Trung tâm dạy thêm khơi gợi cảm hứng học

GD&TĐ - Nhiều trung tâm dạy thêm hiện nay tại Singapore khơi gợi cảm hứng học và gắn kết các học viên...

Nhiều trẻ em Singapore thích học thêm tại trung tâm.
Nhiều trẻ em Singapore thích học thêm tại trung tâm.

Các trung tâm dạy thêm trực tuyến lẫn trực tiếp tại Singapore đang tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo như tặng quà cho học sinh chăm chỉ, chuẩn bị bữa ăn nhẹ giữa giờ học, tổ chức tham quan... Điều này khơi gợi cảm hứng học và gắn kết các học viên.

Chị June Yong, phụ huynh sống tại Singapore, đã đăng ký cho con trai một khóa học tăng cường trên nền tảng giáo dục trực tuyến. Kể từ đó, cậu bé dành 30 phút mỗi ngày làm bài tập học thêm mà không cần sự thúc giục của bố mẹ. Việc làm bài tập chăm chỉ giúp cậu bé kiếm điểm chuyên cần và có thể đổi lấy đồ chơi hoặc đồ dùng học tập sau một thời gian tích lũy.

Tương tự, nhiều trung tâm dạy thêm hiện nay tại Singapore không chỉ đơn giản là cung cấp khóa học, mà còn chuẩn bị bánh ngọt, trà cho học viên hoặc đưa các em đi tham quan công viên, bảo tàng.

Là Trưởng phòng Thông tin tại tổ chức Focus on the Family Singapore, chị Yong dành nhiều thời gian nghiên cứu về các xu hướng đang ảnh hưởng đến các hộ gia đình Singapore. Chị đánh giá mô hình dạy thêm này không những chiếm được cảm tình của học viên mà thành công đánh vào “túi tiền” của phụ huynh.

Chị Yong phân tích điều khiến mô hình dạy thêm này phát triển và tồn tại lâu dài, có sức hấp dẫn là thông qua việc họ nỗ lực hết sức xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với học sinh và giữa học sinh. Xu hướng trên còn phù hợp với thế giới hậu Covid-19, khi giới trẻ cảm thấy họ mất kết nối với xã hội, không theo kịp nhịp sống hối hả hiện nay.

Điểm khác biệt của các trung tâm là xây dựng lên những mối quan hệ giữa người với người chất lượng, thân thiết. Đơn cử, thông qua việc đổi quà cho những học sinh giành được nhiều điểm chuyên cần, khóa học trực tuyến của con chị Yong đang thể hiện việc ghi nhận sự chăm chỉ của cậu bé.

Việc tặng quà còn là sự động viên, khích lệ để cậu bé tiếp tục phát huy khả năng của mình. Nhận được sự ủng hộ này, con trai chị Yong càng hào hứng học tập mà không để bố mẹ phải nhắc nhở.

Ngoài ra, các trung tâm dạy thêm còn tổ chức cho học viên đi tham quan viện bảo tàng, công viên giải trí. Hình thức này tạo nên những khoảnh khắc bổ ích, hứng thú, vui vẻ để học viên lấy lại nhịp sống sau thời gian dài “bó gối” trong nhà vì dịch Covid-19. Nó cũng gắn kết các học viên với nhau, xây dựng mối quan hệ bạn bè bền chặt giữa họ.

Dựa trên quan sát này, chị Yong dần hiểu ra tại sao học viên tại các trung tâm dạy thêm thích học tập và làm việc nhóm với các bạn. Thông qua những trải nghiệm mà các em chia sẻ cùng nhau như ăn nhẹ, đi tham quan, mỗi lớp học sẽ gắn kết hơn với cộng đồng. Vì thế, chị quyết định cho con tiếp tục học tăng cường.

Ngoài ra, theo chị Yong, trường học, vốn nổi tiếng với các bài kiểm tra, đánh giá nặng nề, có thể khiến những đứa trẻ chăm chỉ nhất nhụt chí. Vì vậy, các trường có thể tham khảo mô hình giáo dục của các trung tâm dạy thêm hiện nay.

Singapore là một trong những quốc gia có áp lực học tập rất lớn. Khi những đứa trẻ không cảm thấy cô đơn mà ngược lại, có bạn bè bầu bạn, tâm sự, sẽ giúp các em vơi đi căng thẳng. Đó là những cảm xúc rất khó chia sẻ với thầy cô, gia đình.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.