![]() |
GS.VS Đào Trọng Thi - nguyên Giám đốc ĐHQGHN |
Khoa Công nghệ - sáng tạo về mô hình khoa trực thuộc đào tạo đại học đầu tiên của ĐHQGHN
Vào năm 1993, ĐHQGHN được thành lập trên cơ sở sát nhập các trường: ĐH Tổng hợp Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội I và ĐH Sư phạm Ngoại ngữ thành ĐHQGHN trong giai đoạn đầu, sau đó sẽ tiếp tục sát nhập thêm khoảng 7 trường đại học khác thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Đây là giải pháp đơn giản nhất về mặt tổ chức nhưng lại làm cho cơ cấu chuyên môn của ĐHQGHN bị “què quặt”. Vì sao ? Trên thực tế, các ngành đào tạo của 3 trường đại học trên đều thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản và có sự trùng lặp nhau, chỉ gồm khoa học tự nhiên, xã hội-nhân văn và ngoại ngữ. Như vậy, cơ cấu chuyên môn bước đầu của ĐHQGHN không rộng hơn những gì mà Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội đã có và chưa phải là một đại học đa lĩnh vực theo đúng nghĩa của nó. Sau đó, hậu quả phức tạp về tổ chức đã khiến Lãnh đạo ĐHQGHN nhận thức được rằng việc bổ sung, hoàn chỉnh cơ cấu đa lĩnh vực bằng cách nhập thêm các trường đại học sẵn có thuộc các lĩnh vực khác vào ĐHQGHN là không khả thi và kém hiệu quả đối với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo. Chúng tôi đã quyết định không đi theo hướng đó, thậm chí còn chấp nhận cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội I tách ra khỏi ĐHQGHN.
Đó là một sáng kiến lớn rất quan trọng, mở đường cho ĐHQGHN phát triển và khẳng định mô hình đại học đa lĩnh vực đầu tiên ở Việt Nam. Sáng kiến này sau đó được ĐHQGTPHCM và các đại học vùng áp dụng rộng rãi.
![]() |
Khoa Công nghệ là khoa thử nghiệm đầu tiên của mô hình khoa trực thuộc ĐHQGHN. Vậy phải có những định hướng như thế nào về cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động và mối quan hệ với các đơn vị thành viên khác của ĐHQGHN? Đó cũng lại là những câu hỏi lớn và hết sức quan trọng, không chỉ đối với sự phát triển của Khoa Công nghệ lúc đó, Trường ĐH Công nghệ sau này mà rộng hơn nữa, nó liên quan đến định hướng phát triển của chính mô hình ĐHQGHN. Khoa Công nghệ bắt đầu từ 2 phân khoa (Công nghệ Điện tử viễn thông và Công nghệ thông tin) sẽ hoạt động theo mô hình nào và tương lai phát triển ra sao ?
Về tổ chức và hoạt động, Khoa Công nghệ sẽ không phát triển theo mô hình của một cơ sở đại học hoàn chỉnh, khép kín mà có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị thành viên khác của ĐHQGHN, đặc biệt là các trường ĐHKHTN, ĐHKHXHNV, ĐH Ngoại ngữ. Một trường đại học độc lập thường có cả các bộ phận giảng dạy khối kiến thức đại cương và khoa học cơ bản cho sinh viên hai năm đầu trước khi đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ vào các năm học sau. Nhưng Khoa Công nghệ chỉ đảm nhiệm đào tạo giai đoạn chuyên môn nghề nghiệp, còn các môn học đại cương và khoa học cơ bản là do các trường đại học về khoa học cơ bản của ĐHQGHN đảm nhiệm. Đây chính là một mô hình hoạt động cho phép sử dụng đúng đội ngũ cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất kỹ thuật, thể hiện sự liên thông gắn kết chặt chẽ giữa các đơn vị thành viên, tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả cao trong đào tạo và nghiên cứu khoa học mà một đại học đa ngành, đa lĩnh vực như ĐHQGHN cần hướng tới.
Trường ĐH Công nghệ - bước đột phá trong hợp tác, liên kết giữa trường - viện
Mô hình liên kết hợp tác giữa trường đại học và viện nghiên cứu đã trở nên rất phổ biến ở các nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam thì còn rất mới mẻ. ĐHQGHN đã có bước khai phá đầu tiên rất quan trọng, trong đó Trường ĐH Công nghệ lại chính là đơn vị đầu tiên áp dụng thành công mô hình này. Những ngày đầu mới thành lập, khó khăn lớn nhất đối với Khoa Công nghệ là làm sao có được đội ngũ giảng viên giỏi đáp ứng yêu cầu đào tạo có chất kượng tốt những ngành học mới trong bối cảnh lĩnh vực công nghệ cao còn rất mới nước ta. Bên cạnh đó, hệ thống các trường đại học và viện nghiên cứu khoa học ở nước ta được tổ chức độc lập, riêng biệt với nhau, dẫn đến tình trạng giữa các trường đại học và viện nghiên cứu không có sự phối hợp cần thiết.Vậy tại sao chúng ta lại không tìm cách liên kết đối ngũ khoa học còn khá hạn chế về cả số lượng và trình độ thuộc hai hệ thống để tạo nên sức mạnh đào tạo công nghệ cao tại Khoa Công nghệ?
Sự liên kết này được bảo đảm bằng một văn bản thoả thuận chính thức giữa ĐHQGHN và Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam. GS.VS Nguyễn Văn Hiệu khi đó là Chủ tịch Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam đã được mời làm Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Công nghệ và Hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐH Công nghệ và là người có công đầu trong việc thiết lập và vận hành mô hình liên kết đặc biệt hiệu quả này.
![]() |
Chú trọng công tác liên kết đào tạo - nghiên cứu khoa học (ảnh Internet) |
Trường ĐH Công nghệ được thành lập theo một quy trình hoàn toàn mới với nhiều sáng tạo về các phương diện như đã nêu ở trên. Việc Trường ĐH Công nghệ nhanh chóng khẳng định được vị trí hàng đầu trong hệ thống các trường đại học công nghệ nước nhà đã chứng minh tính đúng đắn của hướng đi này, quy trình này. Ngay từ khi mới thành lập, tuy đội ngũ cán bộ chưa nhiều nhưng số lượng giáo sư, tiến sĩ và các nhà khoa học đầu ngànhcủa trường đều được xếp ở tốp đầu trong các trường đại học cả nước. Không dừng lại ở 2 khoa ban đầu, trường đã thành lập thêm Khoa Vật lý Kỹ thuật định hướng vào khoa và công nghệ vật liệu mà quan trọng nhất là công nghệ nano – một hướng khoa học hiện đại nhất của thế giới. Tiếp theo là sự ra đời của Khoa Cơ học kỹ thuật định hướng vào Tự động hoá và Cơ điện tử. Gần đây, trường liên kết với Viện khoa học vũ trụ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thành lập ngành khoa hàng không vũ trụ.
Có thể nói, với mô hình liên kết,hợp tác với các viện nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Công nghệ đã có những bước tiến lớn, khẳng định được vị thế đầu ngành của mình. Điều này cần tiếp tục được phát huy trong tương lai. Tuy nhiên, hợp tác giữa ĐHQGHN và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam vẫn chỉ là sự phối hợp giữa hai cơ quan cùng mạnh về khoa học cơ bản. Tức là hai “ông lớn” cùng mang tính hàn lâm và có cơ cấu chuyên môn nói chung là trùng nhau. Do đó, tôi rất mong muốn là trong tương lai, trường ĐH Công nghệ một mặt tiếp tục củng cố mối quan hệ hợp tác với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhưng mặt khác phải mở rộng liên kết, hợp tác với những đối tác mới như doanh nghiệp, bằng cách đó khẳng định mạnh mẽ hơn định hướng ứng dụng, công nghệ và sự gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với thực tiến sản xuất, kinh doanh. Khi đó đào tạo nguồn nhân lực mới thực sự đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động, còn nghiên cứu khoa học mới thực sự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Sứ mạng của Trường ĐH Công nghệ là phấn đấu trở thành một trường ĐH kiểu mẫu nhanh chóng tiếp cận trình độ quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cao. Theo dõi bước tiến của trường tôi rất vui mừng nhận thấy những định hướng mà ĐHQGHN đề ra ban đầu đã và đang từng bước được hiện thực hóa thành công.
Tuy ra đời chưa lâu nhưng Trường ĐH Công nghệ đã có những đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển ĐHQGHN, cũng như cho nền giáo dục đại học nước nhà. Đây là nơi luôn triển khai những sáng kiến có giá trị trong đổi mới giáo dục đại học hiện đại. Đặc biệt, trường đã đi tiên phong trong hội nhập quốc tế, tổ chức đào tạo theo chuẩn mực của các đại học tiên tiến ở các nước phát triển, mở rộng liên kết đào tạo với những đại học nước ngoài hàng đầu. Sinh viên của Trường thường xuyên đạt thành tích cao trong các cuộc thi olimpic quốc gia, quốc tế về công nghệ thông tin và đội tuyển của Trường thường được xếp ngang hàng với đội tuyển của những trường hàng đầu quốc tế trong lĩnh vực công nghệ.
Nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập, tôi xin chúc mừng cán bộ và sinh viên Nhà trường. Chúc Trường ĐH Công nghệ sớm đạt được mục tiêu trở thành đại học đẳng cấp quốc tế, dẫn đầu trong hệ thống các trường đại học Công nghệ của Việt Nam.
GS.VS Đào Trọng Thi
(Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc ĐHQGHN, hiện là Chủ nhiệm UBVHTN, TN&NĐ Quốc hội)