Thí sinh cho rằng, việc các trường không đưa sát mức điểm trúng tuyển sẽ khó khăn trong cân nhắc, lựa chọn điều chỉnh nguyện vọng. Về phía trường ĐH cũng có lý riêng của mình.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, các trường ĐH đã đưa ra “ngưỡng sàn” riêng của trường; với quyền tự chủ tuyển sinh, đây hoàn toàn là do Hội đồng tuyển sinh của nhà trường cân nhắc, quyết định.
Năm 2017, Trường ĐH Y Dược Thái Bình xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2017 với 960 chỉ tiêu đại học chính quy. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điều kiện nhận đăng ký xét tuyển của trường cũng là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chung do Bộ GD&ĐT đưa ra. Năm 2016, điểm trúng tuyển hệ đại học chính quy của trường từ 21,25 đến 25,25 điểm; đợt bổ sung, mức điểm hạ một chút, còn từ 21,25 đến 24 điểm.
NGƯT.PGS.TS Hoàng Năng Trọng – Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Thái Bình - cho biết, nhà trường đã có cân nhắc khi đưa ra mức điểm nhận hồ sơ là 15,5 điểm. Lý do là trường có nhiều mã ngành, qua các năm, điểm chuẩn không cố định và có sự chênh lệch giữa các mã ngành, có thể có thay đổi đột biến. Có năm, điểm chênh lệch lên tới 5 – 6 điểm. Ngành cao nhất luôn là Y Đa khoa, thấp nhấp là cử nhân Y tế công cộng và cử nhân Điều dưỡng.
PGS.TS Hoàng Năng Trọng cho rằng, thí sinh nên căn cứ vào những thông tin như điểm xét tuyển năm trước, phổ điểm thi THPT quốc gia 2017 Bộ GD&ĐT đã công bố, chỉ tiêu của các trường... để cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng.
Cũng trao đổi về vấn đề này, theo PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – việc định ra ngưỡng “điểm sàn” vào trường là quyền tự chủ của các trường. Tuy nhiên, các trường top trên cũng cần thể hiện trách nhiệm của mình, không nên để thí sinh có ảo tưởng.
“Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã đưa ra mức điểm sàn từ 20 đến 24 điểm, tính cả điểm ưu tiên. Mức điểm này thể hiện trách nhiệm của nhà trường không chỉ với thí sinh mà còn với cả các trường ở top giữa. Những trường trong nhóm GX (năm trước) cũng công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tương đối sát” - PGS.TS Trần Văn Tớp chia sẻ.
Đưa ra lời khuyên với thí sinh, PGS.TS Trần Văn Tớp cho rằng, cần căn cứ một cách tương đối vào điểm chuẩn của năm trước. Nếu năm 2016, có trường lấy đến 25 điểm thì mức điểm lấy năm nay không thể là 15,5 điểm.
“Năm nay, mặt bằng điểm cao lên, điểm trúng tuyển khó thấp hơn năm ngoái nên thí sinh hết sức cân nhắc khi thay đổi nguyện vọng. Nếu điểm thi của thí sinh thấp hơn nhiều so với điểm trúng tuyển năm trước thì khả năng trúng tuyển là rất thấp” - PGS.TS Trần Văn Tớp cho hay.
Nhiều chuyên gia tuyển sinh khi khuyên thí sinh trong thay đổi nguyện vọng, ngoài “điểm sàn” vào trường đều lưu ý thí sinh nên căn cứ vào phổ điểm mà Bộ GD&ĐT đã công bố, điểm trúng tuyển vào trường những năm trước và khả năng, sở trường của bản thân thí sinh.
NGƯT.PGS,TS.Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp – đưa ra lời khuyên cụ thể hơn. Theo đó, thí sinh nên lựa chọn các nguyện vọng ở 3 mức: mức thấp hơn khả năng, bằng với khả năng và một ngành cao hơn khả năng một chút để đề phòng rủi ro, nhưng vẫn đảm bảo có thể tận dụng tốt cơ hội.