Trung Quốc mạnh tay siết hoạt động dạy thêm

GD&TĐ - Nguồn tin của hãng tin Reuters cho biết Trung Quốc đang xây dựng hàng loạt biện pháp siết chặt các trung tâm dạy thêm tư nhân, ngành công nghiệp trị giá 120 tỷ USD của đất nước này.

Học sinh tiểu học tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc.
Học sinh tiểu học tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc.

Những biện pháp nhằm mục đích giảm bớt áp lực cho học sinh Trung Quốc, thúc đẩy tỷ lệ sinh quốc gia bằng cách giảm chi tiêu của các hộ gia đình cho giáo dục tư nhân. Các quy định dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2021.

Cụ thể, chính phủ Trung Quốc sẽ thí điểm lệnh cấm hoạt động dạy thêm trực tuyến và trực tiếp trong kỳ nghỉ hè và kỳ nghỉ đông tại Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều thành phố lớn khác.

Trước đó, Trung Quốc cấm tổ chức dạy thêm dưới mọi hình thức vào cuối tuần tại các thành phố lớn. Lệnh cấm dạy thêm vào kỳ nghỉ và cuối tuần sẽ áp dụng tại 9 thành phố trong thời gian 12 tháng trước khi nhân rộng trên toàn quốc.

Dự đoán, một số địa phương sẽ đưa ra những quy định cứng rắn hơn để áp chế hoạt động dạy thêm ngoài trường học. Các chuyên gia dự đoán lệnh cấm mới có thể khiến các trung tâm tư nhân thiệt hại 70 - 80% doanh thu bình quân hàng năm.

Ngoài ra, trong các khu vực thí điểm, trung tâm dạy thêm không được phép dạy quá 8 - 9 giờ tối các ngày trong tuần. Việc quảng cáo lố, đặc biệt trên các phương tiện truyền thông chính thống và tại nơi công cộng, cũng sẽ bị cấm.

Học phí của các trung tâm cũng sẽ được quản lý chặt chẽ để không xảy ra tình trạng thu học phí giá cắt cổ hoặc đóng trước thời gian dài.

Những quy định mới do Bộ Giáo dục Trung Quốc phối hợp với các cơ quan chức năng soạn thảo, dự kiến đánh mạnh vào thị trường dạy thêm dành cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12.

Trong nhiều thập kỷ qua, việc ôn luyện ngoài giờ học giúp học sinh đạt thành tích cao trên trường và trong các kỳ thi chưa từng hạ nhiệt tại xứ sở tỷ dân.

Theo số liệu của Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc, năm 2016, khoảng 75% học sinh phổ thông từ 6 - 18 tuổi đã đăng ký học thêm sau giờ học. Con số này vẫn tiếp tục tăng trong những năm gần đây.

Khi thu nhập tăng lên tại Trung Quốc, các gia đình khá giả đều mong muốn con cái thành công trong xã hội ngày càng cạnh tranh. Việc ganh đua khốc liệt đến mức tạo ra một thuật ngữ nuôi dạy con cái mới.

Jiwa, nghĩa là gà công nghiệp, nhằm ám chỉ những đứa trẻ liên tục bị bố mẹ nhồi nhét vào các lớp học thêm để rèn luyện kỹ năng, bổ sung tri thức.

Kết quả là nhiều học sinh Trung Quốc phải chịu áp lực học tập nặng nề, khủng khiếp, dẫn đến bệnh tâm lý như trầm cảm hay các bệnh về thể chất như cận thị, béo phì.

Các em cũng ganh đua sát sao với các bạn đồng trang lứa để giành suất vào những trường tốp đầu. Về phía phụ huynh, nhiều gia đình ngại sinh con vì gánh nặng tài chính.

Bắc Kinh, một trong những khu vực thí điểm, đánh giá những thay đổi mới là động lực để các cặp vợ chồng sinh thêm con. Chính quyền thủ đô cũng đang tìm nhiều phương án tăng tỷ lệ sinh, vốn sụt giảm nhanh chóng.

Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở các thành phố lớn tại Trung Quốc là tương đối cao. Từ 490.000 nhân dân tệ (khoảng 76.600 USD) vào năm 2005, chi phí nuôi con hàng năm đã tăng lên gần 2 triệu USD vào năm 2020.

Kết quả điều tra dân số được Trung Quốc công bố vào tháng 5 cho thấy, tỷ lệ tăng dân số quốc gia trong 10 năm đạt mức thấp kỷ lục. Điều này làm dấy lên lo ngại nguồn nhân lực của nước này sẽ suy giảm nhanh chóng trong các năm tiếp theo khi dân số già đi.

Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ