PV: Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) là 1 trong 8 trường đại học sư phạm chủ chốt của cả nước được thụ hưởng Chương trình ETEP. Chương trình này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường nói riêng cũng như với giáo dục đào tạo các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, thưa ông?
PGS.TS Mai Xuân Trường: Chương trình ETEP còn gọi là “Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới.
Mục tiêu của Chương trình là phát triển các trường đại học sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục để tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (GV&CBQLCSGDPT), thông qua phát triển nghề nghiệp theo nhu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) được phân công bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán của 08 tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, với tổng số hơn 3.200 giáo viên phổ thông cốt cán được bồi dưỡng trực tiếp với 06 mô-đun từ năm tháng 10 năm 2019 đến tháng 06 năm 2022, và hơn 73.000 giáo viên phổ thông đại trà được hỗ trợ bồi dưỡng qua mạng.
Chúng tôi mong đợi rằng thông qua việc thực hiện Chương trình ETEP, năng lực của đội ngũ GV&CBQLCSGDPT sẽ được nâng lên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, qua đó tăng cường mối quan hệ giữa Nhà trường và các Sở GD&ĐT trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV&CBQLCSGDPT.
PV: Triển khai các khóa bồi dưỡng giáo viên phổ thông phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới, yêu cầu về các kết quả cụ thể mà nhà trường hướng tới là gì, thưa ông?
PGS.TS Mai Xuân Trường: Chúng tôi đặt ra yêu cầu về một số kết quả chủ yếu cần đạt của Chương trình. Thứ nhất, năng lực đào tạo, bồi dưỡng GV&CBQLCSGDPT của nhà trường được tăng cường. Thứ hai, đội ngũ GV&CBQLCSGDPT được bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ, có chất lượng, đảm bảo tiến độ. Thứ ba, nhà trường được hỗ trợ phát triển hệ thống nguồn học liệu mở cho GV&CBQLCSGDPT trên nền tảng công nghệ thông tin một cách kịp thời, có chất lượng. Thứ tư, nhu cầu, chất lượng, hiệu quả của chương trình bồi dưỡng GV&CBQLCSGDPT sẽ được đánh giá trên hệ thống TEMIS một cách hiệu quả, chính xác và kịp thời.
PV: Theo ông, việc các giảng viên sư phạm chủ chốt của nhà trường triển khai bồi dưỡng trực tiếp đến đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán có ý nghĩa như thế nào?
PGS.TS Mai Xuân Trường: Theo tôi, việc giảng viên sư phạm chủ chốt của nhà trường triển khai bồi dưỡng trực tiếp đến đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán đem lại hiệu quả hết sức thiết thực. Điều này giúp nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán để hướng dẫn đồng nghiệp về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng như năng lực của chính đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt của chúng tôi khi tham gia Chương trình ETEP.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tăng cường kết nối giữa nhà trường với các trường phổ thông trong công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, hình thành cộng đồng học tập (để phát triển nghề nghiệp thường xuyên, liên tục) dành cho giáo viên phổ thông cốt cán và đại trà.
PV:Được biết, năm 2019, nhà trường đã hoàn thành việc triển khai bồi dưỡng mô-đun 1. Ông đánh giá thế nào về những kết quả chung sau khóa bồi dưỡng đầu tiên? Trong quá trình triển khai thực tế, đâu là khó khăn cần tháo gỡ?
PGS.TS Mai Xuân Trường: Năm 2019, Ban quản lý Chương trình ETEP Nhà trường đã phối hợp với 08 Sở GD&ĐT tổ chức bồi dưỡng mô-đun 1 về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho hơn 3.000 giáo viên phổ thông cốt cán. Tỉ lệ giáo viên phổ thông cốt cán hài lòng về khóa bồi dưỡng là 98,8%. Qua phỏng vấn, đa số giáo viên cốt cán đánh giá cao về hiệu quả của khóa tập huấn.
Trên cơ sở tập huấn cốt cán, các Sở GD&ĐT đã triển khai bồi dưỡng đại trà mô-đun 1 tại địa phương. Nhà trường đã cử giảng viên sư phạm chủ chốt hỗ trợ giáo viên cốt cán triển khai bồi dưỡng đại trà tại các tỉnh. Ngoài ra, giảng viên sư phạm chủ chốt của nhà trường đã tham gia tập huấn trực tiếp tại các tỉnh cho giáo viên và cán bộ quản lý đại trà của các tỉnh Lạng Sơn, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc,…
Trong quá trình triển khai hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên phổ thông đại trà, Nhà trường còn gặp một số khó khăn do một số Sở GD&ĐT chưa bố trí kịp thời kinh phí mua tài khoản trực tuyến cho giáo viên phổ thông đại trà. Mặt khác, việc thay đổi giáo viên cốt cán tại các Sở (với nhiều lý do khác nhau) dẫn đến công tác hỗ trợ của giảng viên sư phạm chủ chốt đối với giáo viên đại trà còn nhiều khó khăn.
PV: Để công tác bồi dưỡng đạt hiệu quả cao, phục vụ tốt nhất cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, theo ông cần có những lưu ý nào?
PGS.TS Mai Xuân Trường: Nhà trường cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở GD&ĐT trong hỗ trợ giáo viên cốt cán để triển khai bồi dưỡng giáo viên phổ thông đại trà tại địa phương, trước mắt là giáo viên giảng dạy lớp 1 để góp phần triển khai chương trình và sách giáo khoa mới.
Chúng tôi sẽ phối hợp với Tập đoàn Viettel tại các tỉnh để sớm có phương án cấp tài khoản trực tuyến cho giáo viên phổ thông đại trà; Đồng thời sẽ tổ chức các khóa bồi dưỡng cho giảng viên sư phạm chủ chốt và phân công giảng viên hỗ trợ giáo viên cốt cán tại các tỉnh qua hệ thống LMS của Viettel.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở GD&ĐT làm tốt công tác truyền thông trong hoạt động bồi dưỡng giáo viên cốt cán và giáo viên đại trà về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, sớm hình thành cộng đồng học tập dành cho giảng viên sư phạm và giáo viên phổ thông trong triển khai thực hiện chương trình và sách giáo khoa sắp tới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.