Với chủ đề “Đổi mới và khởi nghiệp bền vững”, hội thảo trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của ALN được tổ chức tại UEH có sự tham gia của 8 trường thành viên trong mạng lưới ALN, sinh viên quốc tế đang tham gia dự án “Khởi nghiệp phát triển kinh tế bền vững” (SEED) tại Việt Nam và các đơn vị đang thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam như Đại sứ quán Thuỵ Sĩ, Hội đồng Anh, các doanh nghiệp tạo tác động xã hội,…
GS.TS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH chia sẻ: Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh là một trong những trường đại học công lập trọng điểm có uy tín hàng đầu tại Việt Nam. Với định hướng trở thành đại học đa ngành và bền vững, UEH luôn tập trung nguồn lực để cải tiến, phát triển các chương trình giáo dục mới, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học song song với việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức.
"Thế giới ngày nay đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, do đó, cùng với khu vực công và tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và liên chính phủ, các nhà khoa học, kỹ sư và trường học phải có trách nhiệm xây dựng cuộc sống tốt đẹp và bền vững hơn thông qua việc áp dụng tri thức để chuyển đổi tài nguyên thành sản phẩm và dịch vụ mà không ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ tương lai" , GS Sử Đình Thành nhấn mạnh.
Quang cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày những chủ đề chính gồm: Đổi mới sáng tạo xã hội trong một môi trường bất định (Giáo sư Dato Zainai - Đại học Công nghệ Malaysia);Toàn cảnh đổi mới sáng tạo xã hội và giáo dục bậc cao tại khu vực Đông Á (TS. Nguyễn Kim Thảo - Khoa kinh doanh quốc tế - Marketing, Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh).
Sau các phần trình bày của diễn giả, các phiên thảo luận với sự tham dự của các khách mời chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực như: giáo dục, doanh nghiệp, tổ chức chính phủ, phi chính phủ,… đã mang lại nhiều góc nhìn mới mẻ cho các đại biểu về đổi mới sao cho hiệu quả và việc xây dựng ý tưởng đến giải pháp đổi mới để thành công cần gì.... Qua đó, cùng nhau làm rõ những khía cạnh của vấn đề đổi mới sáng tạo, ứng dụng vào xã hội và giáo dục đại học, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Mạng lưới học tập Đông Nam Á - ALN được thành lập vào tháng 2/2009 tại Hội nghị Quốc tế về Quản lý đa văn hóa để kỷ niệm 50 năm thành lập Học viện Công nghệ Bandung (ITB) ở Bandung. Thành viên sáng lập bao gồm: Học viện Công nghệ Bandung, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, Trường Cao đẳng San Beda, Trường Đại học Malaysia Kelantan và Trung tâm Nghiên cứu Châu Á.
Mạng lưới có sứ mệnh phát triển và thực hiện các dự án, chương trình nghiên cứu, giảng dạy và thực hành - đào tạo dựa trên bối cảnh với sự hợp tác của các tổ chức tham gia nhằm đào tạo ra những sinh viên có trách nhiệm với xã hội và có năng lực văn hóa trong bối cảnh phát triển của Châu Á.
Trong đó, dự án “Khởi nghiệp phát triển kinh tế bền vững” (SEED) là một sáng kiến học tập có trách nhiệm với xã hội và lấy sinh viên làm trung tâm, yêu cầu sinh viên làm việc cùng nhau trong các nhóm quốc tế và đa văn hóa để học hỏi kinh nghiệm trong bối cảnh thực tế của một số vùng Đông Nam Á.
Thông qua quá trình học tập và xây dựng các kế hoạch kinh doanh, chương trình sẽ cung cấp các trải nghiệm đa văn hoá, phát triển kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm và cơ hội học tập toàn diện cho sinh viên tham gia chương trình.
Là hoạt động chính và thường niên của ALN, người tham gia SEED có cơ hội phát triển và thực hiện các dự án, chương trình nghiên cứu, giảng dạy dựa trên bối cảnh thực tế với sự hợp tác của các tổ chức tham gia nhằm đào tạo ra những sinh viên có trách nhiệm với xã hội và có năng lực hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, dự án còn tạo mối liên kết giữa các trường trong mạng lưới, các đơn vị công và doanh nghiệp tại địa phương thực hiện dự án nghiên cứu và hỗ trợ, giải quyết các vấn đề của các cộng đồng dân cư, các làng nghề truyền thống vùng miền.
Thông qua việc kết nối với Mạng lưới học tập Đông Nam Á - ALN, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã mở rộng cơ hội học tập quốc tế, tiếp cận công nghệ giáo dục tiên tiến, môi trường trải nghiệm quốc tế mang tính toàn cầu cho sinh viên và giảng viên.