Trước hết phải là người tử tế

GD&TĐ - Thực tế, một số không ít trong giới trẻ đang thiếu hụt cái gọi là lòng vị tha hay sự cảm thông, thường có khuynh hướng bạo lực trong ứng xử.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việc tạo môi trường giáo dục lành mạnh, dạy cho con trẻ biết yêu thương chia sẻ, sống có lòng trắc ẩn là một trong những yếu tố tiên quyết trong việc định hướng giáo dục nhân cách cho học sinh trở thành những con người tử tế; để con trẻ giữ gìn và phát huy được “tính bản thiện” của mình.

Từ gia đình…

Thực tế, một số không ít trong giới trẻ đang thiếu hụt cái gọi là lòng vị tha hay sự cảm thông, thường có khuynh hướng bạo lực trong ứng xử. Một số em sống rất ích kỷ, không biết chia sẻ trước những nỗi đau của chính người thân, từ vô cảm với gia đình, các em vô cảm với bạn bè và xã hội.

Nhiều người, khi đi đường gặp những người thiếu may mắn cũng bày tỏ thái độ coi thường, thiếu sự trắc ẩn. Rồi lâu lâu chúng ta lại thấy dậy sóng vì những câu chuyện về cách hành xử vô cảm, mất nhân tính của một số người trẻ. Mà vô cảm là căn bệnh đáng sợ nhất trong cách làm người. Khi tâm hồn vô cảm người ta có thể làm bất cứ điều gì phi nhân tính. Kẻ vô cảm sẽ sẵn sàng lạnh lùng chà đạp lên mọi giá trị đạo đức để thỏa mãn tính ích kỷ, vụ lợi của mình.

Trong bối cảnh như vậy thì việc giáo dục các em sự nhân ái, vị tha không thể coi là chuyện nhỏ. Bởi không có lòng nhân ái, không biết nghĩ đến người khác thì sẽ khó có thể nảy sinh được những điều tốt đẹp trong mỗi con người. Nhưng cũng như mọi đức tính khác, lòng vị tha, sự trắc ẩn không thể tự nảy sinh trong một sớm, một chiều mà có được, mà phải qua sự giáo dục, rèn luyện từ trong lời ăn, tiếng nói cho đến những hành động với thái độ quan tâm, cảm thông, chia sẻ thực sự thì mới có thể hình thành cho các em được những “cái nhân” tốt cho sự tử tế với lối sống bao dung, nhân ái.

Môi trường giáo dục đầu tiên hình thành và nuôi dưỡng nhân cách cho trẻ thì đầu tiên phải kể đến là gia đình. Cha mẹ là tấm gương phản chiếu của con cái. Tâm cha mẹ tốt thì con cái sẽ tốt, mọi hành xử của cha mẹ sẽ thấm vào trong nhân cách của con ngày ngày. Sự tử tế được trao truyền từ chính những hành vi biết quan tâm, cảm thông và chia sẻ của bố mẹ đối với những người xung quanh. Đó là cái nôi sinh dưỡng đầu tiên của việc hình thành nhân cách một con người.

Một người trẻ không thể có lòng trắc ẩn nếu ngay từ nhỏ đã học được ở người lớn bài học “thua đủ” với người khác, đã vô tình “nhận” được ở chính bố mẹ mình lòng ích kỷ, thù hận khi họ nói xấu người khác trước mặt con. Bởi vậy, ngay từ những năm đầu đời, trước khi trẻ trở thành con người của cộng đồng, trong mỗi gia đình, có lẽ ngoài tình yêu thương, trẻ cần được dạy dỗ cách ứng xử phù hợp với từng tình huống cụ thể. Ví như khi bạn tranh giành, nếu có thể thì con nhường hẳn, nếu thấy không thỏa đáng con nên thuyết phục, khi gặp một người kém may mắn hơn mình cần giúp đỡ...

Cùng với đó, thường xuyên yêu cầu và tạo điều kiện cho con giúp đỡ những người xung quanh. Nhiều người thường xuyên cho con tham gia vào các hoạt động từ thiện, khuyến khích trẻ biết chia sẻ một phần tiền mừng tuổi, gom góp sách vở, quần áo, đồ chơi… để mang đến cho các bạn kém may mắn hơn mình. Đó là một cách rất tốt để trẻ thấy rằng mình đang hạnh phúc, trẻ biết đồng cảm với những hoàn cảnh khác nhau, biết nhường nhịn, sẻ chia và quan trọng hơn là hình thành nên lòng trắc ẩn.

Thiết nghĩ, bố mẹ đừng bắt ép con phải học quá nhiều từ khi còn nhỏ, mà nên chú trọng việc nuôi dưỡng tâm hồn cho con, vì theo nghiên cứu của Albert Einstein: “Chỉ cần con trẻ có một tâm hồn trong sáng, thánh thiện, thì lúc ấy não bộ sẽ phát triển và trí tuệ cũng được khai sáng”. Gia đình là tế bào của xã hội và là nền tảng của giáo dục, đạo đức, nên cần phải coi trọng việc giáo dục trong gia đình thì mới giúp được cho con trẻ phát triển theo những điều tốt đẹp và lương thiện.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Đến trường học

Bên cạnh môi trường giáo dục đầu tiên là gia đình, mà cha mẹ là những tấm gương để con cái bắt chước, noi theo thì môi trường quan trọng thứ hai là trường học. Trường học là một xã hội thu nhỏ đối với lứa tuổi học đường. Bởi vì mọi mối quan hệ giao tiếp và sự hình thành các kỹ năng ứng xử cũng chịu sự tác động rất lớn từ đây. Trong 18 năm đầu đời này, “Giáo dục phổ thông” có vai trò vô cùng quan trọng, các bậc cha mẹ và thầy cô phải là tấm gương sáng để học trò soi vào đó mà “sửa mình”, hoàn thiện nhân cách với hai chữ “tử tế” đặt lên hàng đầu.

Giúp trẻ em làm các công việc thiện nguyện là cách tốt nhất để giáo dục lòng yêu thương và sự tử tế. Tham gia vào các hoạt động thiện nguyện góp phần giúp các em trân trọng hơn những gì các em đang có và nhận ra còn rất nhiều bạn bè không may mắn như mình. Cứ như vậy, “mưa dầm thấm lâu”, từng ngày, từng ngày một sẽ thấm vào tâm hồn các em thành nếp sống tử tế, biết tôn trọng và biết quan tâm giúp đỡ người khác.

Muốn làm thiện nguyện đúng cách, thì phải đi từ giáo dục nhận thức đến thực hiện hành động. Phải làm sao cho học sinh hình thành cho mình một cái tâm “thiện”, biết trắc ẩn, biết cảm thông, quan tâm, chia sẻ thì khi đó mới sẵn sàng “nguyện” làm việc tốt, việc thiện.

Giáo dục toàn diện cho trẻ đòi hỏi sự chung tay giữa xã hội, nhà trường và gia đình. Khi nhà trường, gia đình và xã hội bắt tay với nhau sẽ tạo ra một vòng tròn lớn, cố định và đồng nhất, cùng hướng đến mục đích chung sự phát triển tốt nhất cho trẻ.

Hơn bao giờ, chúng ta cần cứu lấy sự tử tế trong mỗi người, nuôi dưỡng nó, lan tỏa nó. Và quan trọng nhất là dạy con chúng ta, thế hệ tương lai, thành người tử tế.

Làm được như thế thì chắc chắn chúng ta sẽ không phải lo lắng về đạo đức giới trẻ nữa. Thế hệ trẻ sẽ xứng đáng là rường cột nước nhà trong tương lai. Như triết lý giáo dục của cố GS Văn Như Cương: “Các em có thể trở thành người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc… nhưng trước hết phải là người tử tế”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ