- Quả treo cành bổng, cành mềm
- Mấy anh bạn nhỏ gọi tên trứng gà
- Chị gà ngơ ngác chạy ra
- Trứng đâu lên tận mái nhà của cây
- Chạy về thấy trứng còn đây
- Trứng vàng, trứng ngọc vẫn đầy ổ rơm
- Chị gà rối rít mừng rơn
- Tới cây cùng cục: Cám ơn - dịu dàng
- “Chính tôi đẻ quả trứng nằm
- Còn cây đẻ trứng trên cành đung đưa”
- Chuyện trò như thể phân bua
- Cây tròn bóng nắng gà chưa muốn về.
Lê Hồng Thiện
Lời bình của Nguyễn Ngọc Phú
Thơ viết cho các em thú vị nhất là khi tìm ra tứ thơ ngộ nghĩnh bất ngờ có khi từ những tên gọi đồ vật hay loại quả trên cây. Nhà thơ Lê Hồng Thiện đã phát hiện ra tên quả trứng gà là “trứng treo” trên cây với quả trứng gà đẻ là “trứng nằm”. Cái hay của bài thơ là không khí hiếu động chộn rộn rất hồn nhiên khi ông đã khéo léo tạo ra những lớp lang tình huống nhẹ nhỏm mà lôi cuốn. Thường, những bài thơ có cốt truyện kiểu này hấp dẫn hào hứng tạo cho các em cuốn vào như một trò chơi đuổi bắt thỏa thích.
Bắt đầu là: “Chị gà ngơ ngác chạy ra – Trứng đâu lên tận mái nhà của cây?” Bởi mấy anh bạn nhỏ gọi tên trứng gà khi thấy: “Quả treo cành bổng, cành mềm”. Ở đây tác giả gọi là chị gà chứ không phải là mẹ gà. Chị thì lanh lợi hơn và cũng cho không khí sắc thái, không gian bài thơ tươi tắn. Mẹ gà thường đi với bầy gà con còn chị đang ở giai đoạn đẻ trứng.
Khi chạy về thấy: “Trứng vàng, trứng ngọc vẫn đầy ở rơm” thì chị gà có một hành động cử chỉ rất đáng yêu và thân thiện: “Chị gà rối rít mừng rơn – Tới cây cùng cục: Cám ơn - dịu dàng”. Ở đây ta thấy hàm chứa một ứng xử lịch lãm rất con người vừa nhân hậu và thân ái. Chắc hẳn khi đọc đến đây các em cũng muốn được hòa đồng hóa thân đồng điệu với chị gà. Hai tiếng “cùng cục” là tiếng mổ của mỏ gà cho ta hình dung cái gật đầu lia lịa thân thiện đồng tình của chị gà bên gốc cây của quả trứng gà.
Đó là sự tự tin hào hứng và chia sẻ: “Chính tôi đẻ quả trứng nằm – Còn cây đẻ trứng trên cành đung đưa”. Cái vui hạnh phúc được nhân lên khi đẻ ra những quả trứng cũng như cây kết quả những quả trứng gà cho con người thật đáng yêu biết bao. Một không khí vườn quê quây quần, quấn quýt: “Chuyện trò như thể phân bua – Cây tròn bóng nắng gà chưa muốn về”.
Một sự bịn rịn bạn bè, một sự tin cậy làm thân. Tôi cứ hình dung có một cô, cậu bé nào đó đang đứng nấp để xem cuộc trò chuyện không dứt giữa chị gà với cây trứng gà, từ quả trứng nằm đến quả trứng treo, từ đất lên cây. Và chắc chắn tuổi thơ vẫn ở mãi với ta không chịu về dù đã nắng trưa tròn bóng…