Hôm 13/4, Tân Hoa xã dẫn một tuyên bố của Bộ Công an Trung Quốc cho hay, chính phủ Kenya quyết định trục xuất 32 người Trung Quốc và 45 người đảo Đài Loan tới đai lục. 10 người trong số họ đã tới Trung Quốc, còn 67 người khác sẽ đáp xuống trong ngày 13/4.
Bà Chen Ting-fei, một nghị sĩ Đài Loan, giơ văn bản về thỏa thuận tư pháp giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan trước các phóng viên hôm 12/4. Ảnh: AFP |
“Nhiều công dân Đài Loan liên quan tới các vụ gian lận viễn thông ở Trung Quốc đại lục. Hành vi của họ gây tổn thất lớn và một số nạn nhân đã tự sát”, Bộ Công an Trung Quốc nêu rõ.
Bộ Công an nói thêm rằng những người Đài Loan mà giới chức Kenya bắt từng thực hiện hành vi lừa đảo viễn thông tại Trung Quốc đại lục. Họ lừa hàng triệu nhân dân tệ của nhiều người dân tại 9 tỉnh và thành phố. Do phần lớn nạn nhân sống ở Trung Quốc nên Bắc Kinh muốn xét xử nghi phạm tại đại lục.
Hôm 11/4, giới chức vùng lãnh thổ Đài Loan cáo buộc Trung Quốc bắt cóc 8 công dân của họ.
8 người này được tòa án ở Kenya tuyên vô tội trong phiên xử một vụ lừa đảo bằng thiết bị viễn thông hôm 5/4. Sau đó chính quyền địa phương đã trục xuất họ sang Trung Quốc hôm 8/4 từ quận Kilimani của thành phố Nairobi.
Đài Bắc cáo buộc Bắc Kinh gây áp lực để cảnh sát Kenya đưa 8 người lên phi cơ Trung Quốc.
Hồi tháng 1, Tổng chưởng lý Kenya tuyên bố Nairobi xem xét yêu cầu của Bắc Kinh về việc dẫn độ 76 người Trung Quốc. Những người này bị cáo buộc sở hữu các thiết bị viễn thông bất hợp pháp tại Kenya về quê hương để xét xử.
Song Đài Loan khẳng định 23 người trong nhóm là công dân của hòn đảo và tòa án Kenya đã trả tự do cho họ, đồng thời yêu cầu họ hồi hương trong vòng 21 ngày.
“Đây là hành vi bắt cóc bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng quyền cơ bản của con người”, cơ quan ngoại giao Đài Loan tuyên bố hôm 11/4, đồng thời nhấn mạnh họ đang yêu cầu Trung Quốc đại lục trao trả 8 công dân ngay lập tức.
Trung Quốc coi đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ mà họ sẽ kiểm soát bằng vũ lực trong trường hợp cần thiết.
Quan hệ giữa vùng lãnh thổ Đài Loan và Trung Quốc cải thiện sau khi Mã Anh Cửu, chính trị gia có tư tưởng thân Trung Quốc, trở thành nhà lãnh đạo hòn đảo vào năm 2008. Hai bên đã ký hàng loạt thỏa thuận thương mại.
Tuy nhiên, Trung Quốc đại lục tỏ ra dè chừng Đài Loan từ khi bà Thái Anh Văn, chủ tịch đảng Dân Tiến, giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lãnh đạo và cơ quan lập pháp hồi tháng 1.