Thiếu nhân tài trong các lĩnh vực quan trọng
Hôm qua (22/1), Bộ GD Trung Quốc cho biết đã đưa ra một chương trình GD thí điểm cho phép 36 trường ĐH hàng đầu cả nước lựa chọn SV có trình độ cao, xuất sắc trong các ngành cơ bản và sẵn sàng phục vụ các nhu cầu chiến lược lớn của đất nước.
Theo chương trình có tên “Kế hoạch cơ bản vững mạnh”, các trường ĐH sẽ tập trung vào việc tuyển sinh những chuyên ngành như toán học, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, triết học và nghiên cứu chữ viết tay cổ đại.
Các lĩnh vực như sản xuất chip máy tính cao cấp, phần mềm, công nghệ thông minh, vật liệu mới, an ninh nhà nước được xác định là then chốt trong việc đưa chương trình tiến lên.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu chip máy tính lớn nhất thế giới trong vài năm qua. Đất nước đã nhập khẩu hơn 44,5 tỉ con chip trong 11 tháng đầu năm ngoái, tăng 32,6% so với năm trước đó.
Trong bài phát biểu tại một buổi lễ thường niên ở Bắc Kinh ngày 10/1 nhằm tôn vinh các nhà khoa học, kỹ sư và các thành tựu nghiên cứu, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết lý do khiến Trung Quốc thiếu sự cạnh tranh trong đổi mới độc lập là do điểm yếu trong nghiên cứu cơ bản.
Ông cam kết nhà nước sẽ hỗ trợ tài chính mạnh mẽ và ổn định hơn, đồng thời cải tiến cơ chế đánh giá, khuyến khích để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học có thể tập trung vào các dự án của mình mà không bị xao nhãng.
“Cuộc thám hiểm nhằm khám phá những điều chưa biết sẽ không giống như một cuộc dạo chơi trong công viên, chúng ta cần tôn trọng quy tắc và chịu đựng những thất bại, để các nhà nghiên cứu của chúng ta có thể tự do đi lang thang và thử nghiệm một cách táo bạo” – ông nói.
Chương trình mới sẽ thay thế các chương trình tuyển sinh độc lập mà các trường ĐH sử dụng như một phương pháp tuyển sinh thay thế cho kỳ thi ĐH quốc gia, còn gọi là Cao khảo.
Đảm bảo công bằng cho các thí sinh
Một quan chức của Bộ GD đã giải thích về chương trình mới rằng các kế hoạch tuyển sinh độc lập đã gặp phải một số vấn đề và thách thức trong nhiều năm. Trong đó, một số thí sinh đưa ra các tài liệu giả và một số trường ĐH không công bố được các tiêu chuẩn đánh giá hợp lý đối với các thí sinh.
Chương trình mới nhằm thúc đẩy tốt hơn sự bình đẳng GD và đảm bảo cơ hội công bằng cho các thí sinh, đồng thời chỉ dẫn các trường trung học ưu tiên đào tạo toàn diện cho HS – quan chức trên cho biết.
Chương trình mới sẽ bao gồm một loạt các phương pháp GD mới. Những HS có mặt trong chương trình sẽ được cung cấp điều kiện tốt nhất phục vụ việc học tập của mình, chẳng hạn như hệ thống gia sư cố vấn, cơ hội được giới thiệu cho các trường sau ĐH, được ưu tiên khi xin học bổng và nghiên cứu ở nước ngoài do chính phủ tài trợ.
Kế hoạch cũng kêu gọi các phòng thí nghiệm lớn của quốc gia, các trung tâm khoa học tiên tiến… kết hợp theo đuổi sự đổi mới, nhằm trao cho SV các vai trò trong nghiên cứu của mình.
Một cơ sở dữ liệu nhằm theo dõi sự phát triển cá nhân SV cũng được thiết lập để tinh chỉnh kế hoạch và mô hình đào tạo của nó.
Giáo sư Zhang Zhiyong của Viện Chính sách GD thuộc ĐHSP Bắc Kinh, cho biết “Kế hoạch cơ bản vững mạnh” sẽ cho phép các tổ chức GD bậc cao đánh giá SV theo cách toàn diện hơn.
Ông nói rằng các trường cần phải tính đến hiệu suất của các thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH cũng như đánh giá độc lập của họ trong quá trình tuyển sinh.
Chương trình mới này cũng là một bước đột phá khi nó quy định các trường ĐH phải khám phá các phương pháp như thi cử, phỏng vấn, hoạt động thực tế để kiểm tra khả năng của SV trong việc phân tích và giải quyết vấn đề - ông nói.
Thành viên Zhong Binglin của Hội đồng tư vấn quốc gia về GD cho biết việc thực hiện kế hoạch này nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt tài năng trong các lĩnh vực quan trọng trên toàn quốc và cho thấy các trường ĐH phải chủ động thích ứng với sự phát triển kinh tế và xã hội.
Ông cho rằng sự công bằng của các chương trình tuyển sinh độc lập của trường ĐH, được đưa ra 16 năm trước đã bị nghi ngờ từ lâu.
“Chương trình mới đã chuẩn hóa thủ tục đăng ký và thiết lập một cơ chế mạnh mẽ hơn nhằm đảm bảo sự công bằng” – ông Zhong nói.