Đổi mới để tạo điều kiện cho các trường đại học phát triển

GD&TĐ - Ngày 7/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận 2 dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 diễn ra tại Hà Nội. Dự Hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự hội nghị. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự hội nghị. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam

Cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB&XH, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý GD ĐH. Đại diện Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đại diện lãnh đạo các vụ, cục có liên quan thuộc Bộ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận xung quanh mô hình hệ thống cơ sở GD ĐH; quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GD ĐH; phát triển hệ thống GD ĐH tư thục; đầu tư của Nhà nước và tài chính ĐH…

Một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất liên quan đến mô hình hệ thống cơ sở GD ĐH. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH do ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – trình bày cho biết: Về mô hình hệ thống cơ sở GD ĐH và khái niệm ĐH, hiện có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất (của cơ quan thẩm tra) đề nghị quy định thống nhất, mạch lạc mô hình hệ thống cơ sở GD ĐH gồm có trường ĐH và ĐH (hệ thống các trường đại học). Loại ý kiến thứ hai (của cơ quan soạn thảo) đề nghị quy định hệ thống cơ sở GD ĐH gồm có ĐH, trường ĐH, học viện và các cơ sở GD-ĐT có tên khác phù hợp với quy định của pháp luật, gọi chung là ĐH.

Để bảo đảm tính ổn định Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị xin được giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật theo hướng sửa đổi, bổ sung một số điều. Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự hội nghị.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện tại có nhiều ý kiến băn khoăn: Tại sao chỉ các ĐH Quốc gia, ĐH Vùng được gọi là “ĐH”; trong khi có rất nhiều các trường uy tín, quy mô lớn khác như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân… lại không được gọi là ĐH. Bên cạnh đó, khi dịch ra tiếng Anh, chỉ có một từ thống nhất để chỉ trường ĐH là University; việc phân mô hình tổ chức như vậy gây khó khăn cho việc hội nhập; khi hội nhập sẽ rất khó giải thích.

Phương án của cơ quan thẩm định cũng không giải quyết được những vướng mắc hiện nay, trong khi chính phương án của Ban soạn thảo đề ra theo nguyện vọng của nhiều trường ĐH thì có phần giải quyết được. Vì tinh thần là giao quyền tự chủ cho cơ sở GD ĐH thì họ tự quyết định cơ cấu bên trong là gồm những trường nào hạch toán độc lập, trường nào phụ thuộc một phần…

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đổi mới nhưng tránh làm rối hệ thống, đổi mới để tạo điều kiện cho các trường phát triển. Đề nghị Ban soạn thảo và Ban thẩm tra cần nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến tâm huyết, xác đáng của các đại biểu để nâng cao một bước chất lượng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH để trình Quốc hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.