Đây là khóa tập huấn về những kết quả đạt được trong dự án “RiSaWa - Sản lượng lúa bị thất thoát trong điều kiện mặn và hạn hán - Các lựa chọn trong tương lai cho việc sử dụng bền vững nguồn nước ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” giai đoạn 2019 - 2022. TS Dương Văn Nhã, Trường ĐH Kiên Giang là đối tác chính phía Việt Nam.
GS.TS Folkard Asch Rudolf Hermann - ĐH Hohenheim cho biết buổi tập huấn dành cho các nhà khoa học trẻ nói chung, các bạn sinh viên ngành nông nghiệp nói riêng với mục đích định hướng nghiên cứu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án RiSaWa tại Việt Nam. “Hi vọng các bạn sinh viên trẻ sẽ vượt qua rào cản ngôn ngữ, cố gắng chủ động học hỏi để đạt kết quả tốt nhất”, GS.TS Folkard Asch Rudolf Hermann nói.
Buổi tập huấn đã phổ biến, hướng dẫn sinh viên những nội dung như: thu thập dữ liệu về thời tiết cho nông nghiệp; xây dựng các thí nghiệm trên thực địa; xây dựng các thí nghiệm trong nhà kính; chọn lựa và nhân giống các giống lúa hạn mặn; đánh giá các giá trị của môi trường…
Buổi tập huấn dự án RiSaWa cho sinh viên ngành nông nghiệp Trường ĐH Kiên Giang |
Trước đó, hơn 20 sinh viên ngành Khoa học Cây trồng và giảng viên Khoa Nông nghiệp - Phát triển nông thôn của Trường ĐH Kiên Giang đã cùng đoàn nghiên cứu thuộc ĐH Hohenheim đến huyện An Biên khảo sát thực tế về mô hình lúa - tôm tại địa phương.
TS Nguyễn Hữu Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang đánh giá dự án RiSaWa rất có ý nghĩa trong việc bảo đảm an ninh lương thực không những cho Việt Nam và cả thế giới. Kết quả hợp tác giữa Trường ĐH Kiên Giang và ĐH Hohenheim là đóng góp hết sức quan trọng không chỉ giúp ích trong công tác nghiên cứu, đào tạo của các nhà khoa học và giảng viên mà còn là tài sản quý giá để người nông dân của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho mỗi hộ gia đình.