Kenya: Tham vọng thu hút 30.000 du học sinh

GD&TĐ - Cơ quan Chứng chỉ quốc gia Kenya (KNQA) đang xây dựng một chính sách nhằm thu hút sinh viên quốc tế từ khắp châu Phi và khiến đất nước trở thành một trung tâm giáo dục đại học trong khu vực, thay thế vị trí của Nam Phi hiện tại.

Kenya dự kiến tăng số du học sinh từ 5.000 lên 30.000 người
Kenya dự kiến tăng số du học sinh từ 5.000 lên 30.000 người

Biện pháp thu hút

Theo KNQA, nhằm đạt được mục tiêu mới đề ra, các trường đại học cần hợp tác với cơ quan chính phủ để có thể đưa ra những biện pháp khiến đất nước trở nên hấp dẫn hơn trong mắt sinh viên quốc tế.

KNQA cho rằng, việc nâng cấp cơ sở lưu trú, đề ra chương trình học tập được xác định rõ ràng và thành lập Ban Giám đốc Sinh viên quốc tế nhằm hỗ trợ người học là những điều vô cùng cần thiết.

Giải thích cụ thể hơn về vấn đề này, ông Eusebius Mukhwana, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành KNQA nhận định, nhà chức trách Kenya cũng như các cơ sở giáo dục cần lưu giữ hồ sơ chính xác của sinh viên, nhằm bảo đảm rằng người học sẽ được tốt nghiệp và chứng chỉ này được công nhận ở quê hương.

Chia sẻ với truyền thông, ông Mukhwana nhấn mạnh: “Các trường đại học cũng phải cung cấp chỗ ở tươm tất với một mức giá hợp lý cho sinh viên quốc tế trên cơ sở đáng tin cậy và với quy mô lớn hơn”.

Cũng theo Tổng Giám đốc, các cơ sở giáo dục nên hợp tác với nhau và quảng cáo chương trình mới này với tư cách là một nhóm, thay vì làm riêng lẻ. “Đây là những gì chúng tôi đề xuất ở thời điểm hiện tại và chúng tôi sẽ bắt đầu với các trường đại học đã sẵn sàng”, ông nói thêm.

Theo số liệu của UNESCO, Cộng hòa Nam Phi hiện là điểm đến hàng đầu của các sinh viên quốc tế tại khu vực châu Phi, với tổng số là 45.142 du học sinh, gấp nhiều lần so với con số khá khiêm tốn 4.777 sinh viên của Kenya. Theo Tổng Giám đốc KNQA

Eusebius Mukhwana, chính phủ Kenya cần có những biện pháp giúp sinh viên quốc tế có thể có thị thực và được gia hạn một cách dễ dàng hơn. Được biết, đây là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng nhằm đưa quốc gia này chiếm một vị trí vững chắc trong số các điểm đến hàng đầu của sinh viên ở châu Phi.

Nhiều người đã thể hiện sự ủng hộ đối với chính sách này và cho rằng, các trường đại học nên tuyển một số cán bộ xuất nhập cảnh vào làm việc tại chỗ nhằm đáp ứng yêu cầu thị thực cho sinh viên.

Yếu tố này là một trong những điều kiện tiên quyết, giúp du học sinh có được thuận lợi hơn. Bởi lẽ, có không ít sinh viên quốc tế đã và đang thể hiện sự tuyệt vọng và quyết định bỏ học tại các trường đại học Kenya, khi mà những người học thường xuyên phải “cắm trại” tại các văn phòng xuất nhập cảnh nước này để được gia hạn thị thực.

Các nhà chức trách Kenya khẳng định, lực lượng an ninh cũng nên được thắt chặt hơn tại các khu vực trường học và ký túc xá, nhằm đảm bảo an toàn cho những người học.

Với tham vọng lớn trong việc tăng số lượng sinh viên quốc tế từ 5.000 lên 30.000 người trong vòng 5 năm, chính phủ bày tỏ mong muốn sẽ thu hút được du học sinh từ những đất nước lân cận trong khu vực châu Phi như Somalia, Nam Sudan và Tanzania.

Bước đầu của kế hoạch

Để hiện thực hóa tham vọng, ông Mukhwana tiết lộ KNQA đang lên kế hoạch thành lập một ủy ban bao gồm các nhân viên, cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng, cơ quan xuất nhập cảnh và an ninh. Ủy ban mới này sẽ chịu trách nhiệm trong việc thiết kế các chính sách, thúc đẩy tiến độ của kế hoạch.

Bên cạnh đó, chính quyền Kenya cũng tuyên bố sẽ mạnh dạn hơn trong việc công nhận một cách công bằng và nhanh chóng các bằng cấp, chứng chỉ mà người học đạt được ở các quốc gia khác; đồng thời, nhấn mạnh sẽ xác minh các chứng chỉ này một cách cẩn trọng để bảo đảm rằng bằng cấp của các sinh viên không phải là giả.

Theo đó, Tổ chức Xác minh Bằng cấp châu Phi sẽ phụ trách hỗ trợ trong việc xác định tính trung thực của chứng chỉ mà sinh viên quốc tế đạt được. Nói về vấn đề này, ông Mukhwana cho rằng, đây là quy trình vô cùng quan trọng nhằm xác định trình độ hiện tại của sinh viên và quyết định cấp độ giáo dục mà du học sinh sẽ theo học tại Kenya.

Tuy nhiên, chính phủ Kenya thừa nhận rằng, để biến mục tiêu đề ra thành sự thật là điều không hề dễ dàng. Một trong những nguyên nhân chính là do mức học phí khá cao ở bậc giáo dục đại học nước này, trong khi các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Uganda chỉ thu phí chưa bằng 1/2 Kenya.

Trước vấn đề này, Tổng Giám đốc KNQA tự tin khẳng định, bằng cấp của nước này có giá trị quốc tế tốt hơn hầu hết các quốc gia khác trong khu vực; đồng thời, nhận định yếu tố này sẽ khiến lu mờ những rào cản về mặt chi phí.

Tuyên bố của ông Mukhwana không phải là không có căn cứ, khi có rất nhiều công dân Kenya đã tìm được việc làm tốt ở các quốc gia lân cận, bao gồm cả Uganda, Rwanda, Nam Sudan, Somalia, Namibia, Nam Phi.

Nhà chức trách Kenya cho biết, điều cần thiết ở thời điểm hiện tại là học hỏi nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Á và Mỹ trong việc tiếp thị nền giáo dục đất nước một cách tích cực và xây dựng thương hiệu chung. 

Kenya là quốc gia có nhiều sinh viên theo học ở những đất nước khác. Trong đó, nhiều nhất là ở Morocco với 11,3%, tiếp theo là Nigeria (10,2%) và Algeria (5,9%).

Dữ liệu từ Ủy ban Giáo dục Đại học Kenya (CUE) cho thấy, trong số 4.730 sinh viên quốc tế ở nước này, có tới 66,38% (3.137) là du học sinh nam, trong khi sinh viên nữ chỉ chiếm 33,62% (1.593).

Trong đó, Tanzania là quốc gia châu Phi đứng đầu về lượng sinh viên theo học tại các trường đại học Kenya với con số 577 người. Theo sau đó là Nam Sudan với 522 sinh viên và 426 du học sinh từ Nigeria.

Cũng theo thống kê, ba quốc gia có lượng sinh viên tới Kenya theo học khiêm tốn nhất là Áo, Bangladesh và Afghanistan, khi mỗi quốc gia này chỉ có một sinh viên.

Theo các quan chức Kenya, hầu hết sinh viên châu Phi thích học tập tại Pháp, Nam Phi, Anh, Mỹ, Đức, Malaysia, Canada, Italy, Australia, Morocco và Angola. Điển hình là chỉ riêng trong năm 2017, Mỹ đã tiếp nhận hơn 1,1 triệu sinh viên từ các quốc gia khác theo học tại các trường đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ