Trường đại học kêu khó nếu không tăng học phí

GD&TĐ - Nhiều cơ sở giáo dục đại học gặp khó khăn khi đối diện với chủ trương không tăng học phí trong năm học 2023 – 2024.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội.
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội.

Học phí là nguồn thu chính

Theo Thông báo số 300/TB-VPCP ngày 31/7/2023 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023 - 2024.

Thông báo kết luận trên khiến nhiều cơ sở giáo dục đại học gặp khó và rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” vì trước đó thông tin về lộ trình tăng học phí đã được công khai trong đề án tuyển sinh riêng của trường. Trong đó có Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Hiệu trưởng Hoàng Xuân Hiệp cho biết, dù là đơn vị tự chủ hoàn toàn nhưng 3 năm nay nhà trường không tăng học phí.

Năm học 2023 – 2024, trường dự kiến tăng 9,5%. “Tuy nhiên, trước thông tin không được tăng học phí khiến chúng tôi chưa biết xoay sở thế nào, trong khi năm học 2023 - 2024, dự kiến quỹ lương của nhà trường tăng trên 5 tỷ đồng. Hiện, học phí chiếm khoảng 80% nguồn thu của nhà trường” – TS Hoàng Xuân Hiệp chia sẻ.

Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội, toàn trường có trên 4.000 sinh viên. Trung bình, mỗi năm nhà trường chi tiền lương khoảng 75%; đầu tư về cơ sở vật chất từ 5% - 7%. Hai khoản này chiếm hơn 80% tổng chi phí của nhà trường.

Có năm nhà trường dành 7-8 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, trong đó có các thiết bị hiện đại như: máy cắt, máy may tự động… “4 năm liên tiếp không được tăng học phí cũng là bài toán khó cho đơn vị tự chủ hòa toàn như chúng tôi; trong đó có yêu cầu về chất lượng đào tạo, dịch vụ giáo dục ngày càng cao. Tôi mong rằng, Chính phủ có chính sách hỗ trợ các trường đại học tự chủ nếu như không được tăng học phí” - TS Hoàng Xuân Hiệp đề xuất.

Cán bộ, giảng viên, sinh viên khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho nhân dân xã An Vinh (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Ảnh: Website của trường.

Cán bộ, giảng viên, sinh viên khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho nhân dân xã An Vinh (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Ảnh: Website của trường.

Khó chồng khó

Mới đây, PGS.TS Nguyễn Duy Cường – Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Thái Bình đã ký văn bản gửi Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế “Về việc đề xuất mức thu học phí năm học 2023 – 2024 và cấp bù học phí cho cơ sở giáo dục theo mức trần học phí năm học 2023 -2024 đã quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP hiện hành”.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Cường, chủ trương không tăng học phí khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn. Nhà trường là đơn vị đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên (nhóm 2). Hiện, nguồn thu chủ yếu của trường gồm: học phí (trên 90%) và thu từ dịch vụ đào tạo, thu khác.

Trong khi 3 năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhà trường đã duy trì, không tăng học phí (mức thu 14,3 triệu đồng/sinh viên/năm học) và đã cố gắng tối đa cân đối thu, chi để phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Công văn gửi Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế của Trường ĐH Y dược Thái Bình viện dẫn, thực hiện Nghị quyết số 24/2023/NQ-CP của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 1/7/2023, nhà trường đã điều chỉnh tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành.

Nếu thực hiện theo Kết luận về việc không tăng học phí trong năm học 2023 – 2024 thì nhà trường là một trong những đơn vị tự chủ không có ngân sách cấp chi thường xuyên, học phí 4 năm liên tục không được tăng, chi phí đào tạo cho ngành khoa học sức khỏe rất cao, phải đảm bảo mức lương cơ sở cho cán bộ, giảng viên theo quy định mới khiến nguồn thu của nhà trường giảm sút nghiêm trọng.

Dự kiến, nguồn kinh phí năm học 2023 – 2024 của nhà trường không đủ đảm bảo được các khoản chi cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, tiền lương, phụ cấp cho cán bộ viên chức, người lao động và không duy trì được hoạt động bình thường của nhà trường.

Trường ĐH Y dược Thái Bình đề xuất, Bộ GD&ĐT tham mưu trình Chính phủ có quy định riêng đối với các trường đại học đã được giao tự chủ mức 1 (tự chủ một phần chi thường xuyên), mức 2 (tự chủ hoàn toàn).

Trường hợp được tăng học phí, nhà trường cam kết thực hiện đúng các quy định hỗ trợ các học viên, sinh viên diện khó khăn theo quy định của Chính phủ và hỗ trợ của nhà trường để đảm bảo người học có đủ điều kiện học tại trường.

Nếu không được điều chỉnh mức học phí, nhà trường cần có chính sách cấp bù tiền học phí cho cơ sở giáo dục đại học theo đúng mức trần học phí năm học 2023 - 2024 đã quy định tại Nghị định 81 cho các đơn vị tự chủ nhóm 1, nhóm 2.

Cho rằng, đầu tư cho giáo dục đại học còn thấp, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam viện dẫn, ngân sách chi cho giáo dục đại học khoảng 0,27% GDP. Với mức chi này, hầu như không có nước nào đầu tư cho giáo dục đại học thấp như vậy. Chúng ta không nên đánh đồng tự chủ đại học với tự túc về nguồn lực.

TS Nguyễn Viết Khuyến đề xuất, cần thanh tra, kiểm tra việc thu, chi của các cơ sở giáo dục đại học. Trên cơ sở đó, nếu trường nào thực sự khó khăn, cần hỗ trợ thì Nhà nước nên đầu tư nguồn lực.

“Chúng tôi đề xuất giải pháp hỗ trợ các trường, nhất là các trường tự đảm bảo chi thường xuyên. Có trường vừa tuyên bố tự đảm bảo chi thường xuyên thì ngân sách Nhà nước cấp về bằng 0, học phí không tăng. Vì vậy, làm thế nào để bù đắp được kinh phí thâm hụt này” – Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đặt vấn đề và cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ ngành để đề nghị có chính sách hỗ trợ các trường. Việc này tương tự như Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp tục tục sản xuất kinh doanh.

Trích ý kiến tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ