Trung Quốc: Xoay chuyển ngoạn mục về giáo dục

GD&TĐ - Các trường đại học hàng đầu Mỹ như khối Ivy League, Harvard luôn là mục tiêu của nhiều phụ huynh, học sinh khá giả tại Trung Quốc.

Du học sinh Trung Quốc dự lễ tốt nghiệp tại Mỹ.
Du học sinh Trung Quốc dự lễ tốt nghiệp tại Mỹ.

Tuy nhiên, những năm gần đây, quốc gia này đã tăng đầu tư cho lĩnh vực giáo dục để kiểm soát “cơn sốt du học”.

Giấc mơ du học

Trong năm học 2013 - 2014, 274 nghìn sinh viên quốc tế tại Mỹ đến từ Trung Quốc, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Con số này tăng 17% so với năm học 2012 - 2013 và là mức tăng liên tiếp trong 10 năm.

Các chuyên gia giáo dục giải thích có nhiều yếu tố thúc đẩy số lượng đông đảo sinh viên Trung Quốc chọn du học Mỹ như sự gia tăng tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc hay chính sách gia đình.

Từ năm 1979 - 2015, Trung Quốc áp dụng chính sách một con nhằm hạn chế gia tăng dân số. Cùng với đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, tạo nên thế hệ tương đối khá giả và thành công trong công việc. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh có điều kiện đều mong muốn trao cho con cái những cơ hội tốt nhất. Chẳng hạn, du học tại Mỹ, nơi sở hữu nền giáo dục đại học chất lượng.

Người dân Trung Quốc cũng tìm kiếm nền giáo dục chất lượng cao hơn so với trong nước để phát huy khả năng độc lập, sáng tạo. Họ nhận thấy những ưu điểm và những điều bản thân mong muốn đến từ các trường đại học Mỹ được xếp hạng hàng đầu thế giới.

Khác với những năm 1978, khi sinh viên Trung Quốc thường dựa vào học bổng để đi du học, thế hệ sinh viên sinh ra từ những năm 1990 có điều kiện tốt hơn. Vì vậy, họ sẵn sàng du học nước ngoài hoặc từ bỏ các trường đại học ưu tú của Trung Quốc để đến Mỹ học tập.

Ngoài ra, từ khoảng năm 2005, xuất hiện làn sóng du học sinh Trung Quốc tại trường trung học tư thục tại Mỹ do các trường này chấp nhận học sinh quốc tế. Phụ huynh Trung Quốc gửi con đến các trường phổ thông tư thục tại Mỹ như một chiến lược để tăng khả năng trúng tuyển trường đại học ưu tú.

Nhiều người muốn con cái có cuộc sống hạnh phúc hơn, thay vì chịu căng thẳng, áp lực phải chuẩn bị tốt nhất cho gaokao, kỳ thi đại học tại Trung Quốc nổi tiếng khốc liệt nhất thế giới.

Ông Lin, Giám đốc học thuật của Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Ivy Labs Education, Trung Quốc, cho biết: “Mục tiêu của giáo dục Trung Quốc là chuẩn bị cho kỳ thi gaokao. Mọi điều khác chỉ là thiết yếu. Trong khi tại Mỹ, giáo dục lấy học sinh làm trung tâm và phục vụ tốt nhất cho lợi ích của học sinh, không chỉ là trúng tuyển đại học”.

Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục đại học tại Mỹ chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngày càng cao của sinh viên Trung Quốc. Nhận thấy điều này, nhiều trường đại học Mỹ đã thành    lập chi nhánh tại Trung Quốc. Năm 2012, Trường Đại học New York đã khai trương cơ sở tại thành phố Thượng Hải.

Bước tiến của giáo dục trong nước

Trong hơn 10 năm qua, người dân Trung Quốc đại lục đã định hình lại cộng đồng sinh viên quốc tế tại các trường cao đẳng, đại học Mỹ, đặc biệt là nhóm trường Ivy League. Theo Viện Giáo dục quốc tế Mỹ, Trung Quốc đã vượt qua các đối thủ nặng ký trong lĩnh vực du học như Canada, Ấn Độ và Hàn Quốc, để dẫn đầu số lượng sinh viên quốc tế tại Mỹ.

Từ năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã nhắc đến cải tiến chất lượng giáo dục và đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Các trường đại học Trung Quốc đang cam kết nâng cao chất lượng trong bốn lĩnh vực gồm: Xây dựng quy định của trường học; Đánh giá nghiêm ngặt cơ chế tuyển sinh và học bổng; Lập kế hoạch giảng dạy và phát triển nhân viên có hệ thống; Phát triển cơ chế kiểm soát chất lượng. Năm 2018, quốc gia này tiếp tục ban hành Tiêu chuẩn Đảm bảo Chất lượng cho giáo dục đại học.

Các sáng kiến nâng cao chất lượng đại học đã thu về trái ngọt. Năm 2016, chỉ hai trường đại học Trung Quốc lọt vào bảng xếp hạng tốp 200 thế giới. Đến năm 2021, con số này tăng lên là 7 với Trường ĐH Thanh Hoa dẫn đầu. Năm 2021, Trung Quốc có 3 trường đại học trong tốp 5 đại học đứng đầu châu Á theo đánh giá của tố chức THE bao gồm ĐH Thanh Hoa, Bắc Kinh và Hồng Kông.

Tháng 3/2021, Trung Quốc cho biết dành 4% GDP cho chi tiêu giáo dục, đáp ứng nguyện vọng trong nhiều năm của chính phủ quốc gia. Mức chi tiêu này được coi là thắng lợi lớn của các nhà giáo dục Trung Quốc sau gần ba thập kỷ nỗ lực.

Ngoài ra, tác động của đại dịch Covid-19 hay cạnh tranh Mỹ - Trung có thể thay đổi cán cân du học trong nhiều năm tới. Lo ngại bị phân biệt chủng tộc hoặc các chính sách nghiêm ngặt từ Mỹ, du học sinh người Trung Quốc có thể chuyển hướng học tập tại các quốc gia khác hoặc trong nước.

Không chỉ vậy, Trung Quốc cũng đang tìm cách thu hút du học sinh quốc tế. Giữa những năm 2010, quốc gia này xác định giáo dục quốc tế là chiến lược toàn cầu mới, góp phần đưa giáo dục đại học của Trung Quốc ra thế giới. Mục tiêu chung là đưa Trung Quốc trở thành điểm đến du học hàng đầu châu Á.

Trung Quốc đã thành công vào năm 2018, khi gần 500.000 sinh viên quốc tế từ 196 quốc gia đã chọn Trung Quốc đại lục làm điểm đến học tập. Các em đăng ký vào hơn 1.000 cơ sở giáo dục đại học.

Giáo dục Trung Quốc đã đạt được nhiều bước tiến ấn tượng. Tuy nhiên, kiểm soát “cơn sốt du học Mỹ” của sinh viên địa phương vẫn là bài toán hóc búa với Trung Quốc, đặc biệt khi học sinh phổ thông vẫn chịu áp lực lớn từ kỳ thi gaokao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.