Dự buổi lễ có bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính; ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT và hơn 5.000 tân sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Quy mô hơn 30.000 người học
Theo báo cáo của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nhà trường đã phát triển đa ngành, đa bậc học. Quy mô đào tạo hiện 30.000 học viên, sinh viên, trải rộng ở 16 lĩnh vực với 52 chương trình đào tạo bậc đại học, 10 chương trình thạc sĩ, 4 chương trình tiến sĩ.
Mỗi năm, nhà trường cung cấp cho thị trường lao động khoảng 5.000 cử nhân, dược sĩ, kỹ sư.
TS Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phát biểu tại lễ khai giảng. Ảnh: NTTU |
TS Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, nhà trường sẽ kiên định phương châm: “Lấy chất lượng làm nền tảng cốt lõi để phát triển bền vững; tiếp cận đa chiều để tiếp tục kiện toàn và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong”.
Năm học 2023-2024, theo TS Trần Ái Cầm, trường sẽ tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, trường đẩy việc phát triển theo mô hình đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tiếp tục đầu tư nhằm chuẩn hoá và hiện đại hóa nhà trường.
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng phát triển các chương trình đào tạo, quy mô đào tạo các bậc, các loại hình đào tạo đồng bộ với chiến lược phát triển nguồn thu.
Trường sẽ triển khai hoạt động khoa học công nghệ gắn với mục tiêu phát triển bền vững, trọng tâm là các dự án nghiên cứu chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trong năm học này, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng đẩy mạnh chuỗi các hoạt động kỷ niệm 25 năm thành lập và phát triển.
Kiên trì thực hiện sứ mệnh
Phát biểu tại lễ khai giảng, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận, biểu dương những thành tích, nỗ lực của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong thời gian qua.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi lễ khai giảng. Ảnh: NTTU |
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm học mới, toàn ngành giáo dục tiếp tục thực hiện chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó xác định, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, là 1 trong 3 đột phá chiến lược.
Mục tiêu đặt ra cho giáo dục đại học là tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo cho người học.
Yêu cầu này được đặt ra trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi mỗi cơ sở giáo dục đại học cũng phải thay đổi mạnh mẽ.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị trường tập trung một số nhiệm vụ:
Thứ nhất, Đảng ủy và tổ chức Đảng trong trường tập trung phổ biến, quán triệt, xây dựng chương trình hành động phù hợp với điều kiện thực tế để thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên; tạo điều kiện để Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và các tổ chức khác hoạt động hiệu quả, thực chất, góp phần xây dựng bộ máy nhà trường ngày càng vững mạnh.
Thứ hai, kiên trì thực hiện sứ mệnh của nhà trường trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội, thực học, thực hành, thực danh, thực nghiệp. Các cơ sở giáo dục đại học nói chung, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nói riêng phải là cánh chim đầu đàn trong việc xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời.
Giáo dục đại học không chỉ đào tạo tầng lớp tinh hoa, mà còn lan tỏa tri thức cho cộng đồng, thể hiện trách nhiệm xã hội. Do đó, ngoài các chương trình đào tạo bậc cao, cần có các chương trình đào tạo đại chúng và miễn phí hoặc thu phí thấp.
Thứ ba, nhà trường cần chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà giáo; Cần quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên chuyên sâu về nghiệp vụ, vững vàng tư tưởng chính trị, chủ động và sáng tạo trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ.
Nhà trường cần thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo của sinh viên; khơi dạy hứng thú học tập, bồi dưỡng phương pháp tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên.
Thứ tư, tiếp tục mở rộng quan hệ, hợp tác với các trường đại học và các tổ chức quốc tế để tranh thủ kinh nghiệm, tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến và công nghệ đào tạo hiện đại.
Nhà trường cần gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, địa phương để phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình; lấy nhu cầu thực tiễn làm mục tiêu đổi mới giảng dạy và nâng cao chất lượng.
Thứ năm, trường cần quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của giảng viên, sinh viên.
Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, giảng dạy, kiểm tra, đánh giá; triển khai thực hiện hiệu quả đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Thứ sáu, nhà trường quan tâm, chăm lo công tác sinh viên, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, truyền lửa cho sinh viên; quan tâm đến sinh viên nghèo, gia đình chính sách.
“Sinh viên cần năng động, sống một cuộc đời tỏa sáng, trách nhiệm, đáng sống để chúng ta trả ơn nghĩa cho đất nước, cha mẹ, thầy cô”, Thứ trưởng nhắn nhủ với sinh viên.
Cuối cùng, nhà trường tiếp tục phát động phong trào thi đua yêu nước, theo tinh thần của Đảng, Nhà nước, của TPHCM, lấy đó làm động lực phát triển.