Trường chuẩn quốc gia nhưng nhà vệ sinh không đạt chuẩn

GD&TĐ - Một ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia, nhưng chỉ có 4 phòng vệ sinh, không đáp ứng được nhu cầu cho hơn 300 học sinh, đang trở nên rất bức thiết.

Trường Tiểu học Trung Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa) được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 vào tháng 11/2020. Ảnh: Thế Lượng.
Trường Tiểu học Trung Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa) được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 vào tháng 11/2020. Ảnh: Thế Lượng.

Đó là Trường Tiểu học Trung Sơn, xã Trung Sơn, huyện vùng cao, biên giới Quan Hóa (Thanh Hóa). Mặc dù, ngôi trường này đã được công nhận trường chuẩn Quốc gia mức độ 1 vào năm 2020, nhưng hiện tại công trình phòng vệ sinh của ngôi trường này đang trở thành vấn đề bất cập cho học sinh mỗi ngày đến lớp.

Trường Tiểu học Trung Sơn được nhà nước đầu tư, xây dựng khang trang. Ảnh: Thế Lượng.

Trường Tiểu học Trung Sơn được nhà nước đầu tư, xây dựng khang trang. Ảnh: Thế Lượng.

Thầy Hắc Xuân Phúc – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cuối tháng 8/2018, mưa lũ đã khiến Trường Tiểu học Trung Sơn, gồm: 2 dãy nhà 2 tầng 11 phòng học đã bị đổ sập hoàn toàn. Do đó, sau mưa lũ, huyện Quan Hoá đã tiến hành chọn địa điểm và khẩn trương bắt tay vào xây dựng trường mới.

Ngày 18/11/2020, Trường Tiểu học Trung Sơn, đã đón bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, đơn vị đạt chuẩn văn hóa cấp cấp huyện.

Theo quan sát của phóng viên, công trình Trường Tiểu học Trung Sơn (mới) được đầu tư xây dựng rất khang trang, hiện đại có khuôn viên rộng rãi, quy mô 1 khu nhà hiệu bộ, 2 dãy nhà 2 tầng (16 phòng học), có nhà công vụ, nhà ăn cho giáo viên... với tổng vốn đầu tư xây dựng khoảng 25 tỷ đồng.

Khu nhà lớp học 2 tầng của Trường Tiểu học Trung Sơn. Ảnh: Thế Lượng.

Khu nhà lớp học 2 tầng của Trường Tiểu học Trung Sơn. Ảnh: Thế Lượng.

Thế nhưng, không hiểu lý do gì khi người ta khảo sát, tư vấn, thiết kế công trình này mà đưa 4 phòng vệ sinh nằm sát với lớp học các lớp học ở đầu hồi. Vì thế, khi đưa vào sử dụng, mỗi ngày có hàng trăm lượt học sinh vào sử dụng, đã gây nên tình trạng quá tải, bất cập cho nhà trường.

Theo thầy Hắc Xuân Phúc, dãy nhà 2 tầng có 16 phòng, nhưng chỉ có 4 phòng vệ sinh để phục vụ nhu cầu cho 324 học sinh, nên dẫn đến quá tải và rất bất cập. Hơn nữa, thiết kế nhà vệ sinh lại nằm sát với lớp học, nên rất ảnh hưởng đến các em mỗi khi vào lớp.

Nhà vệ sinh được bố trí sát với phòng học. Ảnh: Thế Lượng.

Nhà vệ sinh được bố trí sát với phòng học. Ảnh: Thế Lượng.

“Nhà trường phải thuê người làm vệ sinh hàng ngày, vì số lượng học sinh đông, mà mỗi tầng 8 lớp học. Bên cạnh đó, học sinh lớp 1, lớp 2 chưa đủ ý thức để giữ gìn vệ sinh công cộng. Vì vậy, nhà trường rất mong muốn các cấp có thẩm quyền quan tâm, hỗ trợ xây dựng thêm khu nhà vệ sinh mới, tách biệt với khu phòng học, để học sinh không phải chịu cảnh vừa ngồi học vừa ngửi mùi xú uế”, thầy Phúc nói.

Cũng theo thầy Phúc, hiện nay quỹ đất trong khuôn viên nhà trường có thể bố trí được khoảng 100m2 đủ để dành xây dựng một khu nhà vệ sinh tách riêng với các phòng học.

Do đó, nếu được đầu tư kinh phí để xây dựng nhà vệ sinh, thì dự kiến khoảng chừng 100 triệu đồng, vì công trình nhỏ, nhà trường có thể tự sắp xếp thuê người làm công. Còn nếu phải đấu thầu theo quy định của Nhà nước, thì còn tùy thuộc vào các thủ tục thiết kế xây dựng như thế nào... và chắc chắn số tiền sẽ cao hơn.

Việc bố trí 4 phòng vệ sinh sát với lớp học đã ảnh hưởng đến học sinh và giáo viên mỗi ngày đến trường. Ảnh: Thế Lượng

Việc bố trí 4 phòng vệ sinh sát với lớp học đã ảnh hưởng đến học sinh và giáo viên mỗi ngày đến trường. Ảnh: Thế Lượng

“Do không có kinh phí, nên với số tiền khoảng 100 triệu đồng để xây dựng khu nhà vệ sinh cho học sinh là ngoài khả năng của nhà trường. Dù biết rằng, 4 phòng vệ sinh để phục vụ cho hơn 300 em hàng ngày là rất quá tải. Vì thế, nhà trường rất tha thiết mong được cấp trên quan tâm đầu tư kinh phí để có thể xây dựng mới một nhà vệ sinh cho học sinh tách biệt với dãy phòng học càng sớm càng tốt”, thầy Phúc đề nghị.

Ông Ngô Sĩ Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn cho biết, tình trạng nhà vệ sinh ở Trường Tiểu học Trung Sơn bị quá tải là đúng sự thật. Hàng ngày, hơn 300 học sinh sử dụng 4 phòng vệ sinh như vậy là quá tải. Vì thế, nhiều cháu phải đi xuống bờ suối, ngoài bìa sườn đồi để giải quyết nhu cầu cá nhân.

Bên cạnh đó, khi thiết kế xây dựng, người ta không tách riêng ra khỏi khu phòng học, mà lại để chung sát với lớp học, khiến ảnh hưởng đến học sinh và giáo viên.

Một số học sinh ăn cơm trưa tại lớp để buổi chiều tiếp tục học. Ảnh: Thế Lượng.

Một số học sinh ăn cơm trưa tại lớp để buổi chiều tiếp tục học. Ảnh: Thế Lượng.

Cũng theo ông Tâm, do kinh phí của địa phương rất khó khăn, nên không thể bố trí cho nhà trường để xây dựng một khu vệ sinh riêng, tách biệt với dãy nhà lớp học.

"Địa phương cũng đã khảo sát và cho thấy hiện tại vẫn có thể bố trí quỹ đất của nhà trường để dành xây dựng một khu nhà vệ sinh riêng biệt cho các cháu. Tuy nhiên, vấn đề cốt yếu nhất đó là kinh phí, thì địa phương không thể chủ động được, mặc dù chỉ khoảng trên một trăm triệu đồng thôi", ông Tâm chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ