Trường chuyên: Cánh cửa đã mở, con đường đã rõ

Trường chuyên: Cánh cửa đã mở, con đường đã rõ

PV: Thưa Thứ trưởng, so với hội nghị trường chuyên lần thứ nhất cách đây hơn 2 năm thì hội nghị lần này có gì khác?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Ngày 14-9-2007, lần đầu tiên Hội nghị các trường THPT chuyên toàn quốc được tổ chức tại Hải Phòng nhằm nhìn nhận đánh giá lại kết quả 42 năm xây dựng và phát triển hệ thống trường THPT chuyên, xác định phương hướng phát triển mới. Lần đầu tiên, chúng ta có một cái nhìn tổng thể về hệ thống trường chuyên - một hệ thống đào tạo HS năng khiếu có rất nhiều đóng góp không chỉ vào chính sách bồi dưỡng nhân tài của Nhà nước ta mà còn là sự gợi mở về cách tổ chức hoạt động giáo dục đổi mới, sáng tạo cho tất cả các nhà trường ở mọi cấp học. Tuy nhiên, nhiều khía cạnh sâu hơn về trường chuyên chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo, triệt để; cũng như chưa thể có được một khung chương trình hoạt động giáo dục đặc trưng cho hệ thống trường chuyên biệt này. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được ở hội nghị lần thứ nhất, hội nghị lần thứ hai này sẽ có một mục tiêu xa hơn, trên cơ sở đánh giá lại việc thực hiện những phương hướng đã đề ra của hội nghị lần thứ nhất để đặt ra một lộ trình rõ nét hơn cho hệ thống trường chuyên từ nay đến 2015 và định hướng đến 2020, tương xứng với tiềm năng và yêu cầu tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của hệ thống trường chuyên, phấn đấu trong vòng 5-10 năm tới phải phát triển hệ thống các trường THPT chuyên thành một hệ thống cơ sở GD chất lượng cao nhằm phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu đặc biệt, có tư chất tốt về nhiều mặt, có ý chí và phẩm chất để phục vụ tốt cho sự phát triển đất nước sau này. Mặt khác, hội nghị lần này cũng là một hội nghị "mở", để song hành với việc phát triển trường chuyên đúng với chức năng của nó, là việc xây dựng một mẫu hình tốt trong tương lai của tất cả các trường THPT của Việt Nam.

Cổng trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Ảnh: Internet)
Cổng trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Ảnh: Internet)

PV: Xin Thứ trưởng cho biết mục tiêu đào tạo của trường chuyên hiện nay, nếu như khẳng định đây không phải là lò luyện gà nòi? Và phải chăng đây cũng chính là con đường đi của mọi trường chuyên Việt Nam hiện nay?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Có thể khẳng định suốt gần nửa thế kỷ qua, các trường THPT chuyên đã thực hiện được các mục tiêu của mình (tất nhiên ở các mức độ khác nhau). Mục tiêu ấy, cho đến nay cũng không thay đổi nhiều, có chăng là thay đổi ở cách thức tổ chức hoạt động GD ở trường chuyên, các điều kiện đảm bảo chất lượng (GV, CSVC, kể cả chất lượng HS) đều tốt hơn, vì thế hiệu quả đào tạo ở các trường chuyên đều tốt hơn, thể hiện ở chính sản phẩm đào tạo là đa số các HS chuyên đều phát triển toàn diện cả về kiến thức và kỹ năng, cả các môn chuyên cũng như các môn học khác và được phát triển năng khiếu riêng của mình; các em có ý chí cao, có năng lực tự học, bước đầu tiếp cận việc nghiên cứu khoa học. Chính vì không bị biến thành “gà nòi” nên những năm trước nhiều học sinh giỏi đoạt giải quốc gia, được tuyển thẳng vào đại học nhưng đã không nhận chính sách này mà vẫn đăng ký thi tuyển sinh đại học theo nguyện vọng của mình. Và khi không còn chủ trương tuyển thẳng thì cũng không vì thế mà HS chuyên bị “thiệt” gì trên con đường học lên của mình. Hầu hết các HS chuyên đều đỗ đại học với điểm cao, vào những trường “top”. Nếu đã xác định đúng mục tiêu và đào tạo với chất lượng thật thì HS chuyên sẽ luôn sẵn sàng với mọi kỳ sát hạch, kể cả quốc gia và quốc tế. Nhưng đó vẫn chưa phải là mục tiêu cuối cùng, mà quan trọng là các em, với một năng lực như vậy, ý chí như vậy, phẩm chất như vậy, các em sẽ có thể phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc nhiều hơn nữa.

PV: Vâng, rất nhiều em từ trường chuyên đã cất cánh bay cao, bay xa, khẳng định mình không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Một số nguời cũng lo ngại về chuyện “chảy máu chất xám”…

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tôi cho rằng cần quan niệm đầy đủ về phụng sự. Dù là đóng góp trực tiếp hay gián tiếp, trong nước hay ngoài nước thì đều phải được đánh giá cho khách quan. Hầu hết du học sinh của ta sau khi học xong sẽ trở về phục vụ quê hương ngay trên đất nước mình. Một số em có thể phát triển tài năng của mình ở nước ngoài mà không hẳn là sai mục tiêu. Miễn làm sao có đóng góp hiệu quả, với một tâm nguyện luôn hướng về dân tộc mình, đất nước mình với lòng tri ân sâu nặng. Như vợ chồng GS Trần Thanh Vân, như GS Ngô Bảo Châu, hay rất nhiều Việt kiều khác đang có đóng góp rất lớn và rất hiệu quả cho đất nước, dù họ không sống trên quê hương mình.

Nhân đây, tôi cũng muốn nói về việc lập Hội cựu học sinh ở các trường chuyên. Thật ra, một cách tự phát thì các trường chuyên cũng đều có Ban liên lạc cựu học sinh, và các thế hệ học sinh chuyên vẫn coi mái trường chuyên là chốn đi về của mình. Nhưng các Hội này phải trở thành một hệ thống chính thức trong các trường chuyên, để kết nối các thế hệ HS chuyên, trao đổi cùng nhau, giúp nhau định hướng tương lai, tạo những nhịp cầu hợp tác cả trong nước và ngoài nước, cả cá nhân và tổ chức. Có như vậy, hệ thống trường chuyên mới có thêm nhiều cơ hội phát triển.

PV: Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 đã được dự thảo lần thứ 9, trong đó nêu ra những định hướng tương lai với trường chuyên. Xin Thứ trưởng có thể cho biết cụ thể hơn về những định hướng này?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Thứ nhất, từ nay về sau, các trường chuyên phải là trường chuẩn quốc gia (TCQG) và có nhiều tiêu chí vượt trội so với TCQG bình thường về đội ngũ GV, về cơ sở vật chất, về chất lượng giáo dục.

GV trường chuyên tuy không được đào tạo riêng nhưng họ phải được mở rộng đường phát triển nghề bằng cách không ngừng nâng cao trình độ, được tạo điều kiện bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để có năng lực phát triển chương trình, tài liệu; phát triển năng lực nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, phát triển năng lực tổ chức hoạt động sáng tạo cho HS chuyên. GV chuyên cũng phải là người giỏi về ứng dụng công nghệ thông tin cũng như sử dụng ngoại ngữ để phát triển chuyên môn của bản thân và tăng cường năng lực này cho HS của mình.

HS chuyên cần được tuyển chọn sao cho không bỏ sót cũng không tuyển nhầm, và có sàng lọc. Ngoài việc thi thông thường, hiện nay có một số trường chuyên đã tổ chức sơ tuyển, xét tuyển thêm thông qua các chỉ số tài năng như IQ, EQ…Trên cơ sở tuyển chọn tốt, đào tạo tốt, các em sẽ là những người như mục tiêu đào tạo đã nêu ở trên.

Như vậy, trường chuyên không chỉ là môi trường tốt cho HS phát triển tư chất, năng khiếu và năng lực toàn diện của mình mà còn là môi trường lý tưởng cho GV tài năng phát huy năng lực của mình ở mức độ cao. Có thể nói, GV trường chuyên sẽ phải vừa là nhà khoa học vừa nhà giáo dục.

Học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ảnh: Internet)
Học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ảnh: Internet)

PV: Như vậy, con đường đi với trường chuyên đã rõ. Nhưng liệu trường chuyên có là một mô hình mở, trở thành một mẫu hình cho trường học tương lai, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tính chất “mở” của trường chuyên thứ nhất thể hiện ở định hướng phát triển nó, nghĩa là: trường chuyên sẽ trở thành mẫu hình của các trường THPT; các tiêu chí của trường chuyên không chỉ dành riêng cho trường chuyên mà các trường khác tuỳ theo điều kiện của mình có thể áp dụng tới mức cao nhất có thể, làm cho ngày càng có nhiều học sinh có cơ hội được học tập trong môi trường GD tốt nhất, theo cách thức tổ chức hoạt động giáo dục tiên tiến nhất.

Thứ hai, khung chương trình hoạt động GD của trường chuyên và cả khung chương trình cho những môn năng khiếu để phát triển tài năng của HS theo từng lĩnh vực sẽ được xây dựng rất "mở", bởi vì trường chuyên là môi trường sáng tạo, mọi thành viên trong trường đều được khai thác năng lực sáng tạo để phát triển. Với tinh thần này, sẽ không có SGK cho trường chuyên mà sẽ tăng cường việc biên soạn, giới thiệu các tài liệu tham khảo trong và ngoài nước, đồng thời mỗi GV cũng chủ động khai thác bằng nhiều con đường khác nhau. Đây là một sự đánh giá cao với GV trường chuyên và cũng là đòi hỏi đối với họ. Các sản phẩm trí tuệ của trường chuyên sẽ không phải là tài sản riêng của từng trường mà cần được trao đổi lẫn nhau thông qua website trường chuyên sẽ được thiết lập. Bên cạnh đó là hình thành một mạng lưới GV cốt cán trường chuyên hoạt động trong môi trường mở. Như vậy thì việc GV trường này có thể đi dạy trường khác là chuyện bình thường, và việc công khai các tư liệu tham khảo cũng là nhiệm vụ của các trường chuyên. Việc công bố đáp án các kỳ thi học sinh giỏi cũng không có gì mà phải cấm đoán, miễn là nó được bảo mật cho đến khi kết thúc kỳ thi. 

PV: Nếu các trường học khác đều có thể coi trường THPT chuyên là một mẫu hình phấn đấu cho mình thì liệu với các cấp học dưới THPT, có nên thực hiện mô hình chuyên? Ngân sách có phải là một vấn đề cho việc mở hệ thống trường chuyên ở tiểu học hay THCS, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đây là vấn đề thuộc về khoa học chứ không phải tài chính. Chúng ta không tổ chức đào tạo chuyên ở tiểu học và THCS là vì lứa tuổi ấy các em chưa bộc lộ rõ năng khiếu, nếu đã tập trung ngay vào việc phát triển những biểu hiện của năng khiếu thì rất có thể sẽ là "vun nhầm gốc". Nhiệm vụ của các cấp học dưới THPT là trang bị những phẩm chất công dân một cách toàn diện làm nền tảng cho bồi dưỡng tài năng sau này (nếu có). Hay nói một cách hình ảnh là hãy để cho gốc to tát vững vàng về mọi phía rồi hãy vun sau thì tốt hơn. Hãy để cho các em được phát triển tự nhiên và tạo những cơ hội cho mầm tài năng nảy nở.

PV: Nhân chuyện lan toả mẫu hình trường chuyên, Thứ trưởng có nói đến việc tạo cơ hội cho nhiều em được học trong môi trường tốt để phát triển năng khiếu nếu có. Nhưng việc đưa ra tỉ lệ HS chuyên là 3% có phải là một con số đóng cứng cơ hội này không?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tỉ lệ % học sinh chuyên đưa ra là một định hướng cho mức đầu tư ngân sách, đầu tư giáo viên cho công tác đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi, chứ không có nghĩa là ấn định chỉ có ngần ấy em được học trong môi trường tốt như trường chuyên. Mọi HS đều có năng khiếu nhất định, vấn đề là mức độ khác nhau, theo quy luật phân bố năng lực của con người (hình quả chuông- đông nhất vẫn là những người bình thường, còn người quá kém và người tài đều ít dần theo mức độ). “Ngắt” ở đoạn nào trên đường đồ thị hình quả chuông ấy là khó chính xác. Nhưng đó là nói về hệ thống trường chuyên do ngân sách nhà nước đầu tư. Còn mẫu hình trường chuyên thì không phải là sản phẩm độc quyền của nhà nước.

PV: Phải chăng Thứ trưởng muốn nói về việc xã hội hoá đối với mô hình đào tạo chuyên?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đúng là như vậy. Chúng ta phải phấn đấu để trường THPT chuyên là mẫu hình phấn đấu của mọi nhà trường trong cả nước (về cách thức tổ chức hoạt động GD, về đầu tư CSVC, đội ngũ GV…), bất kể đó là nhà trường công hay trường tư. Việc xã hội hoá đào tạo chuyên là cần thiết, làm sao để có nhiều người hiểu hơn về mẫu hình trường chuyên và tạo cơ hội cho mọi cá nhân, mọi tổ chức có điều kiện và mong muốn đều có thể đóng góp để phát triển mẫu hình này, làm sao để nhiều nhiệm vụ của trường chuyên cũng được thực hiện ở các nhà trường thuộc mọi loại hình. Dù không phải trường chuyên nhưng phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu của học sinh là nhiệm vụ của tất cả các nhà trường, mọi cấp học. Những năm qua nhiều em đoạt giải học sinh giỏi quốc gia nhưng chưa hề học ở trường chuyên là một minh chứng cho vấn đề này. Mục tiêu của chúng ta là làm sao để ngày càng có nhiều học sinh có cơ hội được học trong những môi trường giáo dục tốt nhất, chuẩn nhất. Đó cũng là mục tiêu của nền giáo dục nước nhà.

*Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.

Nguyễn Hoàng (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ