Đại học tăng cường xét tuyển riêng: Trường cao đẳng, trung cấp còn nguồn tuyển?

GD&TĐ - Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều thí sinh thay vì đợi xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp đã “rẽ hướng” đăng ký xét tuyển riêng vào trường ĐH.

Thí sinh nộp hồ sơ xét học bạ vào một trường ĐH.
Thí sinh nộp hồ sơ xét học bạ vào một trường ĐH.

Điều này khiến các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) đứng ngồi không yên bởi thí sinh rộng cửa vào ĐH đồng nghĩa nguồn tuyển vào hệ CĐ, TCCN hẹp dần.

Rộng cửa vào ĐH

Do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, nên kế hoạch tuyển sinh và xét tuyển của các trường ĐH gần như thay đổi hoàn toàn. Thay vì ngồi chờ công tác xét tuyển với phần lớn chỉ tiêu sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT như mọi năm, nhiều trường điều chỉnh chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển thẳng, xét tuyển riêng và xét tuyển theo phương thức học bạ.

Nhiều trường ĐH tại TPHCM đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo hình thức xét học bạ THPT (đợt 1 và 2), cũng như các phương thức xét tuyển riêng. Số học sinh thuộc diện trúng tuyển được nhận định là tương đối cao.

Đơn cử, Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) vừa công bố kết quả trúng tuyển 4 phương thức xét tuyển riêng vào trường với tỉ lệ xét dự kiến ở mức 60 - 70% tổng chỉ tiêu. Tương tự, Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) và ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) cũng công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét học bạ THPT và xét điểm thi Kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐHQG TPHCM.

Chỉ tiêu dành cho 2 phương thức này là 50 - 60% tổng chỉ tiêu/mỗi trường. Với số hồ sơ và nguyện vọng đã nhận từ thí sinh để xét tuyển cho các phương thức trên đến thời điểm này (7.000 thí sinh cho hơn 15.000 nguyện vọng) có thể dự báo tổng chỉ tiêu nguồn tuyển cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của 2 đơn vị trên không còn quá nhiều.

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) vừa công bố điểm trúng tuyển của 2 phương thức xét tuyển xét học bạ THPT và xét điểm thi Kỳ thi ĐGNL với khoảng 1.600/3.500 chỉ tiêu vào trường năm nay. Với số hồ sơ xét tuyển theo 2 phương thức trên đã nộp về (khoảng 9.000), nhà trường gần như đã tuyển đủ thí sinh ở 2 phương thức này. Năm nay, HUFI chỉ dành khoảng 50% chỉ tiêu xét cho phương thức thi tốt nghiệp THPT.

Trường ĐH Ngân hàng TPHCM đang hoàn tất việc xét tuyển với 3 phương thức riêng: Ưu tiên xét tuyển, xét học bạ THPT và điểm thi ĐGNL của ĐHQG TPHCM.

Theo ThS Nguyễn Anh Vũ - Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu nhà trường, thí sinh dành sự quan tâm khá lớn cho phương thức tuyển sinh riêng. Trong đó, phương thức ưu tiên xét tuyển và xét học bạ THPT trường chỉ tuyển 435 chỉ tiêu nhưng có hơn 3.500 thí sinh đăng ký với gần 5.000 nguyện vọng. Phương thức xét điểm thi ĐGNL do ĐHQG TPHCM tổ chức cũng nhận được trên 3.200 nguyện vọng, trong khi chỉ tiêu tuyển 350.

Dù nỗ lực nâng cao chất lượng, cam kết đầu ra nhưng Trường CĐ Đại Việt cho biết việc tuyển sinh vẫn gặp nhiều khó khăn.
Dù nỗ lực nâng cao chất lượng, cam kết đầu ra nhưng Trường CĐ Đại Việt cho biết việc tuyển sinh vẫn gặp nhiều khó khăn.

Chưa “vào mùa” đã vơi nguồn tuyển

Theo ghi nhận, nguồn tuyển cho phương thức điểm thi THPT của nhiều trường không còn nhiều. Đơn cử, UEH còn khoảng 10 - 20% chỉ tiêu các ngành đào tạo tại cơ sở TPHCM (tổng chỉ tiêu tại TPHCM là 5.850). Các trường như HUTECH, UEF, HUFI số chỉ tiêu cho nguồn tuyển ở phương thức thi tốt nghiệp THPT dự kiến cũng ở mức 40 - 50%.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa diễn ra nhưng nguồn tuyển bắt đầu vơi và thu hẹp khiến không ít trường CĐ, TCCN âu lo, dẫu biết tổng nguồn tuyển sinh năm nay sau khi trừ đi nguồn tuyển của các trường ĐH vẫn còn xấp xỉ 400.000.

TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn nhìn nhận: Việc tuyển sinh của hệ CĐ và TCCN khó khăn so với những năm trước. Dù chưa phải thời điểm chính để công tác tuyển sinh năm 2021 “vào mùa” nhưng số lượng hồ sơ thí sinh nộp xét tuyển vào trường giảm 30 - 40% so với cùng thời điểm năm ngoái.

“Có thể do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thí sinh chưa vội nộp hồ sơ xét tuyển. Tuy nhiên, trước thực tế hàng loạt trường ĐH mở rộng tối đa các phương thức tuyển sinh, trong đó có việc xét tuyển bằng hình thức học bạ THPT khiến các trường CĐ đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn. Bởi tâm lý chuộng học ĐH vẫn khá phổ biến nơi học sinh và phụ huynh, dù thực tế các em rẽ hướng học nghề, cơ hội việc làm sau ra trường gần như là tuyệt đối, bởi trường có chính sách cam kết đầu ra.

Năm 2020 là một năm tuyển sinh tốt nhất của hệ thống các trường CĐ, TCCN, nhưng tỉ lệ trường tuyển đủ chỉ tiêu cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi chỉ tiêu nguồn tuyển hàng năm dành cho các trường luôn dư. Vậy nguồn tuyển đi đâu”, TS Lê Lâm đặt câu hỏi.

Có chung băn khoăn trên, TS Nguyễn Quang Tiệp - Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt cho biết: 2 năm nay nhà trường đối mặt với thách thức rất lớn trong bài toán tuyển sinh, vì không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

“Chúng tôi đầu tư rất lớn tiền bạc và công sức cho việc làm mới công tác tuyển sinh cũng như đa dạng hóa ngành nghề đào tạo trên nền tảng hệ thống cơ sở vật chất hiện đại. Nhưng công tác tuyển sinh vẫn rất khó khăn. Nguồn tuyển về mặt thống kê vẫn rất lớn, nhưng không tuyển ra. Nhiều trường khác trong hệ thống GDCN của TPHCM cũng đối mặt tình trạng tương tự.

Từ phân tích của nhà trường, tôi cho rằng, việc các trường tuyển sinh khó khăn một phần là do hệ thống các trường ĐH, CĐ đã và đang “mở cửa” cơ hội gần như tuyệt đối cho học sinh. Bên cạnh đó, tâm lý chung học sinh vẫn thích học ĐH hơn học nghề”, TS Tiệp nhận định.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2020 - 2021, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, thí sinh tự do là 41.944 (chiếm 4,13%); thí sinh chỉ xét tốt nghiệp THPT là 222.356 (chiếm 21,91%). Thí sinh chỉ xét tuyển sinh là 33.779 (chiếm 3,33%). Thí sinh xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh: 758.837 (chiếm 74,76%). Tổng số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ hơn 3,8 triệu nguyện vọng.

Theo nhận định của chuyên gia tuyển sinh trường CĐ, nguồn tuyển thực tế dành cho hệ thống trường CĐ, TCCN còn khoảng 60 - 70% tổng số chỉ tiêu thống kê. Bởi trong thực tế không ít trường ĐH vì cách này, cách khác tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao. Với thực tế mùa tuyển sinh năm nay, khi mà Kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa diễn ra nhưng không ít trường ĐH đã tuyển gần hơn 60 - 70% chỉ tiêu, các trường CĐ, TCCN âu lo việc thiếu hụt nguồn tuyển là điều có thể lý giải.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ