Sinh viên trở lại trường học thực hành: 5K và QR code

GD&TĐ - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã rà soát các điều kiện để đón SV trở lại trường học trực tiếp phần thực hành, thí nghiệm.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng quét mã QR code trước khi vào khu vực giảng đường.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng quét mã QR code trước khi vào khu vực giảng đường.

Riêng Trường ĐH Kinh tế, những SV năm thứ nhất đang ở Đà Nẵng sẽ đến trường học trực tiếp đối với tất cả các môn học. 

Kiểm dịch nghiêm ngặt

Trước khi vào khu vực trường, Hoàng Thanh Bình (SV năm thứ nhất, Khoa Du lịch, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng) thực hiện khai báo y tế và quét mã QR. Nhà ở TP Đà Nẵng và đã tiêm đủ 2 mũi, đang cư trú tại vùng 2, Bình đủ điều kiện để đến trường học trực tiếp sau một thời gian dài học trực tuyến kể từ khi trở thành SV.

Bình cho biết: “Nhà trường đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt để đảm bảo quy định phòng, chống dịch khi SV đến trường học trực tiếp. Như em, phải tiêm mũi thứ 2 cách ít nhất 14 ngày tính đến thời điểm quay trở lại học tập trung. Với những bạn đã từng là F0 thì phải khỏi Covid-19 không quá 6 tháng. Tuy nhiên, chúng em đều tuân thủ yêu cầu 5K, tự theo dõi sức khỏe để nếu có biểu hiện ho, sốt thì tạm thời không đến trường và chuyển sang học trực tuyến. Nhà trường kết hợp mô hình dạy học 2 trong 1, lớp học trực tiếp kết nối với trực tuyến nên SV có thể lựa chọn hình thức học phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch”.

SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng học thực hành tại xưởng trường.
SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng học thực hành tại xưởng trường. 

Lớp của Hoàng Thanh Bình chỉ có 10 – 12 SV học trực tiếp. Những bạn đang ở địa phương khác thì tham gia lớp học trực tuyến từ phòng học trực tiếp. “Thầy, cô giáo đều có sự tương tác hợp lý với cả SV có mặt tại lớp và các bạn đang học online. Có khi các bạn học trực tuyến còn phát biểu xây dựng bài sôi nổi hơn”. Việc đến trường học trực tiếp, theo nhận xét của Bình, đã giúp em nắm được bài giảng kỹ hơn, có điều kiện trao đổi, thảo luận bài vở với các bạn cùng lớp.

Để đón SV trở lại trường học thực hành, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng đã làm việc với phường Thanh Bình (quận Hải Châu) để nhờ địa phương hỗ trợ, vận động người dân tạo điều kiện cho SV thuê trọ. Với những em gặp khó khăn khi tìm nhà trọ, nhà trường tạo điều kiện vào ở tại ký túc xá (KTX) nếu có nhu cầu. Với sức chứa 700 SV, nhiều SV được nhà trường giải quyết vào ở tại KTX để tiết kiệm chi phí sinh hoạt khi thời gian học thực hành tại trường không quá dài.

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã phối hợp với cơ quan y tế nơi trường đóng chân để tổ chức tiêm mũi 2 cho SV trước khi trở lại trường học thực hành, thí nghiệm. Nhân viên y tế thường xuyên có mặt để hướng dẫn về phòng, chống dịch và kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch. Trường đã bố trí khu cách ly tạm thời, thường xuyên bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế, thực hiện 5K và quét mã QR cho SV, cán bộ, giảng viên, nhân viên.

Mô hình lớp học 2 trong 1 của Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng.
Mô hình lớp học 2 trong 1 của Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng. 

Sinh viên tự nguyện đăng ký học trực tiếp

TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng - cho biết: “Nhà trường tổ chức cho SV đăng ký đến trường học phần thực hành, thí nghiệm trên tinh thần tự nguyện. Theo thống kê, có khoảng 16.500 lượt SV đăng ký ở các học phần. Để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, nhà trường chia nhóm nhỏ, từ 15 - 20 SV/ca thực hành, thí nghiệm. Nhà xưởng được vệ sinh thường xuyên và đảm bảo thông thoáng”.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng kéo dài thời gian học thực hành tại xưởng trường cho đến tháng 2. Vì khối lượng kiến thức lý thuyết được nhà trường tổ chức dạy – học trực tiếp trước đó nên SV đến trường để học các nội dung liên quan đến thí nghiệm, thực hành, thực tập, đồ án trong học kỳ I của năm học 2021 – 2022.

“Với SV không đủ điều kiện tham gia học thực hành đợt 1, qua Tết Nguyên đán, các em sẽ trở lại trường học nội dung thực hành để thi hết môn” – PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng nhà trường cho hay. Trước đây, với mỗi lớp học phần khoảng 60 SV, nhà trường sẽ bố trí thành 2 lớp học thực hành. Tuy nhiên, để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, mỗi nhóm thực hành hiện nay chỉ duy trì khoảng 15 SV. “Chi phí tiêu hao vật tư, điện, thanh toán giờ vượt cho giảng viên đều tăng lên. Tuy nhiên, nhà trường vẫn thực hiện phương án chia nhỏ lớp thực hành để vừa an toàn cho SV, giảng viên và vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo” – thầy Thọ chia sẻ.

Quốc Lai – SV năm cuối, Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - cho biết: “Với SV ngành xây dựng, khối lượng học thực hành ở năm cuối khá nhiều và là học phần gần như bắt buộc để tốt nghiệp ra trường đúng tiến độ. Việc học trực tuyến chỉ giải quyết được nội dung lý thuyết chứ các thí nghiệm ảo, mô hình đồ họa cũng không thể thay thế được học thực hành. Do đó, được trở lại trường để học những nội dung thực hành còn lại, chúng em rất phấn khởi”.

“Các phòng học tại giảng đường được chia thành hai khu vực hỗ trợ dành riêng cho các phần mềm dạy trực tuyến thông dụng. Nhà trường nỗ lực triển khai song song hai hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho SV, nhất là SV năm thứ nhất rất cần sự hướng dẫn, tương tác với thầy cô”. - PGS.TS Lê Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...