Trường CĐ-ĐH địa phương: Cuộc đua 'hồi sinh'

GD&TĐ - Trong những năm gần đây, nhiều trường đại học ở các thành phố lớn có xu hướng hợp tác với địa phương để tái cấu trúc.

Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TPHCM tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: NLU
Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TPHCM tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: NLU

Việc tái cấu trúc giúp các trường cao đẳng - vốn gặp khó khăn trong tài chính, tuyển sinh, hoạt động kém hiệu quả… trở thành phân hiệu đại học.

Trường cao đẳng thành phân hiệu

Cách đây 1 năm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký Quyết định số 1234/QĐ-BGDĐT phê duyệt chủ trương thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Đầu tháng 3/2024, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về thẩm định hồ sơ, thực tế đề án.

Theo đề án của Trường Đại học Sư phạm TPHCM, mục tiêu thành lập Phân hiệu tại tỉnh Gia Lai nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh và các tỉnh lân cận; sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất hiện có của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai…

Tại buổi làm việc, các thành viên Hội đồng thẩm định đã trao đổi ý kiến nhằm làm rõ một số nội dung trong đề án liên quan đến tổ chức biên chế, đội ngũ giảng viên, ngành đào tạo, tính khả thi việc tuyển sinh, vận hành phân hiệu, cơ sở vật chất... Dự kiến, phân hiệu có 2 khu, đào tạo các ngành: Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Sư phạm Khoa học tự nhiên, Công nghệ thông tin, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Toán học, Tâm lý học, Công tác xã hội.

Trước đó, UBND tỉnh Long An cũng chấp thuận thành lập phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại tỉnh này trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Long An. Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại Long An sẽ đào tạo từ 500 - 600 sinh viên và tăng theo lộ trình qua từng năm; tuyển sinh trình độ đại học, bồi dưỡng thường xuyên theo nhu cầu và đào tạo giáo dục mầm non, phổ thông....

Trong một lần trả lời về quy hoạch mạng lưới hệ thống trường sư phạm, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, nhà trường đang từng bước hoàn thiện quy trình với sự đồng hành, hỗ trợ của các bên liên quan, hy vọng không xa sẽ có vài phân hiệu ở các tỉnh. Chủ trương thành lập phân hiệu của trường để hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Mới đây, Tây Ninh có thông báo kêu gọi đầu tư xã hội hóa giáo dục, trong đó có việc sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh vào một trường đại học đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm để thành lập phân hiệu đại học tại tỉnh này. Nhiều năm gần đây, hoạt động của Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh mang tính cầm chừng. Do đó, trở thành một phân hiệu trường đại học sẽ là cơ hội để mở rộng quy mô đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xu hướng sáp nhập trường cao đẳng ở địa phương, phát triển thành phân hiệu diễn ra gần đây. Điển hình là Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận (thành lập năm 2000) được sáp nhập vào Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TPHCM (thành lập năm 2010) hồi tháng 3/2021. Sau khi sáp nhập, phân hiệu tiếp tục đào tạo trình độ đại học, sau đại học các ngành đang thế mạnh như Quản lý kinh tế, Thú y, Nông học, Thủy sản, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Công nghệ kỹ thuật năng lượng tái tạo, Quản lý đất đai (chuyên ngành Địa chính và Quản lý Đô thị)...

Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, tương lai sẽ trở thành Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: Báo Gia Lai

Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, tương lai sẽ trở thành Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: Báo Gia Lai

Cần chiến lược ngắn và dài hạn

Theo dự thảo báo cáo tóm tắt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (công bố tháng 10/2023), cả nước hiện có 30 phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học, trong đó gồm 20 phân hiệu được hình thành mới, 4 phân hiệu hình thành trên cơ sở trường cao đẳng sư phạm, 9 phân hiệu trên cơ sở trường đại học. Quy mô các phân hiệu được đánh giá thấp, nhưng phần nào góp phần nâng cao độ bao phủ giáo dục đại học tại một số địa phương, đặc biệt ở các địa bàn khó khăn.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc duy trì, phát triển phân hiệu của nhiều trường đại học cũng gặp trở ngại. Việc tuyển sinh, thu hút người học là một trong những bài toán khó của các phân hiệu. Thực tế cho thấy, điểm chuẩn đầu vào phân hiệu các trường đại học luôn thấp hơn so với cơ sở chính.

Báo cáo với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi làm việc của Bộ trưởng với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt Trường Đại học Nông Lâm TPHCM (cuối tháng 2/2024), TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hoạt động của phân hiệu trường tại Gia Lai rất khó khăn. Trên một địa bàn là TP Pleiku (Gia Lai), có 6 cơ sở cùng tuyển sinh, đào tạo những ngành nghề khá giống nhau”.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) có góc nhìn rộng hơn. Theo ông, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học được quy định rõ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (năm 2018). Do đó, việc thành lập phân hiệu của trường đại học từ các trường cao đẳng địa phương đã có hành lang pháp lý.

Nhưng vấn đề cần đặt ra trong việc này là giai đoạn “hậu sáp nhập” - các phân hiệu tồn tại và phát triển ra sao? Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, sau khi phát triển trường cao đẳng thành phân hiệu, các trường đại học phải có chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn.

“Không phải tất cả thầy cô ở trường cũ đều có trình độ, khả năng giảng dạy đại học. Như vậy sau khi sáp nhập, chưa chắc đã làm tăng sức mạnh của trường đại học mà có khi loãng nguồn lực”, ông Hoàng Ngọc Vinh nêu một ví dụ về khía cạnh sử dụng nhân sự. Ví dụ khác, nhiều trường đại học hiện tổ chức dạy “cuốn chiếu” tại các phân hiệu bởi không có nhân sự tại chỗ, phải điều động từ cơ sở chính về địa phương. Việc này về lâu dài sẽ khó đảm bảo chất lượng đào tạo.

Do đó, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, thay vì sáp nhập để thành lập phân hiệu, trường đại học có thể nghĩ đến việc hợp tác, giúp đỡ để trường cao đẳng ở địa phương lớn mạnh. Ngoài ra, cần có cơ chế đột phá để tạo điều kiện cho các trường cao đẳng ở địa phương tận dụng, khai thác được nguồn lực. Chẳng hạn có thể thành lập trường phổ thông. Điều này phù hợp với chính sách giáo dục mở và xã hội hóa giáo dục, đó là huy động mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ giáo dục cho người dân.

Nhiều trường cao đẳng sư phạm thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sáp nhập vào các trường đại học. Tháng 5/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 497/QĐ-TTg sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây vào Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trực thuộc UBND TP Hà Nội. Trường Đại học Tây Nguyên đang hoàn thiện đề án sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2024.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Bản cam kết ở Làng Nủ

GD&TĐ - Thầy Nguyễn Xuân Khang được biết đến là người thầy đầu tiên đã nhận nuôi toàn bộ số cháu nhỏ còn sống sót sau trận lũ quét ở Làng Nủ hôm 10/9/2024.