Trường cao đẳng chật vật tuyển sinh giữa mùa dịch

GD&TĐ - Dù dự báo trước khó khăn sẽ phải đối mặt trong mùa tuyển sinh năm nay nhưng không ít trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (CĐ-TCCN) vẫn không thể nghĩ việc tuyển sinh lại chật vật đến vậy.

Sinh viên hệ 9+ CĐ Trường CĐ Quốc tế TPHCM trong giờ học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ.
Sinh viên hệ 9+ CĐ Trường CĐ Quốc tế TPHCM trong giờ học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ.

Với trường CĐ công lập nguồn tuyển cơ bản vẫn ổn, nhưng với hệ thống trường CĐ tư thục hầu hết chỉ đạt 50% chỉ tiêu.

CĐ tư thục lắc đầu ngao ngán

Tới thời điểm này nhiều trường CĐ-TCCN tại TPHCM đã thông báo tuyển sinh và khai giảng đến đợt thứ 5 - 6. Tuy nhiên, số lượng sinh viên đăng ký và xác nhận nhập học rất thấp. Nhiều trường thậm chí tuyển sinh từ tháng 7 cho đến nay nhưng số sinh viên tuyển được chỉ mới hơn 300 em.

Nhìn nhận về tình hình tuyển sinh năm nay, TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho biết khó khăn trên chưa từng gặp phải. Theo TS Lê Lâm, giãn cách xã hội dài ngày (suốt 3 - 4 tháng) khiến công tác tuyển sinh của nhà trường gặp muôn vàn khó khăn. Bên cạnh đó việc các trường đại học năm này dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ THPT khiến nguồn tuyển cho các trường CĐ gần như cạn kiệt.

“Trường mới tuyển sinh được khoảng 40% so với tổng chỉ tiêu nhưng số xác nhận nhập học mới đạt 500 em. Tính chung cả hệ thống hiện tuyển được hơn 1.000 em, riêng hệ TCCN rất khó khăn. Trường vẫn tiếp tục tuyển sinh tất cả ngành đào tạo nhưng với tình hình hiện nay e rằng không còn nguồn tuyển”, TS Lê Lâm nói.

Tương tự, TS Trần Mạnh Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Nova College (Cao đẳng Bách Việt cũ) nhìn nhận công tác tuyển sinh năm nay gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như những bất tiện trong tiếp cận thông tin của học sinh với nhà trường. TS Thành cho hay: Trường mới tuyển được 1/3 chỉ tiêu được giao (1.500 chỉ tiêu) nên vẫn tiếp tục tuyển sinh nhiều đợt trong thời gian tới.

Trường CĐ Quốc tế TPHCM (ICH) mọi năm tuyển sinh rất tốt, tuy nhiên năm nay cũng đối mặt nhiều khó khăn và thách thức. Theo ThS Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng nhà trường, trường mới tuyển đạt khoảng 50% tổng chỉ tiêu được giao, riêng hệ 9+ CĐ trường tuyển đạt 80%... và tiếp tục xét tuyển cho toàn bộ ngành đào tạo của nhà trường.

Trái ngược với sự khó khăn của các trường CĐ tự thục, các trường CĐ khối công lập như CĐ Cao Thắng, CĐ Công thương TPHCM, CĐ Kinh tế đối ngoại tuyển sinh tương đối ổn khi gần đạt chỉ tiêu được giao từ giữa tháng 9 (80 - 90% chỉ tiêu). Chỉ một số ít trường phải tuyển bổ sung thêm chỉ tiêu như CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Giao thông Vận tải TPHCM, CĐ Kỹ nghệ II, CĐ Lý Tự Trọng, CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM…

Đơn cử như Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức vừa có thông báo ngưng tiếp nhận đăng ký tuyển sinh, đăng ký nhập học 4 ngành gồm: Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa, Kinh doanh thương mại và Logistics. Tuy nhiên, trường vẫn tiếp tục tuyển sinh các ngành còn lại ở trình độ CĐ và TCCN đến 16 giờ 30 phút ngày 9/10/2021. Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM cũng tiếp tục tuyển vì mới tuyển đạt 40%.

Khó khăn trong tuyển sinh của hệ CĐ-TCCN còn được thể hiện rõ qua con số của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ,TB&XH công bố giữa tháng 8/2021. Theo đó, tính đến 15/8 theo tổng hợp trên phần mềm quản lý số liệu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các trường tuyển được hơn 75.000 người, đạt khoảng 13% kế hoạch năm 2021.

Sinh viên ngành Kỹ thuật chế biến món ăn, Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn trong giờ thực hành.
Sinh viên ngành Kỹ thuật chế biến món ăn, Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn trong giờ thực hành.

Do dịch Covid-19?

Theo ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ,TB&XH, con số trên cho thấy rõ tác động của dịch Covid-19 đến các trường rất lớn.

Dù các trường đã nhanh chóng thích ứng với bối cảnh chung như sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác công cụ truyền thông và mạng xã hội vào công tác tuyên truyền, tư vấn và làm công tác tuyển sinh như thiết lập chuyên trang về tuyển sinh của trường trên trang mạng xã hội (Facebook, Viber, Zalo...) hoặc trên các website của trường để thực hiện công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh online…

“Không ít trường còn thiết lập công cụ Live chat trên website của trường hoặc hệ thống hotline để hỗ trợ người học trong công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh. Tuy vậy, kết quả tuyển sinh vẫn rất khó khăn”, ông Hùng chia sẻ.

Phân tích sâu ở khía cạnh nguồn tuyển, TS Lê Lâm cho rằng: Dịch Covid-19 kéo dài khiến các trường ĐH mở rộng nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó không ít trường tăng chỉ tiêu bằng phương thức xét học bạ THPT tới 50 - 60% đã gián tiếp hút một lượng lớn học sinh vào học. Mặt khác, trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, giãn cách xã hội kéo dài, nhiều học sinh chuyển hướng học nghề ngắn hạn ngay tại địa phương để thích ứng tình hình mới.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Đức Khiêm - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM nhìn nhận: Khó khăn năm nay phần lớn do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, kinh tế nhiều gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn, điểm chuẩn xét tuyển lớp 10 của học sinh phải đến 20/8 mới có…

Theo ThS Nguyễn Đăng Lý, ngoài việc nguồn tuyển bị hút mạnh qua các trường đại học bằng phương thức xét học bạ THPT, tâm lý muốn cho con theo học đại học vẫn còn rất nặng nề nơi phụ huynh. Nhiều gia đình chấp nhận cho con học đại học trước đã, việc làm sau tốt nghiệp thì tính sau.

Dưới góc nhìn nhu cầu nguồn nhân lực, ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch Hội GDNN TPHCM cho rằng: Tuyển sinh CĐ-TCCN giảm mạnh dẫn đến thiếu hụt  nhân lực trình độ tay nghề cao, nhân lực kỹ thuật chất lượng. “Thực tế, thiếu hụt nhân lực công nhân lành nghề, công nhân kỹ thuật chất lượng cao đang là bài toán khiến nhiều địa phương, doanh nghiệp đau đầu. Theo thống kê, trong giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2035, nhu cầu nhân lực qua đào tạo ở các tỉnh, TP khu vực phía Nam và TPHCM chiếm bình quân trên 90%. Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp chiếm tỉ trọng bình quân trên 75%, bao gồm CĐ 20%, trung cấp 30% và sơ cấp 25%. Những bất cập trong việc tuyển sinh, đào tạo sẽ khiến chúng ta phải đối mặt với bài toán nhân lực ở tương lai”, ông Tuấn nhấn mạnh.

“Sinh viên theo học tại trường ngoài được giảm 40% học phí học kỳ I (hệ đại trà), với học sinh hệ 9+ cao đẳng, trường giảm 50% học phí văn hóa học kỳ I và miễn học phí chương trình học Anh văn với người nước ngoài ngoài, chưa kể các chính sách học bổng và cam kết đầu ra việc làm với sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, học sinh vẫn khá thờ ơ với chuyện học nghề”, ThS Lý chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...