Trường học khó tin thời nay
Cách đây không lâu, sau khi dư luận xôn xao và phẫn nộ về việc cơ sở giáo dục ở Phủ Thuận dạy nữ học viên rằng họ buộc phải gắn với những công việc “thiên chức” dành cho nữ giới, chính quyền Phủ Thuận đã phản ứng ngay lập tức.
“Việc giáo dục của cơ sở này đi ngược lại đạo đức xã hội” – Phòng Giáo dục Phủ Thuận công bố quan điểm chính thức. Nhà chức trách thành phố cũng ngay lập tức đóng cửa cơ sở đã hoạt động 6 năm qua.
Jing, 17 tuổi, từng học ở trung tâm trên cho biết cảm thấy rất vui mừng với động thái trên của chính quyền.
Khi Jing 13 tuổi, cô bé bị mẹ cho là “nghịch ngợm” và gửi vào trung tâm này với hy vọng giáo dục văn hoá sẽ khiến “mềm tính” và đi vào khuôn khổ kỉ luật. Giống như nhiều phụ huynh buộc con học “nữ tính” như vậy, mẹ của Jing lớn lên ở nông thôn và ít học.
Jing vẫn nhớ rõ những ngày học ở đây: “Cháu buộc phải lau nhà vệ sinh bằng tay trần. Thật kinh khủng”.
Cô bé được dạy những điều phụ nữ “đương nhiên” phải làm và rằng phụ nữ sinh ra để phục vụ đàn ông.
Jing cho biết Chương trình học gồm cả học sách giáo lí cổ và làm các công việc nội trợ chân tay, cho tới liệu pháp tâm lí “làm mềm tâm tính”.
“Khoá học 7 ngày này không phải là chỗ dành cho người bình thường. Cháu không thể chịu được và vào đêm thứ tư cháu đã vượt rào sắt trốn chạy” – Jing kể.
Dân “cổ cồn trắng” có học thức tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải cảm thấy sốc khi biết rằng có sự tồn tại của những lớp học như vậy.
Nhưng trong thực tế, những giá trị cổ hủ và lỗi thời vẫn luôn có đất sống tại những thành phố nhỏ Trung Quốc, đặc biệt tại nông thôn.
Hồi tháng 5/2017, sinh viên đại học tại thành phố Cửu Giang, miền Trung Trung Quốc, được dạy về tầm quan trọng của trinh tiết và rằng ăn mặc khêu gợi sẽ vướng vào hành vi thô tục.
Hệ lụy đồng tiền?
Đã nhiều thập kỉ thoát khỏi tư tưởng phong kiến tối tăm đó nhưng việc có những cơ sở vẫn “nhồi sọ” tư tưởng đó là điều khó hiểu. Đã có những cáo buộc động cơ phía sau của những trung tâm này là kiếm tiền.
Như trung tâm văn hoá Phủ Thuận có hơn 10.000 học sinh trước khi đóng cửa – theo thông tin của báo chí.
Trung tâm này vận hành hoàn toàn bằng đóng góp của học sinh. Bên cạnh đó còn có nguồn thu từ kinh doanh trang phục truyền thống Trung Quốc và bán hàng trực tuyến hoặc bán và cho thuê tại các sự kiện văn hoá.
Trung tâm này nhắm vào những gia đình có con gái ở tuổi “dở hơi” và hứa hẹn sẽ thay đổi tâm tính trẻ bằng giáo dục truyền thống. Trung tâm cũng quảng cáo với các công ty rằng việc dạy dỗ của họ có thể giúp tạo ra môi trường làm việc hài hoà hơn.
Một trung tâm tương tự khác tại Đông Quan đăng kí dưới vỏ bọc một công ty sự kiện và trình diễn. Trung tâm này tuyển học việc và thu học phí. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã đóng cửa năm 2014 vì thu lợi nhuận dưới danh nghĩa từ thiện.