Trung Quốc: Trung tâm dạy thêm hoạt động “chui” sau lệnh cấm

GD&TĐ - Từ tháng 8/2021, Chính phủ Trung Quốc áp lệnh cấm đối với các trung tâm dạy thêm ngoài trường học để ngăn tình trạng học sinh đổ xô đi học thêm, gây áp lực lên tinh thần và thể chất của các em.

Lệnh cấm dạy thêm được Trung Quốc triển khai từ tháng 8/2021.
Lệnh cấm dạy thêm được Trung Quốc triển khai từ tháng 8/2021.

Tuy nhiên, các trung tâm cùng phụ huynh nước này vẫn tìm cách để tổ chức dạy thêm bất hợp pháp.

Nhiều phụ huynh Trung Quốc mong muốn con cái tiếp tục được học thêm để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Họ chuyển sang tìm kiếm các trung tâm dạy thêm “chợ đen”. Trong 3 tháng qua, lĩnh vực dạy thêm không được cấp phép đã phát triển mạnh mẽ, hoạt động trực tuyến và trực tiếp che đậy trong các toà nhà văn phòng hoặc khu dân cư.

Chị Xu Danfeng, sống tại Bắc Kinh, cho biết đã đầu tư hơn 60.000 nhân dân tệ (hơn 210 triệu đồng) vào việc học thêm của con trai. Nhưng khi lệnh cấm dạy thêm được áp dụng, chị phải chuyển sang tìm kiếm lớp dạy thêm hoạt động chui. Bà mẹ từ chối tiết lộ tên trung tâm vì lo sợ nó phải đóng cửa.

“Phụ huynh chúng tôi phải bảo vệ các trung tâm hoạt động ngầm. Hiện nay, rất khó để tìm thấy những lớp như vậy”, chị Danfeng bày tỏ.

Bộ Giáo dục Trung Quốc và các cơ quan chức năng đang tăng cường nguồn lực để xoá bỏ tình trạng dạy thêm, học thêm bất hợp pháp. Nếu một số trẻ tiếp tục học thêm, những gia đình khác sẽ lo lắng con cái bị tụt lại phía sau. Từ đó, thị trường dạy thêm bất hợp pháp ngày càng bành trướng.

Chính quyền thành phố Bắc Kinh cho biết, đã đóng cửa hơn 90% trung tâm dạy thêm hoạt động chui được phát hiện. Trong khi đó, thành phố Hàng Châu, treo thưởng 50.000 nhân dân tệ (hơn 170 triệu) cho những ai tố giác các hoạt động dạy thêm bất hợp pháp.

Tuy nhiên, nhiều trung tâm như vậy vẫn mọc ra như nấm với những hình thức che đậy tinh vi. Chị Ding Qi, sống tại Thượng Hải, tiết lộ đăng ký cho con gái học thêm tiếng Anh trên nền tảng Best Learning. Trước tháng 8, đây là trung tâm dạy thêm tiếng Anh nổi tiếng ở thành phố nhưng hiện đã chuyển sang hoạt động ngầm.

Best Learning điều hành ít nhất 4 nhóm gia sư hoạt động chui trên ứng dụng mạng xã hội WeChat. Chỉ với 600 nhân dân tệ phí đăng ký tài khoản, phụ huynh có thể tham gia nhóm trao đổi ngầm, nơi trung tâm đăng tải tài liệu học thêm mỗi ngày. Ước tính, Best Leaning đang cung cấp dịch vụ cho hơn 50 nghìn khách hàng.

Số khác hoạt động kín đáo hơn. Chị Zhang, sống tại Thượng Hải, kể đã cùng một vài người bạn thân đăng ký cho con cái học gia sư với một thầy giáo tiếng Anh. Người này mở lớp trong một văn phòng cho thuê, được che đậy dưới danh nghĩa công ty kinh doanh. Các bà mẹ cam kết không tiết lộ với bất kỳ ai thông tin cũng như tên của văn phòng và thầy gia sư.

Bà mẹ bày tỏ: “Nhu cầu học thêm vẫn rất cao, bất chấp lệnh cấm của chính phủ, vì hệ thống giáo dục vẫn nặng tính cạnh tranh và phụ thuộc vào điểm số”.

Ông Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục quốc gia Trung Quốc đánh giá, không thể xoá sổ nạn dạy thêm bất hợp pháp chỉ thông qua pháp luật. Đơn cử, lệnh cấm đối với gia sư tại nhà là rất khó triển khai.

Ông Chu cho biết: “Sẽ là ngây thơ nếu nghĩ rằng siết chặt các biện pháp quản lý có thể đóng cửa các trung tâm dạy thêm. Nhiều thành phố đang áp dụng khen thưởng, trao giải cho những người tố cáo nhưng người dân sẽ nghĩ ra cách khác để trốn tránh”.

Theo ông Chu, chìa khoá cho lệnh cấm dạy thêm là cải cách hệ thống giáo dục quốc gia để giảm nhu cầu cơ bản về học thêm. Đây cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia Trung Quốc hiện nay.

Theo SixthTone

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.