Trung tâm GD nghề nghiệp, thường xuyên: Ráo riết chuẩn bị nhân lực, vật lực thực hiện Chương trình mới

GD&TĐ - Nhiều trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) đang ráo riết chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực phục vụ cho giảng dạy chương trình mới.

Học sinh lớp 9 ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10. Ảnh minh họa.
Học sinh lớp 9 ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10. Ảnh minh họa.

Tìm lời giải cho tình trạng thiếu phòng học bộ môn

Dự thảo Thông tư ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT mà Bộ GD&ĐT công bố gồm 7 môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán và 5 môn học lựa chọn trong 3 nhóm môn theo nguyên tắc mỗi nhóm môn lựa chọn ít nhất 1 môn học. Đối với nhóm môn Khoa học xã hội gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhóm môn Khoa học tự nhiên gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nhóm môn Công nghệ gồm: Tin học, Công nghệ, hoạt động bắt buộc là hoạt động tập thể.

Các môn học tự chọn gồm: Ngoại ngữ, Tiếng dân tộc thiểu số, hoạt động tự chọn là nội dung giáo dục địa phương. Nội dung giáo dục địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hoá, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước.

Đồng thời, mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Công nghệ và Tin học có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học. Điều này nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, giúp học viên tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, tăng khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Theo chia sẻ của thầy Trịnh Công Nhật – giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh): “Qua quá trình tập huấn cũng như nghiên cứu tài liệu tôi nhận thấy nội dung chương trình mới có nhiều thay đổi. Đặc biệt, chương trình mới giúp học sinh phát triển năng lực, khả năng tư duy tối đa. Tuy nhiên, đối với học sinh ở các Trung tâm GDNN, GDTX ban đầu mới tiếp cận chương trình sẽ vất vả hơn so với chương trình cũ”.

Bên cạnh đó, chương trình mới có nhiều hoạt động trải nghiệm nhằm phát triển năng lực của học sinh. Do đó, quá trình soạn bài giảng, giáo viên phải lồng ghép kiến thức sao cho phù hợp, tạo sự thích thú, muốn khám phá từ học sinh sau đó mới nâng cao dần kiến thức.

Thầy Nhật cho biết thêm: “Quá trình tiếp nhận bài giảng của học sinh Trung tâm GDNN - GDTX sẽ chậm hơn học sinh các trường THPT. Nếu dạy chương trình cao quá khiến các em không tiếp nhận được dẫn đến áp lực, như vậy hiệu quả bài giảng không có, sự tương tác giữa thầy trò giảm”.

Hiện thời gian chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023 không còn nhiều, thế nhưng Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hương Sơn chưa có phòng học bộ môn Vật lý, Sinh học, Hóa học. Do vậy, việc triển khai các tiết thực hành của các bộ môn này sẽ gặp không ít khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này những giáo viên được giao giảng dạy sẽ phải nghiên cứu các phương án thay thế. “Trước mắt chúng tôi sẽ dùng thí nghiệm ảo để mô tả khi chưa có phòng thí nghiệm, đồng thời tái sử dụng lại các thiết bị cũ”, thầy Nhật cho hay.

Dự kiến năm 2022 - 2023 Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hương Sơn – tỉnh Hà Tĩnh tuyển 240 - 260 học sinh. Giám đốc Trung tâm Nguyễn Thế Toàn thông tin: “Với chỉ tiêu trên, Trung tâm phân ra 4 lớp thì đội ngũ giáo viên vừa đủ, còn 6 lớp sẽ thiếu. Hiện nay, trung tâm thiếu chủ yếu giáo viên ở tổ hợp Khoa học xã hội”.

Giải bài toán thiếu giáo viên, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hương Sơn đã lên phương án hợp đồng lại những giáo viên cũ. Đồng thời, nhà trường tận dụng tối đa cơ sở vật chất nhằm giảng dạy có hiệu quả nhất.

Cũng trăn trở về việc thiếu phòng học bộ môn, thầy Trần Huy Hoàn - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) bộc bạch: “Nhà trường thiếu phòng bộ môn Hóa học, Vật lý, Sinh học. Ngày 28/5 chúng tôi đã tham mưu với UBND huyện bố trí một số thêm phòng học”.

Ngoài phương án đề xuất với UBND huyện, lãnh đạo Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đình Lập cũng đưa ra phương án dự phòng khi cơ sở vật chất chưa kịp bổ sung bằng cách khuyến khích giáo viên nghiên cứu, chế tạo các thiết bị dạy học, sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

“Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn phát động cuộc thi làm đồ dùng tự tạo để phục vụ dạy học, nhà trường đã khuyến khích giáo viên tham gia để học hỏi kinh nghiệm cũng như đưa các sáng kiến của mình vào giảng dạy”, thầy Hoàn nói.

Học sinh cùng cô giáo tham gia các buổi học thực hành. Ảnh minh họa.
Học sinh cùng cô giáo tham gia các buổi học thực hành. Ảnh minh họa. 

Tổ chức phân luồng sớm

Học sinh khi lựa chọn theo học Trung tâm GDNN - GDTX thường có năng lực hạn chế hơn so với các bạn học THPT. Bởi vậy, hai tuần đầu tiên sau khi nhập học nhiều trung tâm sẽ tổ chức hướng nghiệp, phân luồng dựa trên năng lực, sở thích mỗi em.

“Mùa tuyển sinh hằng năm, chúng tôi về các trường THCS tư vấn, phân tích những lợi thế, cơ hội các em được phát triển khi vào Trung tâm GDNN - GDTX học. Từ đó, những học sinh có năng lực hạn chế có thể cân nhắc và lựa chọn hướng đi cho mình sau khi tốt nghiệp THCS”. Chia sẻ điều này, thầy Nguyễn Thế Toàn đồng thời viện dẫn: Dựa trên mong muốn, lượng đăng ký của học sinh, phụ huynh, trung tâm thành lập lớp chọn. Các giáo viên giảng dạy lớp chọn sẽ thiết kế chương trình để sau khi tốt nghiệp các em có kiến thức, năng lực để xét tuyển vào một trường đại, cao đẳng. Bên cạnh đó, trung tâm cũng đào tạo tiếng Nhật, Hàn Quốc cho các em có nhu cầu đi du học và xuất khẩu lao động sau khi tốt nghiệp.

Với kinh nghiệm nhiều năm quản lý, giảng dạy ở Trung tâm GDNN - GDTX, thầy Hoàn đánh giá Chương trình giáo dục phổ thông mới giúp phân luồng học sinh từ rất sớm. Đặc biệt trong quá trình lựa chọn tổ hợp, học sinh tự đánh giá năng lực, thế mạnh và sở thích của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.