Triển khai Chương trình GDPT mới: Giáo viên chủ động, nhà trường hậu thuẫn

GD&TĐ - Để bảo đảm chất lượng của quá trình bồi dưỡng GV triển khai Chương trình GDPT mới, các trường học, nhất là trường học ở địa bàn vùng khó, đã phát huy tối đa hiệu quả của buổi sinh hoạt chuyên môn.

Giải đáp thắc mắc cho GV trong quá trình tự bồi dưỡng.
Giải đáp thắc mắc cho GV trong quá trình tự bồi dưỡng.

Sự hỗ trợ của ban giám hiệu (BGH) về cơ sở hạ tầng, kinh phí lẫn thời gian học tập đã tiếp thêm động lực cho GV trong tiến trình đổi mới. 

Bồi dưỡng trực tuyến… tập trung

Thầy Võ Đăng Chín – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Trà Nam (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) cho biết: Những ngày cuối tuần, GV từ điểm lẻ đều tập trung về điểm trường chính để tiến hành bồi dưỡng các mô-đun. Kể cả đó là thời gian GV tự học theo kế hoạch của sở, phòng GD&ĐT. Điều này sẽ giúp chất lượng đường truyền được bảo đảm, không bị rớt mạng trong quá trình GV tự học, tự làm bài kiểm tra, đánh giá.

BGH Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trà Nam đã thuê bao đường truyền Internet với tốc độ cao nhất. Trong quá trình GV tham gia tập huấn, dù là tự tìm hiểu tài liệu hay bồi dưỡng trực tuyến theo lịch, đều có người trong BGH hỗ trợ công nghệ thông tin (CNTT), giúp gỡ rối nếu GV bị lỗi khi truy cập vào hệ thống. Tất cả GV đều được nhà trường thanh toán kinh phí mở tài khoản tập huấn, công tác phí khi bồi dưỡng tập trung cũng được hỗ trợ.

“Đặc thù của nhà trường là ngoài công tác chuyên môn, mỗi GV còn kiêm nhiệm nhiều đầu việc khác. Vì vậy, vào thời gian GV tham gia tập huấn, BGH sẽ có điều chỉnh trong phân công công việc, ví dụ như không đảm nhiệm quản lý HS bán trú. Ưu tiên tối đa của nhà trường là GV có thời gian để tự bồi dưỡng và bồi dưỡng trực tuyến, hoàn thành các mô-đun với chất lượng cao nhất” – thầy Chín chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Minh Hoa – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Sơn Long (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) cho hay: Nhà trường đã hỗ trợ in ấn tài liệu liên quan đến các mô-đun để GV người dân tộc thiểu số tự nghiên cứu, tìm hiểu thêm. Theo chia sẻ của những GV này, việc hỗ trợ in ấn tài liệu sẽ giúp GV có thêm thời gian tự nghiên cứu, thẩm thấu khi không có mạng Internet. Trong sinh hoạt tổ chuyên môn, tổ trưởng sẽ tìm hiểu nhu cầu và nguyện vọng của GV đối với quá trình tự bồi dưỡng để có hỗ trợ và giúp đỡ”.

Cô Đinh Thị Tài – GV môn Sinh học, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Sơn Long tâm sự: Tôi vẫn mong được tập huấn theo hình thức trực tiếp vì dễ tiếp nhận hơn. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của BGH và đội ngũ GV cốt cán nên những gì bản thân chưa nắm bắt kịp khi tự bồi dưỡng trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến sẽ được bổ túc khi sinh hoạt tổ chuyên môn.

Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế triển khai bồi dưỡng GV thực hiện Chương trình GDPT mới tại Quảng Nam.
Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế triển khai bồi dưỡng GV thực hiện Chương trình GDPT mới tại Quảng Nam.

Chủ động tự bồi dưỡng

Theo cô Đinh Thị Kem – GV điểm trường xóm Đèo Chim, Trường Tiểu học Nghĩa Dũng (xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), với mô-đun Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018, phần môn Tiếng Việt, khi tìm hiểu trước tài liệu học tập trực tuyến, tôi có gặp khó khăn, nhất là các phương thức dạy học tích cực, tổ chức hoạt động của người học. Do điều kiện dạy học lớp ghép nên tôi rất lúng túng, khó hình dung được phương pháp dạy học tổ chức trò chơi, xây dựng tình huống giải quyết vấn đề. Đồ dùng dạy học ở điểm trường lẻ cũng không đầy đủ nên không biết sẽ phải áp dụng trong dạy học thực tế như thế nào.

Tuy nhiên, khi tham gia bồi dưỡng trực tiếp, trao đổi với giáo viên cốt cán và các đồng nghiệp trong sinh hoạt chuyên môn, cô Kem đã “vỡ” ra được nhiều điều, được giải thích cặn kẽ những gì còn vướng mắc trong khi tự học trực tuyến. “Với Chương trình GDPT mới, GV được tự chủ trong điều chỉnh thời lượng tiết dạy của mỗi bài học. Cũng tùy thực tế, GV có thể linh động sử dụng các hình thức, phương pháp dạy học phù hợp với HS và điều kiện dạy học chứ không nhất thiết phải áp dụng các bước như một tiết dạy mẫu”, cô Kem chia sẻ. “Gỡ” được nút thắt, cô Kem trở lại nghiên cứu kỹ các tài liệu trước đó đã tập huấn trực tuyến để “thẩm thấu” sâu hơn kiến thức.

Ở miền núi, số lượng GV của một khối lớp trong mỗi trường không đông, lại phân tán rải rác ở các điểm lẻ. Chính vì vậy, thầy Võ Đăng Chín cho rằng: Tổ chức sinh hoạt, thảo luận trong tổ chuyên môn là cần thiết. Ngoài các buổi sinh hoạt tập trung, nhà trường đã hình thành các nhóm Zalo để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ cho GV trong quá trình tự bồi dưỡng.

Đội ngũ GV đa phần là GV trẻ, kinh nghiệm đứng lớp không thể bằng GV đồng bằng. Chính vì vậy, phòng GD&ĐT đã kêu gọi tinh thần trách nhiệm của đội ngũ GV cốt cán, ngoài hỗ trợ GV đại trà tự bồi dưỡng, còn phải cùng tham gia sinh hoạt cụm chuyên môn theo từng khối lớp, từng bậc học do phòng GD&ĐT tổ chức để hỗ trợ, gỡ khó cho GV. - Ông Bùi Thế Giới - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ