Giáo dục tỉnh nhà có được những thành quả trên đây, thưa bà?
- Để có được những thành quả giáo dục trên đây, ngành Giáo dục Hà Nam đã luôn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, giám sát của nhân dân đối với sự nghiệp phát triển, đổi mới GD-ĐT; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về GD-ĐT; Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy - học, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, đổi mới công tác quản lí… Áp dụng một số mô hình đổi mới giáo dục như: Mô hình Trường học mới (VNEN) ở tiểu học và THCS, Mô hình Trường học gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh tại địa phương, Mô hình Giáo dục STEM, Mô hình Trường học đổi mới đồng bộ. Những trường chưa thực hiện các mô hình này đều đã lựa chọn áp dụng các thành tố tích cực vào quá trình dạy - học.
Song song với đó, Sở GD&ĐT đã tích cực chỉ đạo và thực hiện công tác đổi mới cơ chế quản lý, đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học với hình thức đa dạng; Đổi mới cách đánh giá giáo viên, thi giáo viên dạy giỏi; Tăng cường công tác khảo thí, kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục; Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT, bảo đảm trung thực, khách quan, đúng quy chế; Chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT; Chỉ đạo quyết liệt trong công tác ôn tập nội dung kiến thức cho học sinh lớp 12 và công tác chuẩn bị, tổ chức thi THPT quốc gia năm 2019; Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD-ĐT…
|
- Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã được cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc, tập trung chuẩn bị, tổ chức thành công, vậy bà có thể chỉ ra đâu là những bài học kinh nghiệm làm nên thành công của kỳ thi tại cụm thi tỉnh Hà Nam?
- Năm 2019, toàn tỉnh Hà Nam có 8.612 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, với 23 điểm thi và 368 phòng thi. Tỉnh Hà Nam đã tích cực chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi THPT năm 2019 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, được dư luận và nhân dân đánh giá cao; Kết quả điểm trung bình các môn thi của thí sinh tỉnh Hà Nam xếp thứ hai toàn quốc, đạt 5,89 điểm. Cụ thể hơn: Điểm thi trung bình các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí xếp thứ nhất toàn quốc; Các môn Toán, Vật lý, Giáo dục công dân: Xếp thứ ba. Để có được những thành công đó, kỳ thi năm nay đã nhận được sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của tỉnh ủy, UBND tỉnh trong chỉ đạo tổ chức kỳ thi.
Tiếp đó là kỳ thi đã nhận được sự phối hợp, hỗ trợ rất lớn của các sở, ban, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho kỳ thi. Ban chỉ đạo thi của tỉnh đã tổng kết, đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm từ kỳ thi năm trước để tổ chức chu đáo, an toàn kỳ thi năm nay. Sở đã phối hợp tốt với Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Học viện Kỹ thuật Mật mã tổ chức tốt ở tất cả các khâu trong kỳ thi năm nay.
Trong công tác tuyên truyền, Sở đã chủ động phối hợp, cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí, đồng thời cùng với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về kỳ thi năm nay và những điểm mới một cách chi tiết, cụ thể đến tất cả tổ chức, cá nhân có liên quan; Sở đã chú trọng công tác tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn đảm bảo các cán bộ, giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ liên quan đến các kỳ thi; động viên giáo viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nhà giáo khi thực hiện nhiệm vụ trong các kỳ thi trung thực, nghiêm túc, chống mọi biểu hiện tiêu cực, tránh để xảy ra sai sót; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau các kỳ thi.
Điều quan trọng là trong Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, công tác chỉ đạo dạy - học và việc ôn tập cho học sinh được Sở đặc biệt chú trọng; Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng kế hoạch dạy học, ôn thi THPT quốc gia năm 2019 của các đơn vị phù hợp với từng nhóm đối tượng. Chỉ đạo việc rà soát, phân loại đối tượng học sinh căn cứ vào kết quả khảo sát và thực tế dạy học trên lớp, từ đó đề ra các giải pháp, biện pháp cụ thể để nâng cao tỉ lệ học sinh khá, giỏi; hạn chế tỉ lệ học sinh yếu, kém...
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng trên tất cả các mặt công tác, để đạt được những thành quả giáo dục trên đây, trong năm học vừa qua ngành Giáo dục Hà Nam đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ GD&ĐT, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam, sự quan tâm phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, của cấp ủy, chính quyền các địa phương và sự chăm lo cho sự nghiệp phát triển giáo dục của nhân dân trong tỉnh, sự đồng thuận, nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên, HSSV trong toàn ngành Giáo dục Hà Nam.
- Xin cảm ơn bà!