Trung Quốc: Loay hoay giải "bài toán" trung tâm luyện thi

GD&TĐ - Một trong những ưu tiên hàng đầu của công tác quản lý giáo dục Trung Quốc năm 2021 là giảm khối lượng bài vở cho học sinh và điều chỉnh hoạt động của các trung tâm luyện thi.

Học sinh tiểu học Trung Quốc.
Học sinh tiểu học Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia giáo dục đã đóng góp ý kiến thay đổi mô hình đào tạo hiện nay.

Yang Shanhong, người đứng đầu Văn phòng Hướng dẫn và Quản lý giáo dục tỉnh An Huy, đề nghị chính quyền các địa phương nỗ lực nhiều hơn nữa để điều chỉnh mô hình của các cơ sở đào tạo sau giờ học.

Đồng thời sửa đổi việc sử dụng tài liệu giảng dạy nâng cao và phức tạp trong các môn học chính như tiếng Trung, tiếng Anh và Toán học để giảm bớt gánh nặng học tập cho học sinh.

Yang cho biết: Học thêm đã trở thành ngành công nghiệp lớn tại Trung Quốc. Các trung tâm luyện thi đang tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa học sinh và đặt gánh nặng tài chính lớn lên các hộ gia đình.

Nhiều cơ sở dạy thêm đã hoạt động trái pháp luật như không có giấy phép kinh doanh, thuê giáo viên không có chứng chỉ. Hơn nữa, các trung tâm thường yêu cầu phụ huynh, học sinh thanh toán trước học phí nên có thể dẫn đến nguy cơ lừa đảo, không được hoàn tiền. Tất cả những vi phạm này đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ hơn từ các cơ quan chức năng.

Yang gợi ý các cơ quan quản lý giáo dục nên tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên nội dung khóa học tại các trung tâm. Hạn chế quảng cáo của trung tâm luyện thi vì chúng tạo ra áp lực cạnh tranh giữa học sinh. Những trung tâm nhiều lần vi phạm nên bị đóng cửa.

“Cha mẹ cũng nên hình thành tư duy không cạnh tranh với những người khác. Cuộc sống giống như chạy marathon, không phải chạy nước rút. Bên cạnh đó các trường cũng nên tăng chất lượng giảng dạy trên lớp để học sinh không cần học thêm sau giờ học. Học thêm chỉ nên đóng vai trò bổ trợ, không nên để trẻ phụ thuộc vào việc này”, Yang nói.

Liu Xiya, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xiejiawan, thành phố Trùng Khánh, cho biết nhiều trung tâm luyện thi chỉ giúp học sinh đạt điểm cao nhờ học vẹt, làm nhiều bài tập. Điều này không có lợi trong việc thúc đẩy các em phát triển toàn diện.

Theo Liu, chính quyền địa phương nên thiết lập quy định thống nhất trong việc quản lý các trung tâm dạy thêm và đặt ra yêu cầu về nội dung đào tạo, chứng chỉ của giáo viên, giờ học và học phí.

Wang Xuebin, Hiệu trưởng Trường Khoa học Đời sống thuộc ĐH Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, cho rằng: Các nhà chức trách cần kiểm soát sự xuất hiện quảng cáo của các trường luyện thi tại không gian công cộng, chương trình truyền hình. Vì nhiều quảng cáo có nội dung phóng đại, sai sự thật, gây tâm lý hoang mang cho phụ huynh, học sinh.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều trung tâm luyện thi cũng chuyển sang hình thức đào tạo trực tuyến như trường phổ thông. Số lượng học sinh đăng ký theo học các khóa online này đã tăng mạnh. Kết quả cuộc khảo sát của tờ báo China Youth Daily cho thấy 87,2% phụ huynh đã đăng ký cho con học thêm trực tuyến.

Tuy nhiên, phụ huynh lo lắng hình thức học này sẽ khiến trẻ em gặp vấn đề về thị lực. Nhiều người không chọn học thêm online nên thường xuyên nhắc nhở các con tận dụng tối đa thời gian học trên trường, trau dồi thói quen học tập tích cực, khoa học.

Ngoài ra, không ít phụ huynh đã mất tiền vì các công ty giáo dục trực tuyến phá sản. Trước đó, đầu năm 2021, nền tảng gia sư trực tuyến Xuebajun thừa nhận gặp khó khăn tài chính, không thể hoàn lại học phí phụ huynh đã trả trước. Số tiền cho mỗi khóa học trên nền tảng này dao động từ 20.000 – 100.000 nhân dân tệ (từ 70 đến 350 triệu đồng).

Theo China Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.