Trung thu - Dịp gắn kết tình thân

GD&TĐ - Tết Trung thu luôn được trẻ em từ thành thị tới nông thôn mong đợi. Những năm qua, dịp Trung thu là ngày hội lớn của nhà trường từ mầm non đến tiểu học, phổ thông trung học. 

Trung thu - Dịp gắn kết tình thân

Đây cũng là một dịp sinh hoạt, vui chơi tập thể được nhiều học sinh chờ đón nhất trong suốt năm học, cũng là dịp gắn kết tình cảm gia đình, thầy cô. 

Dấu ấn với Tết Trung thu của trẻ

Ở thành phố, tại nhiều trường học, trẻ em được các bậc phụ huynh chuẩn bị bánh Trung thu và cả trái cây, kẹo bánh để tổ chức đón Trung thu tại lớp, tại trường. Các đội văn nghệ náo nức diễn tập kịch, lời ca tiếng hát và trò chơi dân gian để góp vui dịp Trung thu.

Để Trung thu ý nghĩa hơn, nhiều ban phụ huynh của trường còn tổ chức quyên góp, ủng hộ, tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vào dịp Tết Trung thu, vừa là động viên khích lệ học sinh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, vừa là giáo dục tình cảm yêu thương, biết chia sẻ với bạn bè của học sinh trong toàn trường.

Với các bậc phụ huynh thì việc tổ chức đón Trung thu vui vẻ, ý nghĩa cho các em ở trường học là hoạt động thiết thực góp phần tạo hứng thú học tập cho trẻ, đồng thời giúp các gia đình tổ chức cho trẻ một sân chơi vào dịp Tết Trung thu đúng nghĩa.

Chị Nguyễn Thị Phương (Trần Nhật Duật – Hà Nội) chia sẻ: “Chỉ cần ở trường tổ chức đơn giản và chu đáo là bọn trẻ có một Tết Trung thu thật vui và ý nghĩa. Hầu hết các gia đình bố mẹ đi làm bận, không có thời gian tổ chức Trung thu cho các con, không có thời gian đưa con tham gia ở các trung tâm thương mại, khu vui chơi. Được tham gia phá cỗ Trung thu ở trường, con gái về vui vẻ, hân hoan là mang lại niềm vui cho cha mẹ”.

Cô giáo Nguyễn Ban Mai, giáo viên Trường MN Thành Công A (Hà Nội) cho biết, mỗi dịp Trung thu phụ huynh cùng các cô giáo lại tổ chức Trung thu cho các con. Đơn giản là mỗi trẻ mang đến một món đồ chơi (đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ...) để góp vui cùng với một mâm hoa quả có cả bánh Trung thu, những đứa trẻ hớn hở hát múa theo chương trình cô trò tự biên tự diễn. Đơn giản thế nhưng mang lại dấu ấn sâu đậm trong lòng con trẻ về Tết Trung thu.

Dịp gắn kết tình thân

Mỗi năm cứ tới gần Trung thu, ở các thôn xóm hay tổ dân phố, mỗi gia đình tự nguyện quyên góp, người ít thì 50.000 đồng, người nhiều ủng hộ hàng trăm nghìn. Trung thu ở thôn xóm, tổ dân phố dù đơn giản nhưng mang đậm tình làng nghĩa xóm.

Ông Lê Văn Chính (tổ dân phố 52, Linh Đàm, Hà Nội) cho biết, năm nào dân cư trong cụm cũng tự giác góp kinh phí để tổ chức Trung thu cho trẻ em. Tùy khả năng mỗi gia đình có thể đóng góp nhiều hay ít hoặc kinh tế khó khăn không đóng góp cũng không sao, đến đúng ngày Rằm tháng Tám trẻ em xuống sân chung cư để phá cỗ, xem biểu diễn văn nghệ, múa lân, tham gia các trò chơi.

Trong đêm Trung thu còn có hoạt động trao phần thưởng cho các cháu có thành tích xuất sắc trong học tập để khuyến khích các cháu cố gắng học tập. Đây cũng là dịp để các em nhỏ có dịp vui chơi, giao lưu và hòa đồng cùng bạn bè trang lứa,

Chị Phạm Thanh Hoa, người dân cũng trong tổ dân phố 52 chia sẻ: Ngay từ đầu tháng 8 âm lịch, tổ vận động, quyên góp, người ít một trăm, người có điều kiện hơn thì ủng hộ nhiều hơn, không có điều kiện góp tiền thì góp công sức. Ai cũng nhiệt tình chuẩn bị hoạt động này, tuy vất vả nhưng vui và ý nghĩa. Vui hơn nữa là sự gắn kết của các gia đình thêm gần gũi.

Trung thu là dịp để mọi người được cùng nhau sum họp và duy trì những phong tục đậm đà bản sắc Việt như bày cỗ trông trăng, rước đèn. Ngày nay những giá trị truyền thống của Tết Trung thu đã bị mai một phần nào do sự phát triển nhanh chóng của xã hội hiện đại.

Vì vậy, mỗi chúng ta cần ý thức gìn giữ những nét văn hoá cổ truyền từ bao đời nay của cha ông ta, cần hiểu rõ ý nghĩa đoàn viên của ngày tết này để tránh bị những xu thế hiện đại làm phai nhạt đi giá trị đó. Bởi cho dù xã hội có phát triển và hiện đại tới đâu thì những giá trị truyền thống vẫn cần được bảo tồn và lưu giữ cho những thế hệ sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ