Trường Đại học Hoa Sen sẽ dành 60% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ THPT. Đặc biệt, năm 2024, trường sẽ tuyển sinh thêm 4 ngành học mới.
Cụ thể, xét tuyển theo 4 phương thức tuyển sinh cho 33 chương trình đào tạo thuộc các khối ngành Kinh tế - Quản lý, Thiết kế Nghệ thuật, Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ và Khoa học xã hội.
Phương thức 1 là xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT năm 2024.
Phương thức 2 xét tuyển kết quả học bạ THPT.
Phương thức 3 xét tuyển thẳng vào trường.
Phương thức 4 xét tuyển trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM 2024.
Đối với phương thức xét tuyển học bạ THPT, thí sinh lựa chọn một trong các hình thức xét tuyển sau: xét tuyển trên kết quả học tập (học bạ) 3 năm THPT không tính học kỳ 2 của lớp 12 hoặc xét tuyển trên kết quả học tập (học bạ) 3 năm THPT hoặc xét tuyển theo tổ hợp môn.
Tiến sĩ Phan Thị Việt Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen cho biết, năm nay trường dự kiến tuyển sinh thêm 4 ngành mới gồm: ngành Công nghệ thông tin Việt – Nhật, Ngôn ngữ Trung Quốc, Luật và Truyền thông đa phương tiện.
Môi trường học tập tại Trường Đại học Hoa Sen rất năng động và hiện đại. |
Với ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại Trường Đại học Hoa Sen, bên cạnh việc sử dụng tiếng Trung vào giao tiếp phục vụ cho công việc hàng ngày, sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung còn được cung cấp, trang bị kiến thức chuyên sâu về văn hóa Trung Quốc qua nhiều môn học chuyên ngành như: Tiếng Trung thương mại, văn hoá kinh doanh, đất nước học Trung Quốc, kỹ năng biên -phiên dịch...
Chương trình cũng mang đến cho sinh viên cơ hội học tập và trải nghiệm thực tế thông qua các đề án thực hành, cuộc thi, CLB Tiếng Trung, giúp sinh viên phát triển kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp và hiểu biết sâu sắc về môi trường kinh doanh và xã hội Trung Quốc. Đặc biệt, sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc khóa 2024 sẽ có cơ hội nhận các suất học bổng giá trị từ các doanh nghiệp và được hưởng mức học phí đặc biệt 45 triệu/năm.
Ngoài ngành Ngôn ngữ Trung Quốc thì ngành Công nghệ thông tin Việt – Nhật cũng là một ngành khá đặc biệt.
Theo TS Phan Thị Việt Nam, chương trình ngành học này được thiết kế giúp sinh viên phát triển các kỹ năng chuyên môn như lập trình, phân tích, thiết kế, phát triển ứng dụng, áp dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn; cũng như kỹ năng mềm như ngoại ngữ (tiếng Nhật), phong cách làm việc kiểu Nhật…
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin Việt – Nhật có thể đảm nhận các công việc như kỹ sư phát triển phần mềm, thiết kế website, cán bộ vận hành, quản trị hệ thống mạng và công nghệ thông tin.