Philippines: Phản đối phán quyết loại tiếng mẹ đẻ khỏi GD đại học

GD&TĐ - Tòa án tối cao Philippines mới đây đã thông báo sẽ giữ nguyên quyết định loại bỏ ngôn ngữ và văn học nước này ra khỏi chương trình giảng dạy chính trong các trường đại học, làm dấy lên nhiều tranh cãi về vấn đề bản sắc dân tộc và mối quan hệ giữa Philippines với nước thuộc địa trong quá khứ.

Chính phủ Philippines quyết định ngừng giảng dạy ngôn ngữ mẹ đẻ ở trường ĐH
Chính phủ Philippines quyết định ngừng giảng dạy ngôn ngữ mẹ đẻ ở trường ĐH

Ý kiến trái chiều

Những tranh cãi bắt đầu nổ ra từ năm 2013, khi Ủy ban GD Đại học Philippines ban hành Biên bản ghi nhớ nhằm loại bỏ ngôn ngữ Philippines và Panitikan - văn học nước này khỏi chương trình giảng dạy đại học. Theo đó, việc bắt buộc học tiếng mẹ đẻ sẽ chỉ áp dụng đối với bậc tiểu học và học sinh trong 2 năm đầu của bậc THCS. Đây được coi là hành động mở đường cho một chương trình giảng dạy mới, tập trung vào khả năng đọc, nghiên cứu và viết ở cấp độ cao hơn, có thể là bằng tiếng Anh, để cung cấp cho sinh viên những kiến thức kinh tế toàn cầu.

Một nhóm giáo sư từ hơn 40 trường cao đẳng và đại học Philippines đã cùng với sinh viên, nhà văn, nghệ sĩ, nhà lập pháp và nhà hoạt động văn hóa thành lập “Tanggol Wika” - Liên minh những người bảo vệ tiếng Philippines, nhằm phản đối luật mới mà theo họ là “tấn công ngôn ngữ quốc gia”. Theo nhóm người này, chính sách mới sẽ khiến ngôn ngữ và văn học Philipin sụp đổ. Ngoài ra, theo Tanggol Wika, khoảng 10.000 giảng viên toàn thời gian và 20.000 giảng viên bán thời gian sẽ mất việc làm tại các trường đại học. Họ kêu gọi chính phủ “duy trì việc sử dụng tiếng Philippines” theo đúng Hiến pháp quy định “ngôn ngữ chính thức của Philippines là tiếng Philipines”.

Tháng 10/2018, Tòa án Tối cao đã ban hành văn bản, nhất trí duy trì hiệu lực của chính sách mới và khẳng định tính hợp hiến của Ủy ban Giáo dục Đại học về việc loại bỏ tiếng Philippines và Panitikan khỏi chương trình giảng dạy chính. Những thành viên Tanggol Wika đã cho rằng, phán quyết này là một đòn giáng mạnh vào quyền tự do và bản sắc Philippines; đồng thời, yêu cầu tòa án xem xét lại quyết định. Thậm chí, một số thành viên của Taggol Wika còn gọi các thẩm phán là “người chống lại tiếng Philippines”.

Mặt khác, không ít công dân nước này đã thể hiện sự ủng hộ đối với phán quyết và cho rằng, tiếng Philippines là nguyên nhân chính dẫn đến “sự trì trệ kinh tế” của đất nước. Họ cũng khẳng định, tiếng Anh chính là “ngôn ngữ của kinh doanh và công nghệ”, là động cơ thúc đẩy nền kinh tế và thuê lao động nước ngoài. Theo Thời báo Manila, Liên minh Taggol Wika là những người “quá cảm tính và bất hợp lý”.

Sau những kêu gọi từ Taggol Wika, Tòa án Tối cao Philippines đã đồng ý xét xử lại, khiến Ủy ban Giáo dục Đại học một lần nữa trì hoãn việc thi hành chính sách mới để chờ phán quyết cuối cùng.

Hy vọng một phán quyết khác

Cuối tháng 5 vừa qua, tòa án tuyên bố sẽ không phán xử lại một lần nữa và nhận định, nhóm người phản đối đã không đưa ra bất kỳ lý lẽ nào đủ thuyết phục. Ngoài ra, các thẩm phán cho rằng, Hiến pháp chỉ yêu cầu đưa tiếng Philipines và Panitikan vào chương trình giảng dạy, chứ không bắt buộc phải dạy ở cấp độ giáo dục nào. Bởi thế, chính sách mới đã đạt được “tiêu chuẩn tối thiểu” của Hiến pháp. Bên cạnh đó, các trường đại học và cao đẳng vẫn sẽ có quyền quyết định đối với những trường hợp có nhu cầu học thêm tiếng Philipines và Panitikan trong “chương trình học tương ứng”.

Trước lời khẳng định này, Liên minh Taggol Wika đã buộc tội Ủy ban Giáo dục Đại học và Tòa án Tối cao “đang giết chết” linh hồn quốc gia và “quyền tự do suy nghĩ của người dân”. Những người phản đối chính sách cũng kêu gọi ủy ban, cùng với các trường đại học và quản trị viên đại học, tìm cách kéo dài thời gian thực hiện phán quyết để chờ một phán quyết khác. Nhiều nhóm khác đã thể hiện sự phản đối phán quyết, thông qua các bài đăng trên mạng xã hội. Theo Liên đoàn Sinh viên Philippines, đấu tranh cho ngôn ngữ Philippines chính là một cách để khẳng định bản sắc dân tộc “tự do khỏi mọi hình thức thuộc địa”. Các sinh viên cho rằng, chính sách mới sẽ “khiến các trường tạo ra nguồn lao động giá rẻ để phục vụ các nhà tư bản nước ngoài”.

Ủy ban Ngôn ngữ Philippines, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm quảng bá tiếng Philipines và các ngôn ngữ địa phương khác, khẳng định, mặc dù chính sách cho phép các khóa học được giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc tiếng Philipines do lịch sử thuộc địa của đất nước, nhiều người học vẫn thích tiếng Anh hơn tiếng mẹ đẻ. Bởi lý do này, một số trường đại học đã đóng cửa các khoa Ngôn ngữ Philippines từ trước đó.

Trước bối cảnh căng thẳng, Ủy ban GD Đại học đã ban hành tuyên bố tới gần 2.000 tổ chức giáo dục đại học, yêu cầu thực thi kế hoạch một cách nghiêm túc; đồng thời, khuyến khích các trường áp dụng “cải cách sáng tạo”. Ủy ban cũng khẳng định sẽ có hỗ trợ cho các giáo viên dạy tiếng và văn học Philippines, trước nhiều lo ngại họ có thể mất việc do sự thay đổi trong chương trình giảng dạy. Chủ tịch Ủy ban GD Đại học cũng đưa ra những phát biểu nhằm dập tắt những ý kiến cho rằng chương trình giáo dục mới sẽ làm xói mòn ý thức về chủ nghĩa dân tộc trong thế hệ trẻ. “Chủ nghĩa dân tộc không chỉ được tạo ra bởi ngôn ngữ”, vị chủ tịch khẳng định.

Nhiều người vẫn đang hy vọng Tòa án Tối cao sẽ xem xét lại quyết định. Trước sự phản đối quyết liệt của nhóm Taggol Wika, không ít người thể hiện sự đồng tình và cho rằng, mối lo ngại của họ không phải là không có lý, cũng không phải là không quan trọng.

Theo người dân Philippines, việc loại bỏ tiếng Philipines và Panitikan khỏi chương trình giảng dạy chính sẽ làm suy yếu giá trị trí tuệ ở một đất nước mà tiếng Anh là biểu tượng và nguồn lợi ích kinh tế, bất chấp những ký ức khó quên về sự chiếm đóng của Mỹ nhiều năm trước. Chính sách mới này của chính phủ Philippines đã khiến những vấn đề chính trị và xã hội trong quá khứ lại một lần nữa được nhắc lại, với những lo sợ sẽ ảnh hưởng tới hiện tại và tương lai của đất nước.

Theo UniversityWorld News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.