Trung tâm GDTX - GDNN: Mượn lớp, 'mượn' cả thầy

GD&TĐ - Sau sáp nhập, các trung tâm giáo dục thường xuyên, Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và giáo dục nghề nghiệp… cấp huyện gặp nhiều khó khăn...

Học sinh Trung tâm GDTX số 2 TP Đà Nẵng tham gia Hội thi Khoa học kỹ thuật năm học 2024 - 2025. Ảnh: NTCC
Học sinh Trung tâm GDTX số 2 TP Đà Nẵng tham gia Hội thi Khoa học kỹ thuật năm học 2024 - 2025. Ảnh: NTCC

Sau sáp nhập, các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và giáo dục nghề nghiệp (GDNN)… cấp huyện phải thuê mướn cơ sở vật chất hoặc tổ chức dạy - học ở nhiều điểm. Không được bổ sung giáo viên, một số trung tâm phải sử dụng nhân sự thỉnh giảng khiến việc quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục gặp nhiều khó khăn.

Học nhờ, học gửi

Hơn 100 học sinh theo học hệ GTDX thuộc Trung tâm GDTX tỉnh Quảng Ngãi ở huyện đảo Lý Sơn đang học nhờ tại Trường THPT Lý Sơn (Quảng Ngãi). Thầy Huỳnh Văn Long - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn cho biết:

“Do Trường THPT Lý Sơn không đủ phòng học để tổ chức cả 3 khối lớp học cùng một ca sáng nên phải có một khối chuyển sang học ca chiều. Vì vậy, 105 học sinh từ lớp 10 - 12 của Trung tâm GDTX Quảng Ngãi được bố trí lịch học vào buổi chiều”. Ngoài 2 cơ sở chính có 17 lớp, Trung tâm GDTX tỉnh Quảng Ngãi còn mở lớp liên kết tại huyện Lý Sơn và Trà Bồng với 48 lớp.

Huyện Phù Mỹ có 2 cơ sở phục vụ nhu cầu giảng dạy cho học sinh hệ GDTX, nhưng lại ở khá xa trung tâm, không thuận lợi để tổ chức giảng dạy tại một điểm chính. Vì vậy, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Phù Mỹ (Bình Định) đang “mượn” phòng học của 3 trường THPT gồm THPT An Lương, THPT Mỹ Thọ và THPT số 2 Phù Mỹ để tổ chức dạy học.

Trong đó, có 168 học sinh “học nhờ” tại Trường THPT An Lương, 103 học sinh học tại điểm Trường THPT Mỹ Thọ và 134 học sinh theo học tại điểm Trường THPT số 2 Phù Mỹ. Việc duy trì các điểm trường theo kiểu “học nhờ, học gửi” này để tạo điều kiện cho học sinh không phải di chuyển xa.

Trung tâm GDNN - GDTX huyện Phù Cát (Bình Định) cũng duy trì 3 cơ sở dạy - học theo kiểu mượn địa điểm, phòng học. Năm học 2024 - 2025, Trung tâm này có hơn 800 học sinh hệ GDTX cho cả 3 khối lớp 10, 11 và 12. Trong đó, có hơn 500 học sinh sẽ “học nhờ” tại Trường THPT số 3 Phù Cát, Trường Cao đẳng Cơ điện - Xây dựng - Nông lâm Trung bộ và một số phòng học được trưng dụng thuộc trụ sở làm việc của Phòng GD&ĐT Phù Cát.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Kiều - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Phù Cát, đơn vị duy trì nhiều địa điểm dạy - học để giữ chân học sinh. Theo đó, học sinh theo học tại trung tâm đều chưa đủ tuổi điều khiển xe máy. Trong khi đó, nếu học tập trung tại địa điểm chính của trung tâm thì khó khăn trong di chuyển, sẽ dẫn tới trình trạng nghỉ học hoặc chuyển sang môi trường học tập khác.

Tương tự, Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) hiện có khoảng 250 học sinh “học tạm” tại các trường THPT gồm Phan Bội Châu, THPT Tam Quan, THPT Nguyễn Du và THPT Lý Tự Trọng.

Việc mượn các trường THPT để tổ chức giảng dạy văn hóa cho học sinh hệ GDTX, theo trao đổi của ông Lê Đăng Tuấn - Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, tạo sự không đồng nhất về môi trường học tập dễ khiến học sinh mặc cảm, khó đem lại kết quả tích cực. Còn ông Đỗ Văn Toàn - Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Phù Mỹ thì cho rằng, việc mượn các cơ sở để tổ chức dạy - học dù tạo thuận lợi cho người học trong việc di chuyển nhưng công tác quản lý học sinh, trường lớp lại gặp nhiều khó khăn.

muon-lop-muon-ca-thay-4.jpg
Giờ học tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Phù Cát (Bình Định). Ảnh: NTCC

Đường xa, gánh nặng

Thay vì sáp nhập các trung tâm dạy nghề, GDTX, Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp (KTTH - HN) công lập cấp huyện thành Trung tâm GDNN - GDTX và giao cho UBND quận, huyện quản lý, Đà Nẵng tiến hành sáp nhập các Trung tâm GDTX trên địa bàn từ tháng 6/2017 theo hướng “ghép” từ 2 - 3 Trung tâm GDTX - Kỹ thuật tổng hợp - dạy nghề thành Trung tâm GDTX. Theo đó, Đà Nẵng có Trung tâm GDTX thành phố số 1, 2, 3 và chịu sự quản lý trực tiếp của Sở GD&ĐT Đà Nẵng.

Vì không thực hiện sáp nhập các cơ sở dạy nghề do sở LĐ-TB&XH với các trung tâm GDTX, KTTH-DN quận, huyện nên 3 trung tâm GDTX của Đà Nẵng chỉ triển khai các hoạt động GDTX và giáo dục hướng nghiệp theo địa bàn, không có chương trình đào tạo nghề.

Ông Đinh Lương Y - Giám đốc Trung tâm GDTX số 2 TP Đà Nẵng cho biết, năm học 2024 - 2025, đơn vị được giao chỉ tiêu tuyển sinh 352 học sinh/8 lớp. Trung tâm GDTX số 2 hiện có 50 người, trong đó trực tiếp giảng dạy các lớp của hệ GDTX khoảng 35 - 37 giáo viên, đáp ứng đầy đủ dạy các môn của Chương trình GDPT 2018, phục vụ tốt nhất cho việc tổ chức giảng dạy văn hóa hệ giáo dục phổ thông, đặc biệt khối lớp 10 khi được tuyển sinh vào trung tâm.

Ngoài học văn hóa, học sinh hệ GDTX của Trung tâm GDTX số 2 Đà Nẵng được định hướng học thêm trung cấp nghề miễn phí tại các trường đào tạo nghề liên kết. Nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn đã chọn tiếp tục học nghề để ra trường có thể tìm việc làm, phụ giúp gia đình. Do đó, lựa chọn học tại trung tâm cũng được nhiều phụ huynh cân nhắc. Điểm đầu vào năm nay là 35 điểm.

muon-lop-muon-ca-thay-1.jpg
Học sinh Trung tâm GDTX số 2 TP Đà Nẵng học chuyên đề Xây dựng và quản lý dự án trong chương trình Giáo dục Kỹ năng sống. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, theo ông Đinh Lương Y, nhiều năm nay, trung tâm không được giao định biên giáo viên như các trường THPT công lập khác; không được hợp đồng thỉnh giảng, chỉ được tổ chức thi tuyển 3 giáo viên ở dạng hợp đồng theo Nghị định 111 năm 2022 của Chính phủ. Vì thế, trên cơ sở đội ngũ cán bộ giáo viên, hằng năm, trung tâm chỉ đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh được 8 lớp 10.

Ngoài ra Trung tâm GDTX số 2 TP Đà Nẵng còn hỗ trợ dạy chương trình GDTX cấp THPT cho Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương V; Trường Cao đẳng Nguyễn Văn Trỗi, Trường Cao đẳng Thương Mại, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia 3 với tổng số 1.168 học viên/27 lớp.

Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) là một trong những đơn vị có nguồn tuyển sinh hệ GDTX ổn định của tỉnh. Đơn cử năm học 2023 - 2024, trung tâm được giao 290 chỉ tiêu nhưng có 340 hồ sơ nộp xét tuyển vào lớp 10. Tuy nhiên, hiện trung tâm chỉ có 12 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Để đảm bảo hoạt động dạy và học, trung tâm hợp đồng thêm 25 giáo viên dạy chương trình văn hóa. Trung tâm ưu tiên hợp đồng giáo viên có kinh nghiệm của các trường THPT trên địa bàn để đứng lớp cho khối 12, đảm bảo chất lượng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Riêng khối 10 và 11, trung tâm hợp đồng sinh viên tốt nghiệp sư phạm giảng dạy vì chỉ có 8 giáo viên biên chế trong khi có đến 16 lớp.

Tương tự, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Phù Cát dù có hơn 800 học viên hệ GDTX ở cả 3 khối lớp 10 - 11 và 12 nhưng chỉ có 15 giáo viên. Để đảm bảo các hoạt động giáo dục, trung tâm sử dụng giáo viên thỉnh giảng từ trường THPT theo hình thức hợp đồng.

Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Hoài Hơn chỉ có 17 giáo viên dạy văn hóa hệ GDTX trên tổng số 31 cán bộ, viên chức, người lao động. Để đảm bảo giáo viên đứng lớp, trung tâm phải ký hợp đồng với 66 giáo viên thuộc các trường THPT dạy hệ GDTX.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Hoài Nhơn cho biết, Trung tâm đã nhiều lần đề xuất cho tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu dạy - học nhưng chưa được giải quyết. Căn cứ trên thực tế hoạt động hiện nay, trung tâm cần tuyển 31 biên chế.

muon-lop-muon-ca-thay-3.jpg
Chi đoàn thanh niên Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Đức Phổ thăm Bệnh xá Đặng Thùy Trâm trong hoạt động Hành trình về địa chỉ đỏ. Ảnh: NTCC

Nỗ lực vượt khó

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, Trung GDNN - GDTX huyện Phù Cát đã triển khai đổi mới phương pháp dạy học. Giáo viên tại trung tâm áp dụng các phương pháp hiện đại như kết hợp dạy học qua ti vi, tổ chức học tập theo nhóm và thuyết trình bài học. Những phương pháp này giúp học viên tăng cường kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và khả năng tự học, từ đó nâng cao hiệu quả học tập.

Khi mới sáp nhập, Trung tâm GDTX số 2 TP Đà Nẵng tiếp nhận nhân sự của 3 trung tâm cấp quận trước đây. Vì vậy, đội ngũ không đồng đều về số và chất lượng. Khối hành chính chỉ một vị trí công việc nhưng có đến 3 - 4 người, rất khó bố trí, sắp xếp. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên dạy THPT thì thiếu do một số nghỉ hưu, nghỉ trước tuổi, một số chuyển trường.

Để khắc phục những khó khăn trên, ban lãnh đạo Trung tâm GDTX số 2 TP Đà Nẵng đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng kế hoạch bổ sung đội ngũ trẻ. Trung tâm GDTX số 2 đã duy trì việc tổ chức hội giảng, bồi dưỡng học viên giỏi, hội thi Giáo viên dạy giỏi, Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, Học viên giỏi… nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua 2 tốt.

Nhờ vậy, các chỉ số về chất lượng giáo dục của Trung tâm GDTX số 2 thay đổi theo từng năm. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt gần 97%. Trong Kỳ thi Học viên giỏi tiếng Anh cấp thành phố, Trung tâm GDTX số 2 đoạt giải Nhất toàn đoàn, có 2 giải nhất cá nhân, 2 giải Nhì và 2 giải Ba. Trong Kỳ thi Học viên giỏi các môn văn hóa cấp thành phố, Trung tâm GDTX số 2 có 144 giải, trong đó có 41 giải Nhất, 45 giải Nhì...

Từng có cơ hội chuyển về dạy ở các trường THPT nhưng cô Lê Thị Lan - giáo viên Ngữ văn vẫn quyết định gắn bó với Trung tâm GDTX số 2. Cô Lan chia sẻ: Trung tâm GDTX cũng là nhà trường, mà hơn thế, đây là nơi tạo cơ hội cho mọi người được học tập suốt đời, những em vì hoàn cảnh mà dang dở việc học có thể hoàn thành ước mơ.

Phần đông học trò đến với trung tâm có chung khát vọng được tiếp tục học tập, nâng cao kiến thức, học để làm việc. Nhiều học sinh của Trung tâm GDTX số 2 đã đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi thành phố. Nhiều em đỗ vào các trường đại học tốp đầu cả nước. Cũng có em đã làm lại được cuộc đời. Đó chính là niềm tin, động lực, ý nghĩa đối với những người làm công tác GDTX”.

Chia sẻ về thực trạng của các Trung tâm GDTX – GDNN trên địa bản, ông Đào Đức Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định nhìn nhận, sau công tác phân luồng, số lượng học sinh chọn học nghề khá ít, số lượng hệ GDTX tăng cao, do nhiều phụ huynh mong muốn con tiếp tục theo học văn hóa.

Vì vậy, có sự chênh lệch số lượng giữa hệ GDTX và GDNN, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên dạy hệ GDTX. Việc tách hệ GDNN và GDTX sẽ khó thực hiện, vì các trung tâm đều là cơ sở cũ thuộc trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp dạy nghề phổ thông của ngành GD-ĐT.

Vì vậy, để đảm bảo chất lượng giáo dục, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định cho rằng, các trường THPT và Trung tâm GDNN - GDTX cần quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để học sinh được đáp ứng cơ sở vật chất, điều kiện học tập trong năm học mới.

“Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ phối với sở LĐ-TB&XH trong công tác phân luồng, phối hợp với đơn vị liên quan, tạo điều kiện hỗ trợ tuyển dụng giáo viên cho các trung tâm. Một giải pháp khác được đưa ra là sở LĐ-TB&XH quan tâm nhiều hơn để nâng cao chất lượng dạy nghề, phù hợp thực tiễn để thu hút thêm học viên thời gian tới”, ông Tuấn trao đổi.

Em Lê Vũ - học viên Trung tâm GDTX số 2 TP Đà Nẵng cho biết: “Do thiếu 0,25 điểm để vào trường THPT công lập, em và gia đình chọn theo học hệ GDTX ngay gần nhà, vừa được miễn học phí cả học chữ lẫn học nghề. Môn học được giảm bớt so với các bạn học ở các trường THPT, trung tâm thường xuyên tổ chức văn nghệ, các giải thể dục, thể thao…, cắm trại, tiết chào cờ cũng có diễn kịch... nên em thấy không khác gì học phổ thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ