Đại học Cambridge, Vương quốc Anh
Nhà Kinh tế học đạt giải Nobel năm nay Angus Deaton đã tốt nghiệp cả 3 bậc học Cử nhân, Thạc sỹ và Tiến sỹ tại trường Đại học Cambridge danh giá của Anh Quốc - ngôi trường luôn nằm trong top đầu những trường đại học tốt nhất thế giới. Theo thống kê, đã có 92 cựu sinh viên của trường đạt giải Nobel ở tất cả các lĩnh vực kể từ khi giải thưởng này ra đời. Không chỉ nổi tiếng bởi chất lượng đào tạo, Đại học Cambridge còn có truyền thống lâu đời và là một trong những trường đại học đẹp nhất Vương quốc Anh.
Chủ nhân của giải Nobel Vật lý năm 2015, Arthur Bruce McDonald, là một cựu sinh viên của Viện Công nghệ California. Năm 2015, trường được xếp hạng 05 trên bảng xếp hạng những trường đại học tốt nhất thế giới của trang Top Universities.
Đại học Tokyo, Nhật Bản
Năm nay, Đại học Tokyo vinh dự khi có tới 02 cựu sinh viên cùng đạt giải Nobel: nhà Vật lý học Takaaki Kajita với giải Nobel Vật lý và Satoshi Omura với giải Nobel Y học. Theo đánh giá của Top Universities, Đại học Tokyo xếp thứ 39 trên bảng xếp hạng những trường đại học tốt nhất thế giới và là một trong những trường đại học hàng đầu châu Á. Trường cũng lọt danh sách 25 trường đại học đẹp nhất thế giới. Được biết, đây là lần thứ 09 trường có cựu sinh viên đạt giải Nobel. Ngoài ra, có 18 vị Thủ tướng của Nhật Bản cũng đã từng theo học tại đây.
Đại học Stanford, Mỹ
Với công trình nghiên cứu về ADN, mở ra triển vọng trong tương lai cho việc chữa bệnh ung thư, nhà Hóa học Paul Lawrence Modrich, tốt nghiệp Đại học Stanford, là một trong ba chủ nhân của giải Nobel Hóa học năm nay. Đây là lần thứ 11 một cựu sinh viên của trường đạt được giải thưởng danh giá này. Là một trường tư thục, chất lượng giảng dạy tốt và cơ sở vật chất rất hiện đại là những điểm nổi bật nhất của trường.
Học viện Y học Hoàng gia Caroline, Thụy Điển
Học viện Y học Hoàng gia Caroline, hay còn được biết đến với tên gọi khác là Học viện Karolinska Stockholm, là nơi nhà Hóa học Tomas Lindahl đã tốt nghiệp. Đặc biệt, đây cũng chính là nơi đánh giá và trao giải thưởng Nobel Y học hàng năm. Năm 2015, trường được xếp hạng thứ 09 trong danh sách những trường đào tạo Y khoa tốt nhất thế giới. Tính tới năm nay, đã có 07 cựu sinh viên của trường được trao giải Nobel trên tất cả các lĩnh vực.
Đại học Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ
Đồng chủ nhân cuối cùng của giải Nobel Hóa học 2015 là nhà Hóa Sinh học Aziz Sancar đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã tốt nghiệp trường Đại học Istanbul tại quê hương mình, chuyên ngành Hóa học. Đây là lần thứ hai một cựu sinh viên của Đại học Istanbul đạt giải Nobel.
Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc
Với công trình nghiên cứu thuốc Artemisinin, loại thuốc giúp giảm đáng kể tỷ lệ tỷ vong ở các bệnh nhân mắc bệnh sốt rét, nhà khoa học Trung Quốc Tu Youyou đã trở thành nhà khoa học nữ đầu tiên của Trung Quốc đạt giải Nobel Y học. Tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh (Bắc Đại) danh giá, Tu Youyou cũng là cựu sinh viên thứ 05 của trường trở thành chủ nhân của giải Nobel. Được thành lập năm 1898, Đại học Bắc Kinh được coi là trường đại học “tân thời” đầu tiên của Trung Quốc. Đến nay, trường vẫn bảo tồn được những nét kiến trúc truyền thống của đất nước Trung Hoa cổ. Năm 2015, Bắc Đại xếp thứ 41 trong danh sách những trường đại học tốt nhất thế giới và là trường đại học tốt thứ 07 ở Châu Á.