Các em không lo lắng phải đi học phổ thông vì đã được phụ huynh ghi danh vào những “trường giả”.
Là học sinh lớp 11, em Riddhima, sống tại Gaya, bang Bihar, Ấn Độ, lẽ ra phải học tại một trường phổ thông địa phương nhưng em đang luyện thi đại học ở thành phố Kora, bang Rajasthan, cách xa quê hương hàng nghìn cây số. Nữ sinh không cần đến lớp mà chỉ ghi danh vào một trường học địa phương.
Những trường này được gọi là “trường giả”, tức là chỉ có học sinh trên danh nghĩa nhưng không đào tạo. Trường thiếu giáo viên, không có đủ cơ sở vật chất. Mô hình này đang trở nên phổ biến tại Ấn Độ.
Ở quốc gia Nam Á, y khoa, khoa học hay kỹ thuật là những ngành học có tính cạnh tranh, được phép tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng. Nếu muốn thi đỗ, thí sinh phải ôn luyện rất khốc liệt tại các trung tâm nổi tiếng và không còn thời gian để học chính khóa.
Tuy nhiên, để thi đại học, thí sinh cần hoàn thành ít nhất 75% thời gian học phổ thông. Vì vậy, hình thức ghi danh vào những trường giả tạo cơ hội cho thí sinh hoàn thành yêu cầu tuyển sinh nhưng vẫn có thể dành thời gian ở trường luyện thi. Những trường giả thường liên kết với trung tâm dạy thêm tư nhân để “lách luật”.
Ở Kota, biển quảng cáo của các trường giả ở Ấn Độ với mức giá khác nhau tràn lan khắp thành phố. Các trường có giá dao động từ 15.000 – 50.000 Rs, tuỳ thuộc vào trung tâm luyện thi mà họ liên kết.
Mức giá cũng phụ thuộc vào địa điểm của trường giả. Ví dụ, số lượng chỉ tiêu đại học được phân cho khu vực lớn như Delhi cao hơn so với các địa phương khác nên nếu thí sinh học tại trường ở Delhi có thể nâng cơ hội cạnh tranh.
Từ tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Ấn Độ đã tăng cường các biện pháp chấn chỉnh tình trạng “trường giả”, trong đó thành lập thanh tra trường học ở nhiều địa phương, nhất là các khu vực lớn như Delhi.
Các chuyên gia giáo dục Ấn Độ cũng thường xuyên cảnh báo tác hại khi phụ huynh đăng ký cho con vào những trường này. Theo các chuyên gia, nếu đăng ký vào trường giả, học sinh không đi học phổ thông mà chỉ vùi đầu vào luyện thi. Điều này hạn chế sự phát triển về nhận thức và nhân cách của các em vì việc học phổ thông không chỉ để trau dồi kiến thức mà còn nhằm phát triển kỹ năng, tư duy...
Việc phải luyện thi đại học quá sớm với áp lực tâm lý cao cũng khiến nhiều học sinh rơi vào trầm cảm, thậm chí là tự tử. Theo số liệu từ Chính phủ Ấn Độ, trong năm 2023, 23 thí sinh luyện thi tại Kota tự tử, mức cao nhất từ trước đến nay. Năm 2022, con số này là 15.
Chuyên gia giáo dục OP Bunkar cho biết: “Chúng tôi đã nêu vấn đề trường giả với chính phủ. Quan điểm này rất tiêu cực và cần phải được ngăn chặn. Học sinh chỉ nên luyện thi sau khi hoàn thành lớp 12”.
Có nhiều lý do khiến phụ huynh tiếp tay cho những trường này. Đầu tiên là do họ không tin tưởng vào chất lượng giáo dục phổ thông, nhất là sau dịch Covid-19. Tiếp theo, việc cạnh tranh vào các trường đại học hot ở Ấn Độ rất khốc liệt, đòi hỏi thí sinh phải luyện thi bài bản. Bên cạnh đó là tâm lý đám đông, lời dụ dỗ của các trung tâm dạy thêm...