Trung thu-Nhớ quá ngày xưa ơi!

Trung thu-Nhớ quá ngày xưa ơi!

(GD&TĐ) - Sài Gòn vào mùa Trung thu! Trung thu Sài Gòn được báo hiệu bằng những quầy hàng hàng bán bánh mọc la liệt khắp đường phố và những cơn mưa loáng nước. Chiều chiều đi làm về, ngang qua những gian hàng ngập tràn màu sắc, ngắm nhìn những bảng hiệu “Tết Trung thu – Tết của tình thân” chăng đầy trên đường phố, tôi lại thấy lòng mình buồn lan man - cái cảm giác như thể mình đang bị mất đi một điều gì đó quý giá. Mà có lẽ đúng là như thế. Ta đang mất dần Trung thu của những ngày xưa …

Trung thu xưa của tôi, là những chiếc đèn ông sao bằng nan tre gián giấy kiếng màu xanh đỏ, là những chiếc đèn quả bí làm từ giấy báo gấp nếp tỉ mỉ, và cả những chiếc đèn ống bơ chế từ lon sữa đặc cũ.

Cái cảm giác hồi hộp và vui sướng khi tự tay mình thắp lên ngọn nến đầu tiên, ngắm ánh sáng vàng dịu ấm áp toả ra từ chiếc đèn và nâng niu nó trên tay như một báu vật, có lẽ, là giây phút hạnh phúc nhất trong cả mùa Trung thu của đứa trẻ. Rồi cả cái cảm giác mất mát đầu đời khi vì mải xem lân mà để nến cháy cả chiếc đèn, và mắt mũi tèm lem khóc mếu máo trong vòng tay cha dỗ dành: “Thôi, cháy rồi thì thôi, trung thu năm sau cha con mình làm cái khác” … Liệu ta có tìm tại được những giây phút ấy trong chiếc đèn Trung Quốc chạy pin kêu ò í e bây giờ?

Ảnh minh họa/Internet
 Ảnh minh họa/Internet

Trung thu xưa về từ đầu tháng 8, khi tiếng trống tùng dinh dinh đầu tiên không biết từ đâu vang lại, khi các anh lớn trong xóm bắt đầu hò nhau đi đào đất sét về nặn lân. Trung thu về trong những buổi trưa trốn mẹ lẻn ra cánh đồng sau nhà để phụ các anh dán giấy màu cho lân, khi bên nhà hàng xóm vọng sang tiếng khóc ri rỉ của thằng Tí vì “can tội” lấy cái mền của nhà làm đuôi lân.

Trung thu về, khi bác tổ trưởng tổ dân phố vác một cái bao to thiệt là to đứng trước nhà hô dõng dạc: “các cháu ra nhận bánh nào!”. Gói bánh Trung thu ngày ấy ít bánh dẻo, bánh nhân thịt mà chỉ toàn là bánh bột, bánh in gói trong giấy kiếng xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng. Vậy mà đứa nào cũng hớn hở đợi mong, rồi đếm đi đếm lại không biết chán, rồi bày trò đổi bánh cho nhau, rồi ngậm trong miệng phun bột phù phù vào nhau trắng xóa. Bánh trung thu ngày ấy đúng là dành cho trẻ con, chứ không phải dành cho những người lớn muốn thắt chặt “tình thân” như bây giờ.

Và đêm Trung thu của ngày xưa cũng thật là đêm thần thoại. Ngoài đường phố, chẳng bảo ai các ngọn đèn đường tự dưng tắt hết, nhường chỗ cho những ánh đuốc cháy bừng, soi rõ những gương mặt rạng rỡ vây quanh đoàn lân uốn lượn giữa tiếng trống cắc tùng. Ở trong nhà, mấy cha con cũng tắt hết đèn, thắp nến và chơi trò bóng tay trên vách. Kìa là con chim phượng hoàng, là con rắn hai đầu, là con chó sủa gâu gâu, và cả ông trăng trung thu tròn thật tròn qua bóng nến hiện về lung linh trên vách …

Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo

Ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút

Ông trăng xuống chơi ông bụt thì ông bụt cho chùa

Ông trăng xuống chơi nhà vua thì nhà vua cho lính …

Và giữa những tiếng hát đồng dao nghêu ngao ấy, mẹ tôi sẽ lại nấu chè hạt sen. Những bát chè nóng ấm nồng hương sen tháng tám thơm thanh khiết từ tuổi thơ ấy vẫn mãi quyện trong ký ức của tôi đến mức bây giờ, mỗi khi thèm chút gì đó bình yên, tôi lại đi chợ mua hạt sen nấu chè – như một thói quen vô thức. Dẫu biết rằng tất cả những phút giây hạnh phúc ấy giờ chỉ còn là ký ức, là ký ức mà thôi …

Ngang qua những gian hàng bánh trung thu, khi tôi đang mải mê kể lể về “Trung thu xưa”, bạn tôi bất chợt hỏi: “Xã hội ngày càng giàu có hơn, nhưng người ta lại không cảm thấy hạnh phúc hơn. Là sao P nhỉ?” Tôi lặng im không nói. Câu hỏi đó lớn quá, và tôi cũng không biết qua mấy mùa Trung thu nữa liệu mình đã trả lời được chưa …

Nhớ quá, ngày xưa ơi …!

Uyên Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ