Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác về đổi mới công nghệ, triển khai các hoạt động chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam - Lào.
Tọa đàm đã thông qua một số nội dung về nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong bảo quản và chế biến một số sản phẩm chủ lực (sản phẩm quốc gia) nhằm thúc đẩy phát kinh tế - xã hội tại nước CHDCND Lào; Phối hợp tổ chức diễn đàn xúc tiến chuyển giao công nghệ Việt Nam - Lào.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng, Cục Ứng dụng & Phát triển công nghệ đánh giá cao quá trình hợp tác giữa Trường ĐH Cửu Long với Vụ Công nghệ và Đổi mới - Bộ Công nghệ và Truyền Thông nước CHDCND Lào trong thời gian qua.
Bà đề nghị các bên tập trung trao đổi để đi đến thống nhất dự án thiết thực, nghiên cứu những sản phẩm chủ lực của Lào. Sớm hoàn tất các thủ tục hợp tác, kết hợp tổ chức tốt diễn đàn xúc tiến chuyển giao công nghệ Việt Nam - Lào (dự kiến vào cuối năm 2022).
Vụ Công nghệ và Đổi mới - Bộ Công nghệ và Truyền thông CHDCND Lào đã đề xuất 18 dự án cần được hỗ trợ liên quan đến các lĩnh vực lĩnh vực Kỹ thuật công nghệ, Nông nghiệp - Thủy sản.
Các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh 4 dự án trọng tâm gồm: Sử dụng công nghệ và mới để nâng cao năng lực thương mại; Nghiên cứu khoa học Làng Thông minh tại CHDCND Lào; Nghiên cứu và sử dụng công nghệ hiện đại nhằm cải thiện nền nông nghiệp sạch tại huyện Pắk Ngum; Nghiên cứu công nghệ và đổi mới tạo ra sản phẩm bao bì thực phẩm sử dụng nguyên liệu tự nhiên.
Theo TS Nguyễn Thanh Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục hợp tác chuyển giao công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho nước bạn Lào. Hai bên sẽ trao đổi, lựa chọn một số dự án thiết thực, có khả thi nhất để triển khai tại Lào.
Các dự án sẽ được triển khai theo lộ trình. Qua đó, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác giữa hai nước nói chung và Trường ĐH Cửu Long với Vụ Công nghệ và Đổi mới - Bộ Công nghệ và Truyền Thông nước CHDCND Lào nói riêng.