Trường học bắt tay doanh nghiệp tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

GD&TĐ - Trường đại học chủ động kết nối doanh nghiệp được xem là mô hình hữu ích giúp nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường.

Trường học bắt tay doanh nghiệp tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trường học bắt tay doanh nghiệp tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mô hình hữu ích

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp đang là một trong các giải pháp hữu hiệu để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Nguyễn Hưng Quang, Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) thông tin: Những năm qua, trường luôn coi doanh nghiệp là một mắt xích quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển.

Cụ thể doanh nghiệp đã cùng tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo, đánh giá người học, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, đưa sinh viên thực tập, tuyển dụng lao động, hỗ trợ kinh phí đào tạo và hỗ trợ giảng viên cập nhật thực tiễn sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp…

Qua đó, không chỉ đảm bảo nâng cao chất lượng sinh viên, đồng thời đây là cách thức để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp.

Tại khoa chăn nuôi thú y, trường Đại học Nông Lâm, TS Phan Thị Hồng Phúc, trưởng khoa Chăn nuôi Thú y cho biết: Trong nhiều năm qua, đặc biệt giai đoạn từ 2015 đến nay, khoa đã có định hướng rất rõ ràng đó là đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, vì vậy không thể thiếu vai trò liên kết của doanh nghiệp.

Từ năm 2015, khoa đã phối hợp cùng doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo các lớp đặt hàng theo nhu cầu của doanh nghiệp…

Sinh viên trường Đại học Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) tham gia thực tập một doanh nghiệp tại Nhật Bản.

Sinh viên trường Đại học Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) tham gia thực tập một doanh nghiệp tại Nhật Bản.

Sinh viên được hưởng lợi từ sự kết nối

Khoa Chăn nuôi thú y hiện đang liên kết đào tạo với trên 95 doanh nghiệp, trang trại, trong đó 15 công ty liên kết đào tạo sâu. Khoa đang triển khai 8 lớp đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài chương trình đại trà, sẽ bổ sung thêm những học phần mà doanh nghiệp mong muốn đào tạo để làm sao khi sinh viên ra trường có thể đáp ứng ngay yêu cầu công việc.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn hỗ trợ đơn vị xây dựng cơ sở vật chất như Công ty Cổ phần XNK Biovet đã tài trợ kinh phí 90 triệu đồng hỗ trợ xây nhà trực khu giải phẫu, nhà trực Bệnh xá Thú y, công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam hỗ trợ 1 mô hình chăn nuôi lợn nái bằng thạch cao với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng để làm mô hình cho sinh viên học tập và một số hình ảnh dây chuyền sản xuất thức ăn, con giống được treo tại phòng mô hình …Đây là những mô hình giúp sinh viên tiếp cận nghề, sau khi ra trường các em có thêm nhiều kinh nghiệm làm việc.

Đặc biệt, sinh viên trong quá trình học tập còn được doanh nghiệp hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí, ăn ở đi lại, ra trường không phải trải qua thời gian thử việc mà sẽ được nhận vào làm việc luôn với thu nhập cao, ổn định.

Có thể nói, đây được xem là những tín hiệu tốt cho thấy sự phát triển của ngành, sinh viên được đào tại trường không chỉ được doanh nghiệp đặt hàng mà còn đáp ứng tốt nhu cầu công việc, cũng như nhu cầu của xã hội.

PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên khẳng định: Đại học Thái Nguyên với vai trò là cơ sở đào tạo theo định hướng ứng dụng, góp phần quan trọng trong đào tạo đội ngũ tri thức trẻ có trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên, của khu vực và cả nước.

Hiện nay, Đại học Thái Nguyên đã và đang hợp tác với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp uy tín trong và ngoài tỉnh trên mọi lĩnh vực, tạo cơ hội lớn cho sinh viên đi thực tập, rèn nghề, giúp các em sớm tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp, tiên tiến. Qua đó đã khẳng định thương hiệu, uy tín của đơn vị cũng như năng lực làm việc của sinh viên tại các doanh nghiệp và xã hội.

Về vấn đề liên kết giữa “hai nhà” là nhà trường và nhà tuyển dụng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho rằng: Mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp đang trở thành chiến lược tạo thế mạnh cạnh tranh trong tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo đáp ứng được nguồn nhân lực trình độ cao cho thị trường lao động.

Trên quan điểm đó, Đại học Thái Nguyên với chủ trương tích cực đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mở ra cơ hội việc làm có thu nhập cao cho sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.