Sự nhàm chán của các chương trình giáo dục giới tính
Tháng 2 vừa qua, Hiệp hội kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc thông báo họ sẽ “can thiệp” để giảm tỷ lệ nạo phá thai ở phụ nữ và thanh thiếu niên chưa kết hôn.
Tin tức này đã gây náo động trên mạng xã hội khi các nhà hoạt động lo ngại động thái này có thể làm xói mòn thêm quyền sinh sản của phụ nữ. Hiệp hội kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc sau đó đã lý giải, tổ chức này chỉ muốn giúp thanh thiếu niên tránh được những rủi ro về sức khỏe và thách thức xã hội liên quan đến việc mang thai ngoài ý muốn.
Lời giải thích này có thể giúp một số người nhẹ nhõm hơn, nhưng có những lý do thực sự khiến Hiệp hội kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc coi việc giảm thiểu tình trạng nạo phá thai là ưu tiên hàng đầu.
Hằng năm, có khoảng 9,5 triệu ca phá thai được thực hiện tại Trung Quốc. Theo tiến sĩ Wu Shangchun, nhà nghiên cứu của một tổ chức tư vấn trực thuộc Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Y tế Quốc gia của Trung Quốc, tỷ lệ nạo phá thai của đất nước đông dân nhất thế giới này cao gấp 2 đến 3 lần so với ở Mỹ và phụ nữ dưới 24 tuổi chiếm tới 40% tổng số ca nạo phá thai.
Những con số thống kê này có thể được giải thích bởi nhiều yếu tố khác nhau, nhưng một trong những lý do quan trọng nhất là sự nhàm chán, thiếu tính hệ thống của các chương trình giáo dục giới tính ở Trung Quốc. Ngay cả "Thế hệ Z" (Gen Z) vốn dễ tiếp cận và sử dụng internet thành thạo cũng gặp khó khăn khi tìm kiếm thông tin đáng tin cậy về chủ đề này.
Xiao Han, học sinh tại một trường quốc tế ở Thượng Hải, cho biết em chưa bao giờ được giáo dục giới tính một cách chính thức ở trường. "Giáo dục giới tính có thể đã được đề cập trong sách giáo khoa "Đời sống và Sức khỏe", nhưng nội dung này chỉ được gửi cho học sinh tự đọc mà không có hướng dẫn gì", em Xiao chia sẻ.
Một học sinh trung học khác đến từ Tân Cương (đã yêu cầu được giấu tên vì lý do riêng tư) cho biết, lần đầu tiên em bắt đầu thắc mắc về giới tính của mình ở trường tiểu học, khi những người bạn thân nhất của em đột nhiên vạch ra ranh giới giữa con trai và con gái, họ bắt đầu trêu chọc em vì quá nữ tính. Học sinh này không hiểu tại sao là nam giới thì phải nam tính như bạn bè em ấy muốn.
Trong tiết học liên quan đến hệ sinh sản, giáo viên Sinh học của lớp đã không đáp ứng được sự kỳ vọng của học sinh. "Đó là một buổi trưa mùa hè, thời tiết nóng nực. Mọi người đã đọc trước sách giáo khoa và rất mong chờ những gì cô giáo sẽ nói. Nhưng mọi chuyện hóa ra lại rất qua loa và nhàm chán. Giáo viên chỉ nói một cách chung chung và sau đó nói rằng, chương này sẽ không xuất hiện trong bài kiểm tra", học sinh này kể lại.
Thầy Chen Rude, giáo viên tiểu học ở trung tâm thành phố Changsa cho biết, chương trình giáo dục giới tính ở ngôi trường nơi thầy giáo công tác rất sơ sài, chỉ có một bài giảng. Giáo viên tách học sinh nam với học sinh nữ, dạy cho các em một số thông tin cơ bản về thời kỳ kinh nguyệt, phòng chống AIDS, ngoài ra không có gì khác.
Hầu hết những người được phỏng vấn cho biết, họ lĩnh hội kiến thức về tình dục ở bên ngoài lớp học, từ internet và các phương tiện truyền thông xã hội.
Trên trang web trực tuyến Bilibili, các vlogger như Ta Ta La, Mr. Six Stories và Alex Is a Girl đã thu hút được lượng lớn khán giả trẻ Trung Quốc bằng những cuộc thảo luận thẳng thắn về giới tính và tình dục.
Mặc dù những nguồn thông tin như vậy có thể hữu ích, nhưng chúng không thể thay thế cho việc giáo dục giới tính chính thức ở trường học. Để giải quyết khoảng cách này, năm ngoái, Trung Quốc đã bắt đầu quy định "giáo dục giới tính phù hợp với lứa tuổi cho trẻ vị thành niên" ở tất cả các cấp học, bao gồm cả mẫu giáo.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu và chuyên gia tiếp tục ủng hộ việc áp dụng Giáo dục giới tính toàn diện (CSE) ở Trung Quốc. Ông Liu Wenli, giáo sư tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, đã dành 10 năm để phát triển sách giáo khoa CSE dựa trên các hướng dẫn của UNESCO dành cho học sinh mẫu giáo và tiểu học.
CSE không chỉ dạy học sinh về tình dục mà còn đề cập đến các mối quan hệ, giới tính, tuổi dậy thì, sức khỏe sinh sản. Điều này giúp người học có được các kỹ năng tốt hơn trong các mối quan hệ và tình dục.
Nhưng có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc chưa sẵn sàng áp dụng CSE. 5 năm trước, một cuốn sách giáo khoa do nhóm của ông Liu biên tập đã bị dừng lưu hành sau khi các bậc phụ huynh cho rằng hình ảnh minh họa cơ thể khỏa thân trong sách là không phù hợp.
Một hành trình dài
Năm ngoái, ông Liu cho biết trong một cuộc phỏng vấn với China Business Herald: "Giáo dục giới tính được đưa vào luật là một sự phát triển thú vị, nhưng đó mới chỉ là bước đầu tiên trong một hành trình dài. Giáo dục giới tính nên dạy những nội dung gì? Chúng ta có đủ giáo viên đủ trình độ để dạy không? Những phương pháp giảng dạy nào hữu ích? Những câu hỏi này cần được giải quyết, và chúng rất cấp bách".
Quan điểm này được lặp lại bởi thầy Chen, người lo ngại rằng giáo viên không được cung cấp đủ nguồn lực tốt để dạy học sinh về giới tính một cách kỹ lưỡng. Thầy Chen chỉ vào cuốn sách giáo khoa "Đời sống và Sức khỏe", cuốn sách mô tả giới tính theo cách rất khuôn mẫu bằng cách miêu tả các cô gái vốn dĩ "hiền lành" và "trầm tính".
Có một số ví dụ quốc tế mà Trung Quốc có thể rút ra trong việc thiết kế một chương trình giảng dạy về giới tính toàn diện hơn. Ở Đan Mạch, cải cách giáo dục giới tính được hưởng lợi từ sự hợp tác của chính phủ, trường học, ngành xuất bản và các tổ chức phi chính phủ (NGO) như Sex & Samfund.
NGO đã giúp tổ chức sự kiện "Sex Weeks" trong 13 năm, trong đó giáo viên hướng dẫn học sinh thảo luận về những thách thức mà họ phải đối mặt trong cuộc sống thực, từ việc bày tỏ với cha mẹ về vấn đề giới tính đến thủ dâm. Theo cách tiếp cận này, học sinh được coi là những tác nhân có năng lực trong cuộc sống của chính họ, và sự tham gia tích cực của họ là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình.
Em học sinh đến từ Tân Cương nói rằng, sau một lớp giáo dục giới tính đáng thất vọng, cuối cùng em đã tìm thấy một số thông tin ở một nơi không mấy chắc chắn: một khóa học về "giáo dục sức khỏe tâm lý". Trong giờ học, giáo viên đã hướng dẫn học sinh sử dụng các biện pháp tránh thai và cách phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục.
Em cho biết, lớp học đã giúp bản thân tự tin hơn, nhưng vẫn cảm thấy kiến thức của mình còn hạn chế - đặc biệt là với chủ đề đồng tính chưa bao giờ được đề cập đến.
Cải cách giáo dục giới tính ở Trung Quốc phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, mới có thể phát huy được sự hiệu quả. Nhưng đó là việc phải làm bởi nếu càng kéo dài, thanh thiếu niên Trung Quốc sẽ càng thấy mình phụ thuộc vào TV, những người có ảnh hưởng và mạng xã hội để tìm hiểu về các vấn đề giới tính, tình dục. Và những nhà quản lý trong ngành giáo dục Trung Quốc không hề mong muốn điều này.