Trung Quốc: Công ty công nghệ giáo dục xoay xở trước chính sách mới

GD&TĐ - Trung Quốc mới công bố một quy định đối với lĩnh vực giáo dục tư nhân với lý do cần “bảo vệ quyền được nghỉ ngơi của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục ở trường học và giảm gánh nặng cho phụ huynh”.

Học sinh Trung Quốc học trực tuyến.
Học sinh Trung Quốc học trực tuyến.

Đây được xem là chính sách cứng rắn, gây sốc và không được dự báo trước. Nó khiến cho nhiều công ty giáo dục tư nhân phải loay hoay tìm ngã rẽ cho mình.

Biện pháp nhằm giảm gánh nặng

Nỗ lực mới của Trung Quốc nhằm kiềm chế lĩnh vực công nghệ giáo dục diễn ra sau một loạt cuộc truy quét vào các công ty Internet trong nước. Các cơ quan quản lý an ninh mạng và chống độc quyền của Trung Quốc gần đây bận rộn xử lý những gã khổng lồ công nghệ từ Alibaba đến ứng dụng chia sẻ Didi.

Tuy nhiên, chiến dịch quản lý của Bắc Kinh đối với các công ty giáo dục tư nhân được cho là có mục đích khác. Khi dân số già đi, nhà nước muốn tăng tỷ lệ sinh vốn đang giảm xuống nhưng nhiều người lo ngại chi phí nuôi dạy trẻ cao, đặc biệt là chi phí giáo dục và chăm sóc trẻ em.

Hệ thống giáo dục đầy áp lực của Trung Quốc vốn tập trung vào kỳ thi đại học hàng năm đã thúc đẩy sự bùng nổ của lĩnh vực giáo dục tư nhân trong những thập kỷ gần đây. Sự bùng nổ của việc học trực tuyến trong đại dịch đã làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh trong học tập cũng như bất bình đẳng trong giáo dục, dẫn đến những vấn đề trong ngành giáo dục tư nhân. Trong tháng 6 vừa qua, cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc đã phạt 15 công ty dạy thêm vì quảng cáo sai sự thật và gian lận giá cả.

Theo nhà nghiên cứu Dev Lewis tại Tổ chức nghiên cứu Digital Asia Hub ở Hồng Kông, trong chiến dịch này, thay vì đưa ra lo ngại về an ninh quốc gia hoặc chống độc quyền, chính phủ Trung Quốc nhận ra hệ thống giáo dục và lĩnh vực công nghệ giáo dục đã quá nóng.

Công ty New Oriental là nhà cung cấp dịch vụ giáo dục lớn nhất Trung Quốc.
Công ty New Oriental là nhà cung cấp dịch vụ giáo dục lớn nhất Trung Quốc.

“Giảm khối lượng học tập của học sinh, giảm áp lực lên các gia đình và cải thiện chất lượng giáo dục công là những vấn đề chính đáng cần giải quyết khi Bắc Kinh theo đuổi một môi trường bền vững hơn cho các gia đình Trung Quốc sinh nhiều con hơn” – ông Lewis nói – “Nhưng còn phải xem liệu các quy định mới này có thực sự là giải pháp cho những vấn đề đó hay không?”.

Theo chính sách mới, các công ty giáo dục giảng dạy những môn học trong chương trình phổ thông như Toán, Khoa học và Lịch sử từ mẫu giáo đến lớp 9 sẽ bị cấm thu lợi nhuận và phải chuyển thành tổ chức phi lợi nhuận. Các công ty này cũng bị cấm niêm yết trên thị trường chứng khoán, huy động vốn hoặc cung cấp dịch vụ dạy kèm trong ngày cuối tuần và ngày lễ.

Chính sách trên có thể sẽ khiến ngành giáo dục tư nhân với trị giá hơn 100 tỷ USD của Trung Quốc gặp rủi ro nghiêm trọng. Nhà phân tích Tommy Wong tại Công ty chứng khoán China Merchant Securities cho rằng, khi quy định được thực thi, các doanh nghiệp giáo dục vì lợi nhuận sẽ không thể hoạt động được nữa và suy tàn nếu chính phủ không đưa ra một chính sách mang tính đảo chiều.

Tuy vậy, bất chấp tiên lượng xấu, một số con đường vẫn mở ra cho các công ty công nghệ giáo dục, đặc biệt là công ty khổng lồ có giá trị nhất trong ngành này là New Oriental Education & Techonology Group.

Cổ phiếu của Công ty công nghệ giáo dục TAL Education lao dốc sau tin tức về chính sách mới.
Cổ phiếu của Công ty công nghệ giáo dục TAL Education lao dốc sau tin tức về chính sách mới.

Phá sản hoặc tìm cách khác

Công ty New Oriental trên có trụ sở tại Bắc Kinh và là nhà cung cấp dịch vụ giáo dục lớn nhất Trung Quốc tính theo vốn hóa thị trường. Nó có mạng lưới 118 trường học, 1.625 trung tâm và các hiệu sách trực tuyến, trực tiếp. Trước khi bán tháo cổ phiếu, nó được định giá gần 11 tỷ USD.

Hiện, công ty này cung cấp nhiều loại hình dịch vụ giáo dục phong phú, bao gồm dạy kèm các môn học phổ thông, luyện các kỳ thi trong và ngoài nước, các khóa học ngoại ngữ và các chương trình tư vấn du học.

Công ty 28 tuổi trên là một trong số những tổ chức bị ảnh hưởng nặng nhất bởi chính sách mới, giá cổ phiếu của tập đoàn lao dốc không phanh sau khi thông tin về chính sách mới được đưa ra.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, New Oriental Education đang ở nơi tốt nhất để có thể sống sót sau cuộc cải cách của Trung Quốc. Nó có thể chuyển đổi mô hình kinh doanh để tập trung vào các phân khúc giáo dục chưa bị ảnh hưởng bởi các quy định mới như luyện thi và các lĩnh vực phi hàn lâm như nghệ thuật, thủ công, thể thao và tin học.

Trong khi đó, 75% doanh thu của công ty này đến từ hoạt động dạy thêm các môn học phổ thông – phân khúc bị chính sách mới nhắm vào. 25% doanh thu còn lại là từ việc luyện thi, dịch vụ thi và các khóa học ngôn ngữ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, điều này có nghĩa là công ty có tùy chọn để xoay trục sang các loại hình kinh doanh khác. Thêm vào đó, vị thế tài chính vững chắc của công ty với 2,7 tỷ USD dự trữ tiền mặt và 3,4 tỷ USD đầu tư ngắn hạn có thể giúp công ty có thêm đòn bẩy để chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Tuy nhiên, các đối thủ khác của New Oriental ít được chuẩn bị hơn cho thử thách này. Công ty công nghệ giáo dục lớn thứ 2 của Trung Quốc là TAL Education chỉ mới bắt đầu dịch vụ dạy thêm cho học sinh từ mầm non tới lớp 9. Công ty này có thể chịu tác động lớn hơn so với New Oriental. Khoảng 62% hoạt động kinh doanh của New Oriental có thể bị ảnh hưởng trong khi đối với TAL, con số này khoảng 80%.

Theo ông Wong, giới phân tích nói rằng, các công ty công nghệ giáo dục có thể vẫn được niêm yết trên sàn chứng khoán nếu họ có thể chuyển đổi thành tổ chức phi lợi nhuận. Đồng thời để chuyển hướng mô hình kinh doanh của mình, họ sẽ cần phải đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh không cốt lõi, nhưng họ lại có ít chuyên môn hơn.

“Tất cả các công ty đối thủ của họ cũng sẽ thực hiện các thay đổi kinh doanh tương tự, chuyển sang một phân khúc hẹp hơn, do đó làm tăng sự cạnh tranh” – ông Wong cho biết. Chiến lược này cũng đưa ra một rào cản mới, đó là phải thuyết phục các bậc cha mẹ bỏ ra một khoản tiền lớn cho các khóa học không liên quan đến học thuật.

Theo Fortune

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ