Trung Quốc: Công nghệ giúp thu hẹp khoảng cách GD nông thôn - thành thị

GD&TĐ - Nông thôn Trung Quốc chịu thiệt thòi lớn so với những thành phố lớn khi thiếu cả giáo viên chất lượng lẫn cơ sở vật chất cơ bản. Không thể có đủ ngân quỹ bù lấp cho sự thua thiệt này, Trung Quốc đang coi công nghệ thông tin là giải pháp chìa khoá rút ngắn khoảng cách nông thôn - thành thị.

Trung Quốc: Công nghệ giúp thu hẹp khoảng cách GD nông thôn - thành thị

Phủ sóng Internet tốc độ cao tới thôn quê

Trung Quốc có kế hoạch phủ rộng Internet tốc độ cao trên cả nước trong kế hoạch đầu tư hạ tầng phát triển công nghệ máy tính hiện đại tại khu vực nông thôn.

Trung Quốc sẽ tăng tốc độ đường truyền Internet tại các trường nông thôn ngang bằng với các thành phố lớn vào năm 2020 trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa khu vực thịnh vượng nhất với khu vực nghèo nhất.

China Unicom, nhà điều hành mạng di động lớn thứ hai Trung Quốc, sẽ cung cấp dịch vụ cáp 100 Mbps tới các trường ở khu vực thị tứ và nông thôn theo một thoả thuận mới được kí kết với Bộ Giáo dục. Tốc độ này tương đương với mạng thương mại hoá nhanh nhất tại Trung Quốc hiện nay và được các game thủ online sử dụng.

Lắp đặt Internet băng thông rộng tốc độ cao tại khu vực nông thôn là một bước quan trọng cải thiện hệ thống giáo dục nông thôn và hiện thực hoá cam kết của chính phủ nâng chất lượng dạy học tại nông thôn.

Các trường nông thôn có đặc điểm chung là thiếu giáo viên có năng lực và vì vậy Internet cho phép các trường tiếp cận nguồn lực giáo dục tốt nhất và kết nối với các đối tác được trang bị tốt hơn tại những thành phố lớn.

Tại nông thôn, giáo viên được trả lương thấp và mặc dù chính chủ có những biện pháp thu hút giáo viên nông thôn - gồm tăng lương, hỗ trợ và cả miễn học phí cho sinh viên sư phạm cam kết làm việc ở nông thôn trong một thời gian nhất định - số lượng vẫn giảm xuống. Theo số liệu gần đây nhất, có 4,7 triệu giáo viên nông thôn năm 2010 nhưng đã giảm còn 3,3 triệu năm 2013.

Mở rộng loại hình GD trực tuyến

Mạng Internet tốc độ cao là điều kiện nền tảng cho loại hình học trực tuyến - bài giảng được giáo viên tại thành phố lớn trực tiếp giảng và truyền đến tận lớp học ở nông thôn.

Tại một ngôi trường ở hạt Huantai, tỉnh Sơn Đông, các tiết học trực tuyến là một phần chính thức trong chương trình. Các tiết học miễn phí được dạy bởi giáo viên có kinh nghiệm, phần lớn đang làm việc ở các thành phố lớn, dạy tình nguyện. Chương trình - chạy trên nền tảng học online Cctalk của Công ty Hujiang EdTech (trụ sở tại Thượng Hải) - mở tới toàn bộ học sinh tiểu học và THCS tại Trung Quốc qua kết nối Internet.

Các tiết học online giúp phát triển kĩ năng học trực tuyến của trẻ và trẻ học được nhiều kiến thức tin học cơ bản.

“Tiết học online diễn ra trực tiếp, vì vậy học sinh có thể tương tác với giáo viên” - Wang nói thêm - “Vì vậy nếu học sinh trả lời đúng, chúng được giáo viên khen, chúng cũng cảm thấy hãnh diện bởi được khen trước hàng trăm, thậm chí hàng nghìn học sinh trên cả nước đang tham gia tiết học”.

GD trực tuyến trong thời gian tới sẽ được hỗ trợ tốt hơn nhờ những thành tựu về trí tuệ nhân tạo (AI). Một số công ty GD trực tuyến Trung Quốc cũng đang quan tâm hơn tới AI. Giáo dục đã nổi lên như một trong những lĩnh vực nóng nhất ứng dụng AI tại Trung Quốc. Theo Công ty nghiên cứu thị trường IT Juzi, giáo dục xếp thứ ba sau y tế và ô tô có sự biến đổi nhiều nhất bởi AI.

 Bộ Giáo dục Trung Quốc đang thực hiện chiến lược kết nối trường nông thôn với “tài nguyên giáo dục mở”. Khoảng 87% trường tiểu học và THCS tại đại lục Trung Quốc đã truy cập Internet vào năm 2016, theo Bộ Giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.