Trung tâm GDTX - GDNN: Vực dậy cách nào?

GD&TĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… là những giải pháp căn cơ để các trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên tồn tại và phát triển bền vững.

Công ty TNHH DIGI TEXX Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với các Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV
Công ty TNHH DIGI TEXX Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với các Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Cà Mau: Không ngừng đổi mới và ứng dụng công nghệ

vuc-day-cach-nao-2.jpg
Ông Nguyễn Quốc Tuấn. Ảnh: Q. Mến

Thời gian qua, hoạt động của hệ thống trung tâm GDNN - GDTX đã và đang đem lại hiệu quả nhất định. Các trung tâm đã duy trì, củng cố và phát triển tốt mô hình học văn hóa kết hợp học nghề nhằm thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THCS…

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của các trung tâm này còn không ít khó khăn, thách thức. So với quy mô, nhu cầu học tập và yêu cầu đổi mới giáo dục, cơ sở vật chất các trung tâm chỉ mới đáp ứng cơ bản việc giảng dạy lý thuyết; các điều kiện khác như thư viện, phòng học bộ môn, thực hành… chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDTX cấp THPT.

Trong giai đoạn hiện nay, để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các trung tâm GDNN - GDTX hoạt động, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ dân trí, tạo cơ hội việc làm cho người lao động… rất cần giải pháp căn cơ.

Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ở trung tâm GDTX là ứng dụng công nghệ thông tin. Qua khảo sát có đến 98% cán bộ, giáo viên cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học là cần thiết và cấp thiết.

Gần 85% cán bộ, giáo viên có kiến thức về công nghệ thông tin và khả năng cập nhật kiến thức về lĩnh vực này. Theo tự đánh giá của giáo viên, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học đạt mức độ khá tốt chiếm trên 80%, trung bình chiếm 18%.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học thời gian qua còn những hạn chế. Đó là, giáo viên chưa chú trọng trong nghiên cứu, tự học; trang bị cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu. Các phần mềm quản lý chủ yếu được phát triển trên môi trường mạng Internet nên hoạt động chậm ở thời điểm có nhiều người truy cập; phần mềm còn bị lỗi và sai sót khi thực hiện...

Bàn về giải pháp, trước hết cần khắc phục những hạn chế như nâng cao nhận thức, trình độ về công nghệ thông tin cho đội ngũ giáo viên. Tăng cường quản lý việc ứng dụng của nhà giáo trong hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học, tự học và tự nghiên cứu; đồng thời hỗ trợ điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ giáo viên...

Ông Nguyễn Hữu Nhân, nguyên Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ): Mở rộng hợp tác để đáp ứng nhu cầu nhân lực

vuc-day-cach-nao-1.jpg
Ông Nguyễn Hữu Nhân. Ảnh: Q. Ngữ

Hiện các trung tâm GDNN - GDTX còn những khó khăn, bất cập như chế độ, chính sách dành cho cán bộ, giáo viên; chịu sự quản lý của nhiều đơn vị... Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tại các trung tâm GDNN - GDTX là chính sách thu hút, phân luồng, để học sinh mạnh dạn vào học.

Đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp và nâng cao nhận thức, vai trò của người tư vấn. Ngoài công tác giảng dạy, các trung tâm cần mở rộng hợp tác, tìm hiểu và dự báo nhu cầu, định hướng ngành nghề để đào tạo. Ví dụ, với địa phương có nhiều nhà máy, khu công nghiệp, các trung tâm cần nắm được định hướng thu hút các dự án để kịp thời đào tạo.

Để khắc phục những khó khăn và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm GDNN - GDTX, cần có giải pháp cụ thể như: Lập kế hoạch chiến lược, kế hoạch giáo dục phù hợp tình hình thực tế. Tiếp tục triển khai đổi mới phương pháp dạy học gắn với đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo hướng phát triển năng lực của học viên. Thực hiện đúng quy chế chuyên môn, đảm bảo tiến độ chương trình; nâng cao tinh thần tự bồi dưỡng và tích cực tham gia các đợt tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên.

Đồng thời, các trung tâm GDNN - GDTX thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp.

Cùng với củng cố mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực trình độ cao gắn với các trường trọng điểm, cần tăng cường đào tạo nghề cho đối tượng đặc thù, như lao động nông thôn, hộ nghèo, cận nghèo, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Ðồng thời, triển khai các giải pháp, kết nối thông tin cung - cầu lao động để giải quyết việc làm cho người lao động và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đẩy mạnh tổ chức đào tạo liên thông giữa các trình độ, ngành nghề phù hợp nhu cầu doanh nghiệp; đẩy mạnh chương trình hướng nghiệp, phân luồng, liên thông trong giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường phối hợp, gắn kết doanh nghiệp từ khâu tuyển sinh, tổ chức đào tạo và bố trí việc làm cho người học sau tốt nghiệp.

Cần nâng cao hiệu quả mô hình liên kết 3 bên: Giáo dục nghề nghiệp - Doanh nghiệp - Trung tâm dịch vụ việc làm để phát huy tối đa lợi thế các bên trong giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao vai trò doanh nghiệp trong hợp tác, liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động…

“Các trung tâm GDNN - GDTX cần chú trọng hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục pháp luật, chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống..; thực hiện hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục và dạy học; thực hiện chuyển đổi số với quản lý giáo dục và dạy học GDNN - GDTX để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” - ông Nguyễn Hữu Nhân cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xuân Son không dự Asian Cup 2027 vì chấn thương.

Xuân Son không dự Asian Cup 2027

GD&TĐ - Tiền đạo Nguyễn Xuân Son không có tên trong danh sách tuyển Việt Nam tập trung đầu tiên sau Tết Nguyên đán 2025.