Thứ tự xếp hạng giáo dục Việt Nam tăng

GD&TĐ - Sáng 6/11, trình bày Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã báo cáo về 20 lĩnh vực.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày báo cáo.	 Ảnh: Quang Khánh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày báo cáo. Ảnh: Quang Khánh.

Với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đã ban hành Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa và các đề án có liên quan, bảo đảm đồng bộ các điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Chỉ đạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới; tổ chức biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa; thẩm định, phê duyệt được 5 bộ sách giáo khoa lớp 1. Thứ tự xếp hạng giáo dục Việt Nam tăng.

Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia cơ bản bảo đảm khách quan, công bằng, giảm áp lực và tốn kém, nhất là kỳ thi năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Việc dạy và học trực tuyến được đẩy mạnh, công tác bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục đại học đạt kết quả tích cực.

Tuy nhiên, chưa tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa lớp 1 đầy đủ các môn học theo Nghị quyết 88 của Quốc hội; một số sách giáo khoa như cuốn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có nội dung chưa phù hợp, sai sót, cần phải chỉnh sửa, bổ sung. Chưa có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút giáo viên về công tác tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa. Công tác quản lý về dạy thêm, học thêm còn bất cập.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa Bộ GD&ĐT với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh/thành phố ngày 31/10, ghi nhận:

Trong năm học vừa qua và giai đoạn 2016 - 2020, toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được một số thành tựu quan trọng.

Có thể nói đến việc hoàn thiện khung pháp lý cho đổi mới giáo dục, đặc biệt là ban hành 2 luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, Luật Giáo dụcn2019.

Cùng với đó, thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; chất lượng giáo dục phổ thông được quốc tế ghi nhận thông qua chương trình đánh giá PISA, PASEC của quốc tế, thi Olympic khu vực và quốc tế; đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng ngày càng thực chất và hiệu quả.

Giai đoạn qua cũng đánh dấu bước đột phá của giáo dục ĐH trong thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo. Chỉ số nghiên cứu khoa học tăng mạnh; số lượng các công trình công bố quốc tế liên tục tăng. Hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển ấn tượng.

Giáo dục đồng thời ghi dấu ấn với sự chuyển đổi số mạnh mẽ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, điển hình là việc dạy học trực tuyến qua internet và trên truyền hình, nhất là trong thời gian giãn cách, cách ly xã hội do dịch bệnh Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ